Tối qua, trong căn nhà nhỏ bên trong con hẻm ngổn ngang dây điện vương vãi, bà Trần Thị Thành (47 tuổi) đang ngồi quây quần cùng các con. "Út đâu, út đâu", bé gái Phan Thị Thanh Thanh (5 tuổi) lục đục từ nhà dưới bước lên ngoan ngoãn ngồi bên mẹ.
Đút cho con từng đũa mì gói mới chế, bà nói: "Ngày nay không có điện, cả nhà chỉ ăn mì tôm qua bữa. Mì tôm ăn vài bữa thì không sao mà nhỏ này nằm quạt quen, không có quạt nó nóng quấy khóc suốt".
Rạng sáng 4/11, bão Damrey tăng tốc, từng ngọn sóng dữ dâng cao nhiều mét, đánh dữ dội vào bờ biển Tuy Hòa. Trận cuồng phong giận giữ quét qua thành phố giật tung nhiều gốc cây, kéo đổ hàng loạt dây điện, những biển quảng cáo, cổng chào bị giật tung, tôn bay ào ào.
"Ngồi trong nhà, tôi nghe gió thổi bần bật trên mái nhà như đang nghiến răng", bà Thành nói. Điện cúp, thức dậy trong bóng đêm, cả nhà đều sợ hãi đóng tất cả cửa. "Hôm trước chồng tôi đã chằng chống nhà cửa nhưng chưa bao giờ thấy cơn bão mạnh đến thế", bà nói.
Bé Thanh Thanh, con gái Út được người cha ôm để dưới gầm đề phòng nhà sập. Sáng sớm thức dậy thấy dây điện ngổn ngang, nước ngập tới mắt cá chân trên con đường trong xóm, bà Thành dặn dò cô bé không được ra ngoài tránh nguy hiểm.
"Bão tan còn nhiều ngổn ngang quá, người lớn cực còn chịu được, trẻ nhỏ thì biết làm sao. Chỉ mong dây điện được dọn dẹp ngay ngắn, mau có điện sáng cho dân chúng tôi nhờ", bà Thành tâm sự.
Xóm Rớ có dân cư đông đốc, nhà cửa san sát, nhiều gia đình sinh hoạt trong cảnh chật hẹp, tối tăm sau bão. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề biển. Những ngày bão, những người đàn ông, thanh niên phải chạy về trú tránh nên "thất nghiệp".
Ông Phú Văn Định ngồi hút thuốc ngẫm ngợi trước hiên nhà, hàn huyên: "Nhà chú có 100 m2 mà tới 10 người ở. Cũng vì kinh tế khó khăn, con trai lớn có vợ với 3 con, con trai nhỏ chưa có vợ cũng ở nhà, thêm con gái sinh con về nhà mẹ nữa".
Rít một hơi thuốc, ông nửa đùa nửa mếu: "Đó bây thấy chưa, ban ngày một bầy trẻ nhỏ đã cực rồi mà đêm không có điện thì làm sau. Hồi giờ chỉ có cúp điện đôi chặp thôi chứ làm gì có cúp từ rạng sáng tới khuya như vầy".
Vợ ông Định, bà của bốn cháu nhỏ, trong đó có hai đứa mới sinh, một bé 4 tháng, một bé 2 tháng rưỡi. Từ đêm qua, công việc của bà ngoài cơm nước lo cho gia đình phải kiêm nhiệm thêm việc cầm quạt cho cháu đỡ muỗi cắn. "Trẻ nhỏ da nhạy cảm mà để con gì cắn là nguy hiểm lắm", ông Định nói.
Trong nhà, chị Huỳnh Thị Kim Ngân, con dâu ông Định đang ngồi quạt cho bé sơ sinh nằm trong võng, xung quanh là 3 đứa nhỏ nói rôm rả, cười hồn nhiên mặc trời sáng hay tối.
Trong khi đó, nhiều gia đình buôn bán hoặc có việc quan trọng phải thuê máy nổ để phát điện. Chị Bích cho biết, ngày mai nhà chị cúng nhà mới 3 năm nên tối nay phải chuẩn bị đồ ăn. Ngồi lui hui nướng bánh trắng trước nhà, chị bảo dù tốn vài trăm nghìn cũng phải có điện để lo việc quan trọng.
Ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, ông Lê Văn Thông cho biết, đây là lần đầu tiên ông dùng máy phát điện. "Nhà buôn bán, nấu cháo dinh dưỡng mà không có điện tối không chuẩn bị lấy gì sáng bán. Tôi phải đi thuê máy nổ về thôi, hồi giờ chưa xài bao giờ, may mà giật giật vài cái thì nó cũng nổ", ông tếu táo.
Đến sáng 5/11, nhiều vùng ở Phú Yên bị mất điện đã được khắc phục trở lại. Cơn bão tan, nhưng nước sông đang dâng cao, khiến người dân nơm nớp lo chạy giặc lũ.
Tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) - nơi tâm bão Damrey càn quét qua, trời mới nhá nhem tối, người đàn ông tên Thành gõ cửa tiệm tạp hóa gần khu ngã sáu Vạn Giã, rồi chìa ra tờ 100.000 đồng mua ba gói mì tôm. Chủ tiệm dùng đèn pin để lấy hàng đưa cho khách. Anh Thành cho biết đêm vẫn thường dẫn vợ đến đây ăn vặt, mua sắm, nhưng chưa bao giờ phải gõ cửa để mua đồ.
Thị trấn rực sáng phía Bắc tỉnh Khánh Hòa luôn nhộn nhịp đông vui thì ngày cuối tuần hôm qua lại trở thành cột mốc khó quên với người dân ở vùng biển này. "Hôm qua nhà tốc mái ướt hết đồ, bão tan nhưng còn mưa nên rất khó sửa. Vợ chồng tôi mua tạm mì ăn qua ngày", anh Thành nói.
Cách tiệm tạp hóa một con đường, cửa hàng đèn pin, bóng đèn điện trở nên nhộn nhịp hơn, đây cũng là nơi hiếm hoi tập trung đông người sau khi cơn bão tan. Cô Lệ Trinh, chủ quán cho biết dù bão hay không cũng không hề tăng giá.
"Ở đây mấy chục năm mà chưa thấy cơn bão nào mạnh như vậy. Bão gầm rú như xe cứu thương, không sao ngủ được", cô Trinh nói và cho biết đã lên tinh thần sẽ chịu cảnh mất điện, nước thêm mấy ngày nữa.
Trong khi người dân dùng đèn sạc và chọn việc ăn mì trước buổi tối cho thuận tiện thì nhóm công nhân xây dựng của anh Nguyễn Đức Lũy đốt lửa ngay trong công trình vừa nấu cơm vừa làm ánh sáng. Ngọn lửa bốc lên từ những tấm ván còn khô, được các công nhân chẻ ra làm củi.
Anh kể sáng qua bão vào một chút thì mất điện. Do công trình không có tường che xung quanh, ba người đàn ông buộc phải chui vào những tấm đan để chống lại mấy "nhát dao sắc lẹm" của mái tôn bay vèo vèo từ đường vào.
"Ai cũng sợ nhưng nhà nào cũng đóng cửa rồi nên anh em cố trụ lại. Vừa lo cho công trình lại thấp thỏm vì ở quê, vợ con phải chống bão một mình", anh Lũy nói và cho biết nhà anh ở Đông Hòa (Phú Yên) cũng bị tốc mái.
Đến 19h, đường phố Vạn Giã thưa thớt người qua lại. Cả không gian một ngày trước sầm uất nay chìm trong bóng tối, lâu lâu chỉ lóe lên ánh sáng từ những chiếc xe Bắc - Nam ngang qua. Khung cảnh mà người dân ở vùng biển này đều cho rằng chưa thấy bao giờ.
Thành phố biển Nha Trang chìm trong bóng tối
Nhiều giờ sau bão, Nha Trang vẫn ngổn ngang. Toàn thành phố bị cắt điện. Tại trung tâm, dọc đường Trần Phú, khu phố Tây một số khách sạn, nhà hàng chạy máy nổ. Phố biển chìm trong bóng tối. Nhiều cửa hàng, việc mua bán đều dùng nến.
Trời nhập nhoạng tối, căn phòng chừng 50 m2, nơi người dân được sơ tán trong bão ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang) chìm trong đêm. Tiết trời đêm se lạnh, Người lớn xếp những chiếc bàn, áp chúng vào nhau ngay ngắn để đám trẻ nằm. Một số người đàn ông ngồi trên chiếu, bệt giữa nền đất. Tiếng trẻ khóc, nhiều người í ới gọi nhau khiến căn phòng hỗn độn với nhiều âm thanh.
Đánh bật lửa đốt nến, ông Nguyễn Điền (58 tuổi) loay hoay nấu mì với ấm nước nóng từ cán bộ thôn tại Xóm Rớ vừa mang đến. Hai hôm nay, mì là món ăn chính của mọi người.
Ông Điền bảo lâu lắm rồi mới sống cảnh thiếu thốn ánh sáng như thế. Tính mê các dòng nhạc sến từ nhỏ, sau mỗi bữa cơm tối ông thường ngồi trước sân uống trà, nghe nhạc. Thói quen định hình bao năm, song giờ ông đành chịu. "Bao năm với ánh điện quen rồi, giờ tối mịt thấy khó chịu", ông nói.
Cuộc sống không điện khiến ông nhớ về những năm 1980, khi ông chưa có vợ. Hồi đấy, mọi sinh hoạt ban đêm đều dựa vào đèn dầu. Đèn làm bằng thủy tinh, dạng hình bầu rồi thêm vải làm tim, thắp sáng.
Khi ấy, sinh hoạt chủ yếu ban ngày. Xong bữa tối, mọi người trong nhà đã lo đi ngủ. Tivi vài nhà trong xã có, nhưng chủ yếu trắng đen. Ông bảo, thi thoảng những nhà này thuê băng cũ chiếu phim, mọi người trong xóm kéo nhau đến xem. Nhạc, lúc ấy máy cassette với những băng cuộn.
Không chỉ ông Điền, căn phòng liền kề đấy có gần 30 người trong thôn đang lưu trú tại đây, sơ tán vì bão. Chiều trước khi bão chuẩn bị ập đến, họ được địa phương đưa đến nhà văn hóa thôn. Rạng sáng hôm sau, khi bão tới, mái nhà bị tốc, họ lại được sơ tán lên đây.
"Ăn uống thế nào cũng được, nhưng tối đến không có quạt chỉ tội mấy đứa nhỏ", bà Đỗ Thị Dùm (63 tuổi) nói và cho biết nơi đây là đợt sơ tán lần hai trong ngày.
Sống hơn nửa đời người, lần đầu tiên bà Dùm chứng kiến trận bão dữ tợn như thế ở Nha Trang. Tới chiều, khi bão tan, bà muốn về xem nhà cửa thế nào nhưng bị các con ngăn lại. "Tôi nghe chúng nó bảo nhà đổ sập vì bão rồi", bà rầu rĩ nói.
6h ngày 4/11, bão đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, bão tiến sâu vào Nam Tây Nguyên, giảm còn cấp 9 (90 km/h) và 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia, sức gió giảm còn 60 km/h (cấp 7). Trong 9 tiếng hoành hành, bão đã gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. 27 người tử vong, 22 người mất tích, hơn 500 nhà bị sập. Dự báo trong 6-12 giờ tới, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to, nguy cơ ngập úng ở vùng trũng thấp và sạt lở đất ở vùng núi là rất cao. |
Nhóm phóng viên