Theo Ban quản lý dự án Đường sắt, 12 nhà ga trên cao thuộc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được thiết kế mái cong, phù hợp với khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều của Việt Nam và phong cách kiến trúc Đông Nam Á. Mái nhà ga sử dụng vật liệu lấy sáng, khả năng chống gió cao, giảm bức xạ mặt trời.
Tất cả các nhà ga được bố trí nhiều tiện ích như thang máy, thang cuốn, thang bộ, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu; tin tức, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động, hệ thống thông gió, thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, camera giám sát an ninh...
Mỗi nhà ga gồm hai khu vực chính là nơi phục vụ hành khách với sảnh ra vào, máy bán thẻ/vé, quầy thông tin và dịch vụ khách hàng, cửa thu soát vé tự động. Khu vực nữa là sân ga, nơi hành khách đợi đón tàu.
Xung quanh các nhà ga bố trí điểm đỗ xe cho hành khách gửi xe cá nhân, điểm đỗ xe buýt, hành khách lưu thông bằng cầu đi bộ hoặc cầu thang lên nhà ga trên cao.
Hiện nay, dọc hành lang đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên trục quốc lộ 6 có 34 tuyến xe buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới buýt Hà Nội. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang điều chỉnh các tuyến buýt trùng lộ trình trên tuyến đường sắt để đảm bảo xe buýt gom khách và giải tỏa tại các nhà ga. Phần lớn tuyến xe buýt không trùng mà đã tiếp cận khu vực ga đường sắt được giữ nguyên.
12 ga đường sắt được kết nối bằng nhiều tuyến xe buýt
Ga Cát Linh có quy mô lớn nhất của tuyến, nằm ở đoạn giao ngã năm Cát Linh, Hào Nam, Giảng Võ và Giang Văn Minh. Nhà ga này được thiết kế nhiều tiện ích phục vụ khách hàng như các kiốt và cửa hàng tiện ích, quầy ATM... Từ ga Cát Linh, hành khách có thể kết nối với tuyến metro số 3 (Nhổn - ga Hà Nội), BRT số 1 Kim Mã - Yên Nghĩa và các tuyến xe buýt số 18, 22, 23...
Ga La Thành nằm trên cao gần ngã tư La Thành - Hào Nam. Tại đây, hành khách có thể kết nối với tuyến xe buýt số 50, 99, 23, 30.
Ga Thái Hà đặt trên phố Hoàng Cầu mới, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến xe buýt số 26, 30, 50, 18, 35A, 84.
Ga Láng nằm sát bờ sông Tô Lịch, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến buýt số 09B, 16, 24, 27.
Ga Thượng Đình ở gần đoạn giao cắt Khương Đình - Nguyễn Trãi, hành khách có thể kết nối với tuyến xe buýt số 02, 19, 01, 27.
Ga vành đai 3 nằm ở hầm chui Thanh Xuân. Tại đây có nhiều tuyến xe buýt kết nối là 27, 29, 01, 02, 05, 19, 21B, 21A trên đường Nguyễn Trãi và tuyến số 22C, 29 tại hầm đường bộ Nguyễn Xiển.
Ga Phùng Khoang nằm ở đoạn giao giữa phố Nguyễn Trãi và Phùng Khoang. Hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 39, 27, 02, 19, 01.
Ga Văn Quán nằm ở bến xe Hà Đông cũ, có vị trí thuận tiện giúp hành khách kết nối với các tuyến buýt, xe khách tại bến xe Hà Đông,
Ga Hà Đông nằm gần bệnh viện đa khoa Hà Đông. Từ nhà ga, hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 89, 01, 02, 27, 33.
Ga La Khê gần nút giao Lê Trọng Tấn - Quang Trung. Từ nhà ga, hành khách có thể kết nối với các tuyến xe buýt số 01, 02, 21A, 27.
Ga Văn Khê nằm giữa phố Quang Trung và đường Ba La. Tại đây, hành khách có thể trung chuyển với các tuyến xe buýt số 91, 01, 02, 21A, 27.
Ga Yên Nghĩa là ga cuối của tuyến, nằm ngay trước bến xe Yên Nghĩa trên đường Quang Trung, Hà Đông. Nhà ga giúp hành khách kết nối với các tuyến xe buýt nội đô, cũng như các xe khách liên tỉnh đi Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Kon Tum...
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành các hạng mục xây dựng trên toàn tuyến đạt trên 96%; hơn 95% thiết bị được nhập về và lắp đặt hoàn chỉnh khoảng 85%.
Tháng 8, Tổng thầu Trung Quốc đang căn chỉnh từng hạng mục đã lắp đặt; công tác cấp điện và đóng điện trên toàn tuyến, dự kiến đoàn tàu chạy thử trên toàn tuyến vào cuối tháng này.
Trong 3 đến 6 tháng, tàu điện được chạy thử không tải để căn chỉnh tổng hợp. Tùy thuộc vào kết quả chạy thử, cơ quan chức năng sẽ quyết định thời điểm đưa tàu vào khai thác thương mại.