Theo quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, mạng cao tốc trên toàn quốc có 21 tuyến với chiều dài 6.400 km, trong đó hai tuyến Bắc - Nam dài hơn 3.000 km.
Sau hai năm thực hiện, một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phải điều chỉnh quy mô đầu tư, một số địa phương đề nghị bổ sung các đoạn cao tốc như Gò Dầu - TP Tây Ninh - cửa khẩu Xa Mát, tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai... Do đó, Bộ Giao thông phải điều chỉnh lại quy hoạch.
Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI), đơn vị này đã đề xuất tăng chiều dài hệ thống cao tốc từ 6.400 lên hơn 7.000 km. Trong đó, giai đoạn trước 2020 sẽ hoàn thành 2.100 km, giai đoạn đến 2030 hoàn thành 4.000 km và phần còn lại sẽ hoàn thành sau 2030.
Dự kiến tổng vốn đầu tư đến năm 2020 là 182.000 tỷ đồng, giai đoạn 2020-2030 là 864.000 tỷ đồng và giai đoạn sau 2030 là 254.000 tỷ đồng. Quỹ đất dành cho tuyến cao tốc sẽ tăng 6.800 ha.
Mạng đường bộ cao tốc được Bộ Giao thông quy hoạch nhằm mục tiêu kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu, đầu mối có nhu cầu vận tải lớn. Bộ sẽ chú trọng xây dựng cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối các thành phố như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, các tuyến ra cảng biển lớn, tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải hiện đại khác và hội nhập khu vực.
Tại cuộc họp ngày 4/9, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu TEDI cùng các cơ quan liên quan, địa phương thống nhất nội dung để báo cáo Thủ tướng, trình Quốc hội việc điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc. Ông cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát lại quy mô và đầu tư các tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tuyến kết nối đến Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, các cảng lớn như Cát Lái, Lạch Huyện, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định hay các sân bay Long Thành, Nội Bài...
Các đơn vị được yêu cầu nghiên cứu quy hoạch đồng bộ với tầm nhìn dài hạn và đề xuất phải căn cứ vào khả năng tài chính. Đánh giá thực hiện quy hoạch đã phê duyệt, ông Thể cho rằng, chưa có sự chú ý trong việc hình thành mạng kết nối dẫn tới tình trạng không đồng bộ.