Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa trình chính quyền thành phố cho thí điểm 3 tuyến xe điện chở khách từ các bến tàu buýt sông đến các địa điểm nổi tiếng của thành phố như: Chợ Bến Thành, Nhà hát thành phố, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, một số khách sạn lớn và khu vực khác trên địa bàn quận 2.
Dự kiến có 10 chiếc được đưa vào khai thác trong tháng 11. Đây là xe điện tử 8-14 chỗ, hoạt động 5-22h hàng ngày.
Động thái này xuất phát từ đề xuất của chủ đầu tư tuyến buýt sông. Họ muốn triển khai các tuyến xe điện để kết nối đường bộ với đường thủy, nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi buýt sông.
Theo Sở Giao thông Vận tải, việc mở các tuyến xe điện nhằm kết nối giữa vận tải hành khách bằng đường thủy và đường bộ, góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc.
Tuyến buýt đường sông đầu tiên từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi Linh Đông (quận Thủ Đức) sẽ hoạt động trong tháng này. Tuyến dài gần 11 km, đi qua các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tàu chở khách theo lộ trình và giờ cố định, đồng thời đón khách ở 14 trạm dừng (như xe buýt) cho khách lên xuống.
Với giá vé 15.000 đồng mỗi lượt, tàu buýt có thiết kế dạng cánh ngầm trước mũi, dài 18 m với màu vàng chủ đạo. Bên trong tàu được trang trí hệ thống đèn, còi hiệu, điều hòa, báo cháy...
Lộ trình 3 tuyến xe điện được đề xuất: Tuyến số 1: Bến Bạch Đằng – Hai Bà Trưng - Đông Du - Mạc Thị Bưởi - Công trường Lam Sơn – Lê Lợi – Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn - Phạm Hồng Thái – Phạm Ngũ Lão – Yersin – Trần Hưng Đạo – Phạm Ngũ Lão – Phó Đức Chính - Nguyễn Công Trứ - Tôn Thất Đạm – Võ Văn Kiệt – Nguyễn Thái Bình – Tôn Đức Thắng - Nguyễn Huệ - Công trường Mê Linh – bến Bạch Đằng. Tuyến số 2: Bến Bình An (quận 2) - đường số 20 - Trần Não – đường song hành xa lộ Hà Nội (tòa nhà Paskson Cantavil) – Pháp viện Minh Đăng Quang – Mai Chí Thọ - đường Đông Tây (khu đô thị An Phú) - đường số 24 - đường song hành xa lộ Hà Nội – Trần Não – đường số 20 – Bến Bình An. Tuyến số 3: Bến Thảo Điền - đường 66 – Nguyễn Văn Hưởng – Thảo Điền – Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng - đường 66 – bến Thảo Điền. |
Hữu Nguyên