![]() |
Đấu cờ người. Ảnh minh họa: vietnamculture.vn. |
Tôi sinh ra và lớn lên ở Diễn Châu, một miền quê nghèo thuộc miền Trung. Hai mươi tuổi, giũ bỏ lớp bụi học trò cùng mối tình đầu trong trắng, tôi đã ở trong tốp người ra đi tìm miền đất hứa.
Khi đặt chân đến xứ sở xương mù, tôi thở phào nhẹ nhõm, ví như mình vừa vượt qua con sông xong và bị cơn lũ cuốn phăng chiếc cầu đi. Đường trờ về quê đối với tôi là một sự mờ ảo xa xôi. Thời gian sau đó, tất cả mộng ước như sụp đổ dưới chân, với vốn kiến thức Tiếng Anh ít ỏi và sở hữu chất giọng "mình nói mình nghe, nó nói nó nghe" nên đành phải:
Sang Tây rửa bát quét nhà
Việc gì cũng được miễn là có 'đô'.
Tôi đã làm qua các việc như: cắt chỉ quần áo, lau chùi nhà cửa, phụ bếp nhà hàng, dọn phòng khách sạn…
Và rồi cái Tết đầu tiên xa nhà cũng đến. Ôi! Cái Tết đầu tiên… Có những cái đầu tiên làm ta sướng điên lên được, có những cái đầu tiên làm tim ta rỉ máu, có những cái đầu tiên mà ngàn đời mãi không quên. Còn cái Tết xa nhà đầu tiên của tôi, trong tiếng thổn thức như uất nghẹn, dòng nước mắt như chẳng thể ngừng trên má, nỗi nhớ nhà da diết như chiếm trọn con tim. Trong khi ở quê nhà, có thể mọi người đang háo hức quây quần bên nồi bánh chưng hay nô đùa bên những người thân thiết. Còn tôi, nơi xứ sở lạ hoắc đang còn:
"Đầu chúi toilet, mông phơi trần nhà"
Và thu dọn "sản phẩm" mà các "thượng đế" để lại sau thời gian nghỉ ngơi ở khách sạn. Sau đó ăn đồ Tây họ hầm chung với nhau, trông nát bét, nói chung giống như "đồ hầm cám lợn". Đó,đó là khoảnh khoắc đón giao thừa của tôi lần đầu tiên nơi xứ người. Mới đó đã thấm thoát bao nhiêu năm trôi qua, tôi đã tự biết an ủi bản thân mình, tập bằng lòng với số phận. Tôi đã biết cách nuốt nước mắt vào trong mỗi dịp Tết đến xuân về để cảm nhận được nỗi xót xa trong lòng. Nhiều lúc mình tự hỏi rằng: "Hay là nước mắt có vị chát mặn mà làm cho lòng mình xót xa". Và rồi nỗi nhớ Tết cổ truyền cũng vơi dần đi theo năm tháng. Mỗi khi điện về quê, bạn bè thăm hỏi tết bên đó vui không, tôi chạnh lòng trả lời:
Tết đến kề bên nào ai biết.
Xuân sang hoa nở có ai hay.
Bao nhiêu năm ròng rã thế này
Hỏi chi tới Tết buồn lắm thay.
Tôi đã cố gắng hòa mình vào những cái Tết của Tây, nhưng chẳng được là bao. Mỗi khi nghe tiếng pháo nổ đì đẹt xa xa, trong tôi như có luồng điện chạy qua:
Nằm nghe pháo nổ bên ngoài
Bồi hồi trong dạ, nỗi hoài nhớ quê
Đường xa mờ mịt lối về
Bao giờ mới được về quê thăm nhà.
Vài năm sau đó, tôi lấy chồng, lần lượt ba cô công chúa ra đời, đó là niềm an ủi duy nhất trong tôi. Đồng thời cũng kèm theo bao nhiêu vất vả nơi đất khách quê người, không người thân thuộc. Tôi không muốn kể những nỗi khó khắn gian khổ đã phải trải qua, vì người trong hoàn cảnh mới hiểu được. Nhưng từ khi có chồng con, có một gia đình bé nhỏ, những cái Tết cổ truyền đã được tái hiện dần lên, có bàn thờ gia tiên, có mâm ngũ quả, có cả bánh chưng, tuy không được đầy đủ nhưng cũng rất không khí Tết.
Và rồi nỗi nhớ quê hương lại bùng lên như viên đạn bay ra khỏi nòng súng. Đầu năm nay tôi đã được vào diện luật nhân đạo mà chính phủ Anh xét duyệt. Hay nói cách khác là "chiếc cầu" cho ngày trờ về của tôi mà bây giờ người ta mới xây xong. Ngày hôm đó, tôi đã khóc, khóc cho nước mắt tuôn trào. Tôi không cần nuốt nước mắt vào trong làm gì nữa, tôi đã đóng cửa phòng lại, khóc rất thoải mái và khóc trong niềm sung sướng. Tết nay, cả gia đình tôi đã sẵn sàng sau mười mấy năm, với tư cách là Việt kiều Anh Quốc thăm quê.
Biết rằng cả gia đình 5 người về thì rất tốn kém, nhưng cho dù:
Tiền về theo kiểu lúa non
Sau sang khỏa lấp cho tròn tiếng thơm.
Chúng tôi cũng rất vui lòng. Đổi lại, chúng tôi sẽ được hưởng đầy đủ, trọn vẹn hương vị từ vật chất đến tinh thần, một cái Tết cổ truyền lần đầu tiên sau bao năm xa cách. Quan trọng nữa là các cháu hiểu được thêm về gốc gác quê hương mình. Cũng như hàng ngày tôi thường định hướng cho các con rằng:
Lớn lên con chớ có buồn
Tổ tiên gốc Việt, cội nguồn nghe con.
Ôi! Lại một lần đầu tiên nữa, chỉ còn mấy ngày nữa thôi, cả gia đình chúng tôi được hòa quyện vào không khí tưng bừng đón giao thừa của cả đất nước Việt Nam thân yêu. Cả tháng nay chúng tôi không đêm nào ngủ được trọn vẹn. Những kỉ niệm, những nỗi nhớ quê, những cái Tết năm xửa lại hiện về, sôi sục trong tim.
Tôi rất nhớ không khí sát Tết của làng tôi, mọi người dậy từ hai, ba giờ sang để bó rau đi chợ bán. Tôi nhớ có những Tết đến tận gần giao thừa, mấy chị em kéo nhau ra tận đầu làng mong ngóng cha từ chợ trở về. Cha bảo: "Tại xe hư dọc đường" và cha cười rất vui. Tôi hiểu rằng buổi chợ hôm nay rất đắt hàng. Và tôi nhớ như in nụ cười đó, hiện lên trên khuôn mặt lam lũ khắc khổ một đời tận tụy vì con vì cháu của cha. Cha ơi! Mẹ ơi! Con nhớ quá, con sắp về rồi.
Đêm nay ngồi viết ra những cảm xúc mà tay run run theo dòng chữ, càng thấm nhuần hơn câu thơ mà nhà thơ Chế Lan Viên đã chắt lọc:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.
Và càng hiểu sâu sắc hơn nữa khi Bác Hồ quay về tổ quốc hôn lên nắm đất. Trong tôi không có nhiều tư tưởng lớn nhưng những con đường, những góc vườn, cả những mùi bùn hăng hắc của ruộng lúa non cũng làm tôi nhớ mãi không nguôi. Và giờ đây, bên tai tôi như văng vẳng nghe tiếng tí tách của củi lửa đâu đó, những chú gà trống đang cựa mình chuẩn bị báo một năm mới bắt đầu, khởi đầu một ngày "vạn sự như ý" trong mỗi chúng ta.
Ở quê tôi tuy nghèo, nhưng Tết rất vui, có trò đu dây, đánh cờ người, kéo co. Thanh niên thì đánh đáo, đánh xu, trẻ con có thể nhảy dây trốn tìm mà không ai la mắng. Tôi khoái nhất là ngày mùng một Tết. Theo phong tục cổ truyền, được ăn mặc đẹp, tươm tất, cho và nhận lì xì, không cãi lộn, gặp nhau tay bắt mặt mừng. Một ngày thực sự rất "tình người", chỉ mong sao ngày mùng 1 Tết kéo dài mãi mãi.
Nhưng:
Trời đất sang trang người thêm tuổi
Theo vòng luôn chuyển mãi không thôi.
Trên đây là những cảm xúc suy nghĩ không thể nói hết của tôi, để san sẻ với mọi người có cùng hoàn cảnh đang ở xa tổ quốc. Cảm ơn quý vị đã bớt chút thời giờ chia sẻ cảm xúc của tôi, sau đây tặng bài thơ để phần nào hiểu rõ hơn:
Đang ngồi điểm lại đến nay
Xuân sang hơn chục kể ngày xa quê
Đường xa mờ mịt lối về
Danh phận chẳng có chán ghê lắm rồi
Cứ chờ cứ đợi hụt hơi,
Đi làm sợ hãi rối bời tâm can
Đêm về giấc ngủ chẳng an
Bao nhiêu nỗi nhớ dâng tràn theo ra
Nhớ cha mẹ tuổi xế tà
Anh em cô bác gần xa nhớ nhiều
Nhớ sao nhớ những buổi chiều
Bóng liêu xiêu đổ đăm chiêu tưới vườn
Nhớ từng ngõ hẻm quê hương,
Nhớ nơi hò hẹn góc vườn dưới trăng
Tuổi thơ thiếu thốn khó khăn
Nhưng mà da diết nhớ răng (sao) rứa hề
Ngày xưa em gái thôn quê
Giờ đây hóa phép tựu tề nước Anh
Tổ tiên đã tạo phước lành
Cho con toại nguyện hoàn thành ước mơ
Bao năm mòn mỏi mong chờ
Bây giờ đã được giấy tờ mừng ghê
Đường xa đã tỏ lối về,
Tết này chuẩn bị về quê thăm nhà
Ghé thăm hang xóm ông bà
Anh em bè bạn, ôi chà! Đã ghê
Đồ ăn đồ uống thỏa thuê
Bao năm ước vọng đi về "để ăn"
Mẹ ơi chuẩn bị chiếu chăn
Căn phòng rộng rãi con năm người rồi
Ngày xưa con có một thôi,
Bây giờ con đã "5" rồi mẹ ơi
Đi buôn đi bán mới lời
Chẳng cần buôn bán con "lời" gấp năm
Bây giờ thời buổi khó khăn
Lời gì cũng được miễn răng (sao) có lời
Cám ơn bạn đọc nghe chơi
Niềm vui vui quá, thật lời cám ơn.
Xuân Tân Mão, tôi chân thành chúc tất cả đồng bào trong nước cũng như kiều bào ở xa tổ quốc, một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Chúc quý báo, quý đài năm mới càng nhiều sân chơi bổ ích hơn nữa để những người con rồng cháu lạc xích lại gần nhau hơn.
Hoa Nguyễn
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.