UBND TP HCM vừa hoàn thành dự thảo Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức viên chức - một trong những vấn đề thực hiện theo Nghị quyết 54 Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Dựa trên nguyên tắc "căn cứ vào hiệu quả công việc và không cào bằng", dự kiến năm nay thành phố điều chỉnh hệ số tăng thu nhập cho cán bộ tối đa 0,6 lần; năm 2019 là 1,2 lần; năm 2020 là 1,8 lần.
Hiện thành phố có hơn 11.600 công chức; gần 122.160 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Theo đó, chỉ riêng năm nay thành phố cần hơn 2.342 tỷ đồng để chi thu nhập tăng thêm cho họ.
Giai đoạn 2019-2020, kinh phí chi trả được xác định dựa trên ngạch bậc, chức vụ của cán bộ; theo lộ trình tăng lương của Chính phủ và hệ số điều chỉnh tăng thu nhập hàng năm dựa trên khả năng cân đối ngân sách.
Tiền chi trả được lấy từ nguồn cải cách tiền lương năm trước chuyển sang, nguồn cải cách tiền lương trích lập từ nguồn thu được để lại hàng năm, nguồn ngân sách cấp huyện, cấp thành phố...
Để tạo nguồn cải cách tiền lương, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải trích 40% (riêng lĩnh vực y tế là 35%) nguồn thu được để lại hàng năm.
Trước đó, tại buổi gặp mặt đầu xuân Mậu Tuất với chủ tịch 322 phường, xã, thị trấn, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, việc nâng thu nhập cho cán bộ sẽ căn cứ vào hiệu quả công việc. Động thái này sẽ tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, cống hiến, thay đổi thái độ phục vụ, giảm tình trạng xin nghỉ việc...
Mong muốn tăng thu nhập cho cán bộ đã được TP HCM kiến nghị, chuẩn bị từ nhiều năm, bởi năng suất của một nhân sự (trong các cơ quan quản lý nhà nước tại thành phố) gấp 1,5 lần so với địa phương khác.
Tuyết Nguyễn