![]() |
Mâm ngũ quả. |
Lễ Giáng sinh vừa qua. Năm mới - Tết Tây tới, rồi đi. Khi những người châu Âu bắt đầu một năm mới làm việc thì hàng ngày chúng tôi, tôi, những bạn bè Việt Nam sống tại Paris, Pháp, lại í ới qua điện thoại: "Chúc mừng năm mới nghe cưng! À mà Tết năm nay rơi vào ngày nào vậy?".
Vừa tạm biệt một cái Tết tây, chúng tôi lại chuẩn bị ngong ngóng cái Tết ta.
- Tết này về không cưng?
- Không, kinh tế năm nay khó khăn quá, không đủ tài chính về.
- Vậy định làm gì?
- Cũng chưa biết nữa.
Những câu trò chuyện bâng quơ tưởng như vô nghĩa nhưng thực sự thấu sâu cảm xúc bị chôn vùi trong từng con tim của những người ăn Tết xa nhà, xa quê, xa gia đình và bạn bè.
Đi đâu? Về đâu? Làm gì? Vui. Buồn. Nhớ nhung. Tủi thân. Đủ tất cả gam màu tình cảm như những con sóng đại dương vô bờ, vô bến. Cứ dịp xuân về là tôi phải giấu kỹ những "quê hương là chùm khế ngọt”, những "quê nhà ta ơi, xứ Đoài xa vắng". Những câu ca mà chúng tôi vẫn ngân nga và tấm tắc khen là có chiều sâu trong các buổi tối tụ tập hát karaoke cùng bạn bè Tây, ta lẫn lộn, giờ đây cận kề ngày Tết chúng trở thành những mảnh thủy tinh cào xé con tim. Những câu hát có chiều sâu!
- À hay đến nhà bọn "moa" (moi - tôi) làm cơm tất niên rồi làm cả cơm giao thừa nữa. Đến đi cho vui!
- Cũng được thôi, nhưng không karaoke đâu nhé!
- Cứ "ca" thôi, nhưng toa (toi - mày) đừng nhắc đến cái "bóng mẹ liêu xiêu trong chiều buông nắng" nhé. Moa khóc đấy.
Vừa nói vậy thôi mà hai đứa chúng tôi ở hai đầu dây đã ngậm ngùi.
- Thôi, nói chuyện khác đi toa!
- Ừ thì chẳng về được năm nay thì sang năm về.
Nhớ lại một năm gần đây. Chúng tôi tụ tập bàn chuyện gói bánh chưng, làm cơm Tết. Chúng tôi đến mua đồ ở chợ người Hoa. Paris cũng có những chợ Việt Nam nhưng hàng hoá không phong phú bằng. Nói là chợ người Hoa nhưng có rất nhiều hàng hoá nhập từ châu Á. Chúng tôi mua: gạo nếp Thái Lan, đỗ xanh Trung Quốc, thịt lợn vùng Bretagne Pháp, lá dong Việt Nam.
Không có nồi to, không có bếp than củi, chúng tôi chỉ gói năm ba chiếc bánh. Luộc bánh bằng bếp ga, nồi áp suất, mỗi nồi chỉ đựng được hai chiếc. Chuẩn bị bữa cơm cũng hết cả ngày. Khi bóc bánh thì thấy đỗ, thịt đã nằm ngoài gạo nếp!
Anh bạn tôi người Hà Nội thể hiện tài nấu nướng qua món thủ xào, giò bò. Không lá chuối, không mo cau, không lạt buộc. Xào xong để nguội, nén vào chai nước khoáng Evian loại 1,5 lít cắt miệng. Bỏ chai vào tủ lạnh vài giờ, ăn không kém ngon so với các món của đầu bếp "quê".
Cô bạn người Hải Phòng chuẩn bị trang trí, sắp xếp mâm cơm cúng. Ngũ quả của chúng tôi không phải là mận, hạnh, đào, táo, lý hay chuối, ớt, bưởi, lê, quất. Mà cũng không theo quy luật: Kim, mộc, thổ, thuỷ, hoả. Ngũ quả ngẫu hứng: Chuối, cam, táo, đào, lê. Thực sự chỉ thèm mua một quả phật thủ (vì nghe tên rất tâm linh, nhìn thấy rất thánh thiện) nhưng không tìm ra.
Chúng tôi chọn được vài cành đào mà chúng tôi gọi vui là "đào không thế". Cành thắng tắp như cành tre, nụ, hoa có đủ nhưng không sang, không thắm như đào Nhật Tân. Một cây quất cao năm đến sáu mươi cm cho toàn quả vàng chín mọng. Không hoa, không quả xanh. Chúng tôi tự an ủi, thế là được rồi. Có đào đuổi ma tà, mang sinh khí tốt lành, có quất vàng quả mang lộc đến quanh năm. Không có vàng son, đồ dâng lễ, nhưng cũng có vài thẻ hương trầm Việt Nam.
Mấy tháng trước, cô bạn ở Hà Nội sang chơi, bạn tôi người Hải Phòng nhờ cô mua mấy thẻ hương mang sang làm quà. Người Việt có ai dám tặng nhau nhang!
- Ừ thì cứ mang sang, sau đó tôi trả tiền mà, coi như mua hộ, đỡ mang tiếng mua hương làm quà.
Từ chối không được, cô ấy đành mang sang cả một bó hương trầm, mười thẻ. Người Việt hay vậy đấy! Họ luôn tìm được một biện luận gì đó để không tổn hại tập tục truyền thống.
Chúng tôi hội tụ từ lúc ba giờ chiều để chuẩn bị. Sáu giờ tối ở Paris là giao thừa ở nhà. Cũng một mâm cỗ, cũng bánh chưng, hoa đào, cây quất, cũng ba nén hương thơm ngất ngây cắm trên đĩa xôi đậu xanh bên cạnh đĩa thịt gà mà sao thấy Tết vẫn xa xôi quá! Cái hương Tết vẫn lạ lẫm quá!
Tết ta ở trời Tây!
Thôi thôi, hãy đè nén những câu ca "Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông", "Những đêm mùa đông, khói hương trầm bay"... Hãy vui, hãy sống, hãy yêu đời!
Chuông đồng hồ báo thức chúng tôi đặt trước đó để không nhỡ hẹn với phút đầu năm. Xin đừng cười vì chúng tôi đâu có tiếng pháo (mà cũng đã qua rồi pháo ơi). Chúng tôi đâu có được ngắm nhìn bầu trời đêm ba mươi với mâm cỗ ngoài hiên hay trên sân thượng; chúng tôi đâu có chương trình ti vi tiếng Việt để nghe lời chúc đầu năm của chủ tịch nước. Chúng tôi đâu có được theo dõi các phóng sự, ca nhạc mừng xuân.
Nâng cốc rượu vang đỏ. Rồi chúng tôi ôm hôn nhau, bạn bè Tây, ta chúc tụng nhau bằng tiếng Việt, tiếng Pháp. Chúc mừng năm mới! Chúc một năm giàu tình yêu! Chúc một năm đầy sức khỏe. Và thật nhiều Euro nữa! Đặt cốc rượu xuống bàn, người nhận, người gọi điện thoại. Thông cảm nghe! Tết mà. Giao thừa chỉ có vài phút trong năm!
Ở nhà, sau Giao thừa là ngày mới. Có người thức thêm vài giờ để tận hướng cái hơi ấm trong trầm hương, có người chơi bài vui đến sáng, có người đi tìm giấc ngủ sâu lắng để ngày mai lại chúc tụng, lại chạm cốc.
Sau giao thừa ở Paris là đằng đẵng sáu tiếng đồng hồ trước nửa đêm. Lau những giọt nước mắt sau những lời chúc tụng, nhung nhớ với gia đình, chúng tôi trở lại bàn ăn cùng những người bạn tây. Nhiều người trong số họ không biết chúng tôi vui hay buồn khi chào đón năm mới. Sao biết được! Bản thân chúng tôi cũng đang xáo trộn trong tim. Một "vị" tình cảm rất riêng của nhiều kiều bào.
Một bữa cơm, chén rượu đầu năm bắt đầu vào sáu giờ chiều và kết thúc vào hai, ba giờ sáng ngày hôm sau. Bữa cơm kéo dài hai năm của những người xa xứ.
Mặc dù các bạn tây cố nhập cuộc cùng chúng tôi, họ rất muốn chia sẻ cái vị đầu năm của chúng tôi, nhưng một điều chắc chắn là họ còn khá xa mới hiểu được tâm trạng của chúng tôi, còn xa mới thấu được cái "hương" và cái "hồn" của nguời Việt trong phút giao thừa.
Năm nay, lại sắp đến ngày tiễn đưa ông Công, ông Táo. Tôi chỉ nhớ mang máng ai đó đã nói với tôi sẽ là ngày 26 hay 27 tháng 1 dương lịch.Tôi là người vô thần, vô đạo. Trong nhà không có Phật bà Quan âm, cũng không có Đức Mẹ Đồng trinh, không có bàn thờ tổ tiên. Ở giữa Paris thủ đô mà lập bàn thờ đối với tôi kỳ quá. Tất nhiên có những kiều bào vẫn giữ nguyên truyền thống, phong tục như người Việt Nam tại xứ. Nói nước Pháp là quốc gia phi tôn giáo cũng không đúng. Vì có biết bao người Pháp theo đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Do thái và một số người (chủ yếu thuộc cộng đồng châu Á) theo đạo Phật. Số còn lại lấy lòng tin vào chính bản thân mình là tĩn ngưỡng, trụ cột của đời sống tinh thần. Trên bàn làm việc của tôi chỉ có vài khung ảnh nhỏ. Cha mẹ, gia đình, vài bạn bè thân thiết. Và con chó cún Sweetie!
Ảnh hình cha tôi ngồi nghiêm nghị trên ghế không khác gì ngai vàng của thời vua Lê. Ông bận một bộ áo dài lụa đỏ, quà của con trai trưởng khi ông lên thượng thọ 80 tuổi. Ánh mắt ông sáng quắc, vẻ mặt khá điềm an. Cha tôi đã vĩnh biệt trần gian cách đây hai năm. Ông ra đi chỉ vài tháng sau ngày các con cháu, bạn bè, đoàn thể tổ chức tiệc ăn mừng ông thượng thọ, đúng mười ngày trước Tết Nguyên đán. Bên cạnh, là ảnh mẹ tôi (chắc bà không vui nếu biết tôi để ảnh bà cạnh ảnh ông. Ông bà đã không còn yêu nhau và sống ly thân từ khi tôi mới mười bốn tuổi). Bà bận chiếc áo dài nhung tím mận. Chiếc áo tôi mua tặng mẹ nhân dịp về ăn Tết cùng gia đình. Cha tôi ra đi đúng ngày tôi về. Thế là cái Tết năm đó anh chị em chúng tôi buồn lắm.
Ảnh mẹ tôi để lộ vẻ buồn man mác. Mắt bâng quơ, không nhìn vào ống kính. (Có thể vì mắt bà mờ, thị lực chỉ đạt 30%?). Đây cũng là bức ảnh tôi chụp Tết trước đấy hai năm. Một tay bà cầm hờ cành hoa đào trồng trong chậu để trước cửa nhà. Nhìn bức ảnh, tôi luôn nhớ đến những năm tháng mẹ tần tảo gian khổ nuôi con. Đó là mẹ tôi và cũng là hình ảnh của biết bao bà mẹ Việt Nam cùng thời. Mẹ tôi cũng có một bức ảnh như vậy. Tôi biết là bà luôn tự hào khoe với bà con bạn bè đó là bức ảnh thằng con trai Việt kiều Pháp chụp tặng bà.
Chỉ có bức ảnh vậy thôi mà bà nâng niu, lau chùi khi xuân về, và bà cảm thấy hạnh phúc. Cũng chỉ có vài bức ảnh vậy thôi mà tôi trào nước mắt khi Tết về. Mẹ đã ngoài 80 tuổi. Tôi vẫn cầu mong mẹ ở lại với tôi thêm nhiều năm nữa.
Tháng 12 dương lịch luôn là tháng bán hàng của tôi. Tháng hàng Tết. Mỗi ngày tôi phải làm việc trung bình mười hai tiếng. Thời tiết Paris năm nay lạnh tê tái. Nhiệt độ đêm xuống đến âm mười ba độ, trong ngày, kim thủy ngân không chỉ quá một độ. Sáng dậy, kéo rèm cửa sổ, nhìn bên ngoài tuyết rơi, tôi lại nhớ đến mẹ, nhớ đến Tết.
Mẹ tôi tên Tuyết. Bà Tuyết. Không chỉ có mùa đông tôi mới nhớ mẹ. Nhưng thực sự cái tên trùng khớp với hiện tượng thiên nhiên làm tôi nhớ mẹ, nhớ nhà rất nhiều vào mùa đông. Mùa đông, mùa tuyết, mùa Tết. Châu Âu vẫn là mùa đông, nhưng ở nhà Tết coi là mùa xuân rồi. Nhìn những bông tuyết bay lả tả ngoài khung cửa sổ tôi lại cầu mong. “Mẹ ơi đừng vội đi nhé. Mẹ gắng chờ con”.
Tết này ta làm gỉ nhỉ?
Tôi mường tượng cảnh chúng tối lại kéo nhau đi chợ Tết Trung Quốc (Marché du Nouvel An Chinois) ở quận 13. Vẫn cái danh sách nguyên liệu ẩm thực và đồ lễ của những năm trước. Thịt lợn, gạo nếp, đỗ xanh, quất chín vàng, đào “không thế”. Thẳng tưng thì cũng là một thế đấy thôi. Thế đẹp là đằng khác! Thế của người thật thà và quân tử.
Gần hai mươi năm định cư, lập nghiệp trên mảnh đất không phải là nơi cha mẹ tôi đã chôn rau cắt rốn, tôi vẫn không thể nào quên được cái văn, cái phong của người Việt. Bao nhiêu năm cố gắng, lăn lội, học tập để hòa nhập với nền văn hóa Pháp, văn hóa phương tây, tôi đang mang trong mình thêm một nguồn sống mới. Thêm một quốc tịch mới. Biết bao người trong hoàn cảnh như tôi! Biết bao nhiêu người đã phải từ bỏ cuốn hộ chiếu Việt Nam chỉ đơn thuần vì lý do hành chính, mặc dù thời gian không bao giờ thay đổi được nguồn gốc dòng máu họ!
Bước ra khỏi sảnh chính của toà nhà căn hộ tôi ở thuộc quận 11, tôi hòa vào làn người của mùa đông, ai cũng thu mình trong chiếc áo choàng dạ đen, khăn len kín cổ, giày đế cao chống trơn trượt của tuyết. Đối với người Paris, "Tết" đã qua rồi, họ trở lại với cuộc sống "Tàu điện ngầm - Công việc - Ngủ" (Métro - Boulot - Dodo). Còn biết bao người Việt ở đây đang phải đàm phán với ông chủ để hưởng vui cái Tết ta đang đến gần, không phải tủi thân với cái nhịp sống Métro - Boulot - Dodo.
Cả cơ thể - cuộc sống tôi không tránh đuợc những bông tuyết liêu xiêu, những bông tuyết không còn vẻ đẹp như khi tôi nhìn chúng qua khung cửa sổ. Những bông tuyết lạnh buốt lao xiên vào mặt, tan nhanh trên gò má còn lưu chút hơi ấm của chăn gối, chảy dài xuống bờ môi. Những giọt tuyết trở nên mằn mặn, âm ấm. Tuyết lệ.
Mẹ ơi, Tết này con không ở bên mẹ. Xin ngàn lần lượng thứ. Mẹ đừng vội đi nhé. Chờ con về vui Tết với mẹ năm sau. Tạ ơn. Con yêu mẹ!
Đào Phi Cường
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xin mời xem thể lệ tại đây.