Sáng nay, Cà Mau - tỉnh dự kiến bão đổ bộ - có mưa phùn và gió bắt đầu thổi. Dọc quốc lộ 1A từ TP Cà Mau đi huyện Cái Nước, người dân rục rịch chằng chống nhà cửa. Thành phần chống bão đa số là người già và phụ nữ khi phần lớn thanh niên đã bỏ quê đi làm ăn xa.
Ở huyện Cái Nước, anh Phan Văn Đồ (thị trấn Cái Nước) vội vã cột lại dây neo mái nhà trong khi vợ anh dọn dẹp đồ đạc. "20 năm trước, tôi đã quá ám ảnh cơn bão số 5 vì nó rất khủng khiếp. Thời ấy nhà tranh mái lá, bão vào cái là sập liền. Giờ nghe bão vào sợ lắm nên phải chuẩn bị chu đáo", anh Đồ nói.
Trong khi đó, anh Triệu Hoàng Vinh (xã Tân Hưng Đông) bắt đầu tháo dỡ toàn bộ mái nhà, bao phủ tủ lạnh, cất dọn áo quần để đón bão. Anh Vinh còn chuẩn bị nhà tắm, đã được chằng chống bao cát chắc chắn, làm chỗ trú ẩn nếu bão đổ bộ.
Người đàn ông này chia sẻ, tháng trước thấy cơn bão số 12 qua Khánh Hòa để lại hậu quả lớn nên quyết định tháo dỡ mái nhà cho an toàn. "Tốn tí công nhưng đỡ thiệt hại, bão qua tôi sẽ lợp lại mái nhà", anh nói trong lúc đang tay thoăn thoắt bốc dỡ.
Hàng xóm của anh Vinh, ông Trần Văn Ơn cũng dùng nhiều tấm gỗ lớn chắn ở chuồng heo làm chỗ cho gia đình trú ẩn. Ông Ơn cũng nhờ nhiều thanh niên trong xóm tháo hết phần mái lợp bằng tôn xuống.
Ở thị trấn cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, hàng nghìn thuyền cá đã vào trú bão. Bộ đội biên phòng liên tục rảo quanh yêu cầu các thuyền viên lên bờ, không được ở lại tàu. Đây được cho là cảng cá lớn nhất tỉnh Cà Mau.
Ở một số địa phương của huyện Ngọc Hiển, do đường bộ đi lại khó khăn, nên người dân được đưa đi sơ tán bằng vỏ máy (ghe thông dụng ở miền Tây). Nhiều người chủ quan với cơn bão không chịu di dời đã bị cưỡng chế.
Chị Nguyễn Y Ngọc (xã Tân Ân) ôm con gái 15 ngày tuổi xuống tàu đến trụ sở công quyền tránh bão. Vừa thở hổn hển với vẻ mặt lo âu, người phụ nữ này nói: "Con gái còn nhỏ quá, muốn ở lại nhà nhưng các chú nói phải đi vì tính mạng của con, chứ mình đi rồi căn nhà lá không ai trông coi chắc nó bay mất khi bão vào".
Tại chợ thị trấn Rạch Gốc, người dân đến mua sắm lương thực dự trữ rất đông, riêng một số người đến mua dây kẽm, dây thừng về chằng chống nhà. Với vẻ mặt đầy lo âu, anh Trần Văn Ân sợ căn nhà của mình sẽ không trụ nổi với bão dữ.
Ông Nguyễn Long Hoai - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, chính quyền địa phương một số nơi đã áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với các hộ không chịu di dời. "Khoảng 98.000 người ở khu vực nguy hiểm của bão sẽ được sơ tán, công tác này sẽ hoàn tất trước 17h", ông Hoai nói và cho biết, tất cả khâu hậu cần từ thức ăn, nước uống đến thuốc men cũng được đảm bảo phục vụ người dân.
Ở Bạc Liêu, trời âm u, có gió giật kèm mưa nhỏ. Ở khu vực bờ kè biển phường Nhà Mát, sóng biển cao 2 m liên tục đánh vào bờ, các nhà hàng tại khu vực này đều đóng cửa để thực hiện lệnh sơ tán.
Từ 5h, chính quyền thành phố đã huy động 49 phương tiện vận chuyển cùng nhiều lực lượng gồm công an, dân phòng, cảnh sát cơ động để sơ tán 6.000 hộ dân tới nơi an toàn. Bên cạnh những hộ dân chấp hành việc sơ tán, một số hộ dân chống đối buộc chính quyền tiến hành cưỡng chế.
"Trở ngại lớn nhất là người dân xem thường, cho rằng bão không đổ bộ vào Bạc Liêu, rồi lo sợ bị mất đồ đạc", một lãnh đạo thành phố cho biết. Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bạc Liêu, đến 9h sáng cùng ngày, toàn tỉnh đã sơ tán gần 400.000 dân, kêu gọi hơn 1.200 tàu cá vào bờ trú bão an toàn.
Trà Vinh, huyện Duyên Hải mưa bắt đầu to dần, gió mạnh lên. Chính quyền cùng ngành chức năng huy động lực lượng đang khẩn trương di dời hơn 2.000 hộ dân ở vùng nguy hiểm thuộc xã Long Vĩnh và Đông Hải vào nơi an toàn.
Còn ở Bến Tre sáng nay mưa vừa, 3 huyện vùng biển gồm Ba Tri, Bình Đại Thạnh Phú người dân hối hả chằng chống nhà cửa. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tính đến 12h, khoảng gần 20% trên tổng số 20.000 người dân ở Bến Tre đã được di dời về các nhà tránh, trú bão, các điểm trường học an toàn. Chiếu bạt được chuyển đến các điểm tránh trú, chính quyền cũng tổ chức nấu ăn phục vụ tại chỗ cho các hộ dân.
Tại Hậu Giang, Cần Thơ và Kiên Giang sáng nay trời âm u, mưa nhẹ, gió nhẹ. Nhiều người vẫn ra đồng làm việc bình thường. Các tàu thuyền đánh bắt hải sản ở Kiên Giang tiếp tục vào bờ tránh bão. Hàng chục tàu cao tốc, phà từ đất liền ra các đảo thuộc huyện Kiên Hải và Phú Quốc tạm ngưng hoạt động. Trưa cùng ngày, vùng biển đảo Phú Quốc sóng gió bắt đầu mạnh lên, khoảng cấp 5-6.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng, việc sơ tán hơn 200.000 người ở các vùng nguy cơ ảnh hưởng như Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, An Minh, Hòn Đất… đã bắt đầu được triển khai từ sáng nay. Tỉnh huy động toàn lực, trong đó có công an, quân đội, dân quân, dự bị động viên giúp dân sơ tán, chằng néo nhà cửa, gặt lúa chạy bão.
Tại huyện ven biển Cần Giờ (TP HCM), đến trưa nay gió thổi nhẹ, mưa rả rích, tiết trời se lạnh. Ở xã đảo Thạnh An, lực lượng chức năng xuống những hộ dân cuối cùng chưa di dời để yêu cầu về điểm trú ẩn an toàn. Những người không chịu đi sẽ bị lập biên bản, cưỡng chế di dời.
Ở thị trấn Cần Thạnh, nhiều hàng quán ven biển đóng cửa nhưng cuộc sống người dân huyện này vẫn diễn ra bình thường. Họ vẫn đi chợ, uống cà phê bàn về cơn bão sắp đổ bộ. Chợ Cần Giờ nằm sát biển đa phần ngừng buôn bán, người dân hạ dù cột cẩn thận tránh bị gió xô ngã.
Anh Hải Quân (32 tuổi, ngụ xã Long Hòa) cho biết hai hôm nay chính quyền phát loa liên tục cảnh báo về cơn bão. "Xem dự báo thấy bão giảm cấp, đi xuống rìa Nam nên Cần Giờ chắc không ảnh hưởng gì nhiều. Con tôi cũng nghỉ học nên dẫn nó đi cà phê chung cho vui", anh Quân nói.
Còn ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Anh Nhựt - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, trưa nay trên đảo gió bắt đầu tăng cấp kèm mưa phùn. Hiện, huyện đã di dời và cưỡng chế di dời 1.800 người ở những khu vực xung yếu, nhà không đảm bảo đến các cơ quan, trường học và khu chung cư cao ráo, an toàn. "Huyện cũng đã chuẩn bị 910 thùng mì tôm, 114 tấn gạo, 1.680 chai nước uống và xăng dầu", ông Nhựt cho hay.
Nhóm phóng viên