Phiên thảo luận góp ý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 6/9 diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến tranh luận người thân cán bộ có buộc phải kê khai tài sản.
Nhiều người tham nhũng tẩu tán tài sản cho người thân
Đại biểu Đinh Duy Vượt nói, mở rộng đối tượng kê khai “là mấu chốt để kiểm soát tài sản”. Nếu quy định cán bộ chỉ phải kê khai tài sản của bản thân, vợ (hoặc chồng) và con chưa thành niên là quá hẹp. “Phạm vi kê khai chưa thực sự xoáy vào tảng băng chìm, hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng. Nhân dân vẫn hoài nghi, tâm tư về tiến trình diệt giặc nội xâm này”, ông Vượt thẳng thắn.
Ông Vượt chỉ rõ những lý do phải kê khai tài sản cha, mẹ, con thành niên, ông, bà nội của cán bộ. Ở nhiều tỉnh thành, nhân dân đều biết, bố mẹ, ông bà của cán bộ bỗng dưng sở hữu nhiều dự án, tài sản chục tỷ, biệt phủ, xe sang. Thậm chí có những thái tử, phò mã, cậu ấm, cô chiêu rất trẻ nhưng đã có dự án lớn, bất chấp và thách thức dư luận.
Nhiều án tham nhũng tài sản được tẩu tán cho bố, mẹ, người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh... “Đây là một trong những nguyên nhân mà cơ quan tư pháp dù rất cố gắng, quyết liệt, tỷ lệ thu hồi tiền tham nhũng rất thấp”, ông Vượt nói và cho rằng tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà từ người này sang người khác, dạng này sang dạng khác, biến hóa ẩn mình như ma trận và cuối cùng vẫn đổ về túi cán bộ.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp cũng bởi cán bộ có tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Vậy nên, theo ý kiến nhân dân thì cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái ruột thịt... của cán bộ đều phải kê khai tài sản. “Nếu lo ngại ảnh hưởng quyền công dân thì không đánh vào gốc rễ tham nhũng được”, ông Vượt giải thích.
Đại biểu Phan Văn Hòa cũng đồng tình mở rộng đối tượng kê khai tài sản là cha mẹ, con vị thành niên của cán bộ giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, nhà nước. Bởi thời gian qua, thân nhân những người tham nhũng có tài sản kếch xù mà nhà nước không thu hồi được. “Người thân cán bộ đã đăng ký đứng tên hết từ đất đai, nhà cửa, nên dù cán bộ đi tù cũng không còn gì để thu hồi”, ông nói.
Đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng không buộc người thân cán bộ kê khai tài sản sẽ là “lỗ hổng lớn trong dự luật”.
Khó mở rộng đối tượng kê khai
Trái với ý kiến trên, đại biểu Trần Văn Mão lo ngại, nếu mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thì số lượng quá lớn, vượt khả năng của cơ quan kiểm soát. Vì vậy, đề xuất trên khó khả thi, rơi vào hình thức, lãng phí.
Biết thực trạng cán bộ chuyển tài sản cho người thân khiến dư luận băn khoăn, nhưng đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng quy định như trong dự thảo là hợp lý. Bởi nếu mở rộng đối tượng kê khai tài sản thì phải đáp ứng được yêu cầu có khả thi không? Có phù hợp quy định pháp luật hay không? “Tôi băn khoăn nhất là có phù hợp quy định pháp luật hay không?”, ông Sinh chia sẻ.
Ông lấy dẫn chứng, bố mẹ ở quê, con cái đi công tác thì làm sao biết tài sản tăng thêm hay giảm đi? “Đặc biệt, nếu cơ quan kiểm soát tài sản khởi kiện ra tòa thì có thu hồi được tài sản của người thân cán bộ tham nhũng không? Bởi đó là tài sản của công dân”, ông Sinh tranh luận.
Thậm chí, ông Sinh cho rằng nếu kiện ra tòa để thu hồi tài sản của bố, mẹ, con cán bộ “là điều hết sức vô duyên, không đúng quy định của Hiến pháp”.
Chung góc nhìn này, đại biểu Tô Văn Tám nói, đúng là có trường hợp con cán bộ chưa làm gì đã sở hữu khối tài sản khổng lồ. “Nhưng mở rộng ra các đối tượng này phải kê khai thì có khả thi không? Nếu không thì lại rơi vào hình thức”, ông Tám nhận định.
Ông đề nghị dự thảo lần này tạm thời chưa mở rộng diện kê khai để tiếp tục hoàn thiện thêm.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi quy định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản gồm: cán bộ, công chức; người giữ chức vụ phó trưởng phòng và tương đương trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; sĩ quan quân đội, công an.
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.