Sáng 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách góp ý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.
Mở rộng đối tượng kê khai tài sản
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, nhiều đại biểu tán thành mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản như dự thảo luật. Nhưng có một số đại biểu đề nghị thu hẹp đối tượng phải kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng nhũng cao.
Để khắc phục hạn chế trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua, dự thảo luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp.
Theo đó, người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung để đối chiếu khi được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc có tố cáo, biến động tăng về tài sản từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm...
Tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi giữ quy định mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản gồm: cán bộ, công chức; người giữ chức vụ phó trưởng phòng và tương đương trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
“Dự luật được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội và sĩ quan công an”, bà Lê Thị Nga cho biết.
Khắc phục tình trạng như vừa qua có hàng triệu cán bộ kê khai tài sản, nhưng chỉ một vài người bị xác minh và kết luận có vi phạm, dự thảo luật bỏ quy định trường hợp cần thiết mới xác minh tài sản.
Cơ quan kiểm soát có quyền xác minh tài sản cán bộ khi có một trong các căn cứ: có dấu hiệu rõ ràng kê khai tài sản không trung thực; biến động tăng tài sản từ 300 triệu đồng trở lên so với lần kê khai trước đó mà không giải trình rõ nguồn gốc; có tố cáo về kê khai không trung thực; lựa chọn ngẫu nhiên theo kế hoạch; có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Hai phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc
Về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được rõ nguồn gốc gây tranh cãi thời gian qua, Ban soạn thảo chốt hai phương án đề xuất trình Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, nhiều đại biểu tán thành cần thiết xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được hợp lý nguồn gốc. Một số đề nghị không quy định vấn đề này bởi tài sản của cán bộ, công chức có thể hình thành từ nhiều nguồn mà người có nghĩa vụ kê khai vì lý do nào đó không muốn kê khai.
Theo bà Nga, hiện chưa có quy định để xử lý tài sản tăng thêm không giải trình rõ nguồn gốc, trong khi không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn mà không giải thích rõ gây nghi ngờ trong dư luận. Vì vậy dự thảo giữ quy định phải xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt hai phương án xử lý tài sản này, đề xuất Quốc hội cho ý kiến: Tòa án xem xét quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý; thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định về thuế.
Theo bà Nga, phương án thu thuế thể hiện thái độ rõ ràng của nhà nước với loại tài sản này. Thời gian xử lý ngắn, hạn chế tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường tòa án. “Việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự, hành chính và việc thu hồi tài sản nếu sau đó nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có”, bà Nga nói.
Nhưng bà Nga thừa nhận phương án này chưa thể hiện thái độ nghiêm khắc của nhà nước, có thể bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế. Phương án để tòa xem xét quyết định “sẽ bảo đảm khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên”.