Ngày 2/3, tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, góp ý về Đề án tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, Giám đốc Học viện cán bộ TP HCM Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự phấn khởi, cho đây là một trong những vấn đề mong chờ nhất, mang lại niềm vui cho đội ngũ cán bộ công chức.
"Đó chính là công bằng bởi năng suất, hiệu quả lao động của cán bộ thành phố ở mức cao so với những nơi khác. Hơn nữa, họ còn gặp rất nhiều áp lực nên thu nhập phải cao", ông Ngân nói.
Dù còn băn khoăn về nguồn ngân sách để thực hiện, thành phố phải tính toán theo lộ trình, song ông Ngân vẫn mong muốn cán bộ được tăng thu nhập ở mức cao nhất từ năm 2019.
"Nghị quyết 54 Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM chỉ được thí điểm 5 năm, trong thời gian này các địa phương khác cũng đấu tranh cho mình. TP HCM cần tranh thủ được lợi thế để động viên tinh thần cho đội ngũ cán bộ công chức làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn", ông Ngân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị cần có đề án đánh giá cán bộ song song với đề án này, từ đó có cơ chế tăng thu nhập phù hợp, đảm bảo công bằng.
"Nếu không khéo sẽ xuất hiện tình trạng người lao động tâm tư. Đừng để giàu mà mất đoàn kết, phức tạp lắm chứ không đơn giản", ông Ngân lưu ý.
Quan điểm này được khá nhiều đại biểu đồng tình.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Văn Đạo cho rằng, thủ trưởng từng đơn vị nắm rõ và đánh giá sát nhất lao động của cán bộ. Tuy nhiên, hiện còn tình trạng cuối năm phải bỏ phiếu, bình chọn, nên thường xảy ra tình trạng "dĩ hòa vi quý".
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu quy trình để đánh giá cán bộ sát hơn, khoa học hơn", ông nói.
Trong khi đó, TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright) cho rằng, đề án của thành phố là cần thiết, bởi mục tiêu của mọi người khi hoàn thành tốt nhiệm vụ đều hướng tới thu nhập và thăng tiến.
Tuy nhiên, ông đánh giá hiện có thực trạng khi xét bình bầu thi đua, câu hỏi đầu tiên đối với cán bộ là "có sai gì không", thay vì hỏi họ "làm được gì".
"Đề án có vẻ như công thức tăng thu nhập cho một số người không có thu nhập khác trong 'nháy nháy' nhiều hơn là tạo động cơ, khuyến khích cán bộ làm việc để cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực", ông Du nói.
Nhìn nhận sẽ có khó khăn, ông Du đề nghị đối với đề án này cũng như các đề án khác khi triển khai Nghị quyết 54 Quốc hội, chính quyền thành phố cần đi tiên phong khuyến khích cán bộ làm việc có lợi ích cho dân, cho doanh nghiệp.
"Khi cán bộ có thưởng, thu nhập tăng, họ sẽ nâng khả năng cạnh tranh, vị trí của TP HCM so với tỉnh thành khác", ông Du nêu quan điểm.
Không 'cào bằng' để tăng thu nhập
Theo Phó giám đốc Sở Tài chính TP HCM Lê Thị Thùy Trang, phạm vi áp dụng của đề án gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập. Đối tượng được xem xét tăng thu nhập là cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn.
"Tuy nhiên, không phải cán bộ nào cũng được tăng thu nhập mà thành phố áp dụng theo nguyên tắc 'gắn với hiệu quả công việc và không cào bằng'. Những người được xem xét tăng thu nhập phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên", bà Trang cho biết.
Theo đề án, hệ số điều chỉnh thu nhập của cán bộ sẽ được áp dụng có lộ trình. Năm 2018 tăng tối đa 0,6 lần; năm 2019 là 1,2 lần; năm 2020 là 1,8 lần. Ngoài ra, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm hàng năm cũng căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách.
Thành phố hiện có 11.645 công chức; 122.157 viên chức; 6.440 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Dự kiến, chỉ riêng năm nay thành phố cần hơn 2.342 tỷ đồng để chi thu nhập tăng thêm cho họ.
Mong muốn tăng thu nhập cho cán bộ đã được TP HCM kiến nghị, chuẩn bị từ nhiều năm, bởi năng suất của một nhân sự (trong các cơ quan quản lý nhà nước tại thành phố) gấp 1,5 lần so với địa phương khác.
Đề án sẽ được trình tại kỳ họp bất thường HĐND TP HCM giữa tháng 3.
Tuyết Nguyễn