Bà Năm khó nhọc cúi xuống ngắt mấy đọt rau vấp cá bỏ vào rổ nylon, bà chắc lưỡi:
- Trời lạnh như vầy tội nghiệp mấy cọng rau lên cũng không nổi.
Đúng là trời lạnh thật, các khung kính quanh balcon mờ đục bởi va chạm của tiết đông bên ngoài với nhiệt độ sinh hoạt bên trong nhà. Mấy chậu rau răm, rấp cá, húng lủi, húng cây... sắp dài ngoài balcon dường như thu nhỏ lại, những chiếc lá xanh èo uột vươn lên khổ sở như bà đang khổ sở cúi xuống bởi những cơn đau thấp khớp hoành hành xương thịt. Tất cả cũng vì cái lạnh mùa đông.
Ngoài trời sương mù vẫn còn giăng khắp chốn dù đã gần mười giờ sáng. Rổ rau xâm xấp đầy, bà lại khó nhọc vịn bờ kính balcon đứng lên rồi khấp khểnh bước vào bếp.
Bên trong nhà yên ả, hơi ấm từ những chiếc máy sưởi làm không khí thật dễ chịu. Bà rửa xong mớ rau dành để cuốn gỏi cuốn rồi mở nắp thau dưa giá trên bàn xem giá đã tới độ chua hay chưa, xong bà loay hoay hâm nóng lại nồi thịt kho, nồi càri mới làm chiều hôm qua. Những năm trước bà còn khỏe, có thêm nồi vịt tiềm măng khô hoặc khổ qua hầm thịt và nào mì xào gan, cật heo; gỏi dưa chuột, cà rốt, tôm thịt ăn chung với bánh phồng tôm chiên cũng như không thể thiếu mấy dĩa thạch nước dừa cùng những đòn bánh tét truyền thống miền nam đi đôi với hủ dưa cải mặn. Tất cả những thứ đó bây giờ các cô con gái của bà chia nhau lãnh phần làm từ nhà đem đến cho bà để rước tổ tiên về ăn Tết.
Nghĩ đến Tết bà ngước nhìn cuốn lịch Tam Tông Miếu treo ở gần tủ chén, cuốn lịch mà con dâu trưởng của bà đã gửi từ Việt Nam qua bằng đường bưu điện từ trước lễ Noel, hôm nay là đúng ba mươi Tết rồi chứ có sớm gì đâu, vậy mà nhà cửa vắng hoe, chỉ có mình bà lui cui nấu nướng.
Tết năm nay nằm ở giữa tuần, nhằm ngày đi làm của các con bà. Vợ chồng hai cô con gái thứ năm, thứ sáu của bà ở Milan xa đã đem bánh tét, mứt bánh về từ những ngày nghỉ cuối tuần vừa qua và chúc Tết sớm cho bà vì không về được. Hai cô con thứ tám, thứ chín ở ngoại ô Torino cho biết sẽ đến trước lễ cúng rước ông bà. Những đứa còn lại đều ở chung thành phố Torino với bà và chắc chắn tụi nó sẽ đến chốc nữa đây để phụ giúp bà việc sắp dọn cúng kiếng trong khi chờ đợi hai cậu con trai của bà tan việc về nhà.
Tết tha hương vắng hoa mai, hoa thọ, thiếu dưa đỏ, kiệu nồng, thiếu bao nhiêu món ngon truyền thống, bà làm được những gì có thể làm cũng không tiếc công, cốt chỉ để đám con đừng quên nguồn cội, để lũ cháu sanh sau đẻ muộn xứ người biết thế nào là tập tục nơi cha mẹ, ông bà chúng đã bỏ lại sau lưng trong quãng đời phiêu bạt. Chợt dưng bà Năm thở dài, nghe lao xao trong đầu, lờ mờ trong mắt những hình ảnh, âm thanh của những ngày Tết cũ, ngày bà hảy còn là cô thiếu nữ xuân thì miền quê vùng Cầu Nổi miệt Cần Đước – Long An.
Thuở đó, Tết miền quê nhộn nhàng từ đầu tháng Chạp, heo , gà, vịt được chuẩn bị nuôi sẳn để ăn hoặc đưa về chợ, về thành phố, những nhà vườn trồng hoa cũng khởi sự cắt tỉa cho hoa nở đúng những ngày cuối năm. Cần Đước của bà Năm nổi tiếng về lạp xưởng, nhất là lạp xưởng ướp rượu Mai Quế Lộ thơm nồng, chưa đến tháng Chạp đi đâu cũng đã thấy những dây kẽm hay giàn tre phơi lạp xưởng. Nói đến lạp xưởng mà thiếu tôm chua thì đâu phải là Cần Đước, những con tôm đỏ au no tròn hấp dẫn nằm trong những ve keo đậy kín như mời gọi khách sành ăn thưởng thức vị ngọt, chua, cay nồng của món ăn dân giã này. Tết cũng để bà nhớ những phiên chợ cuối năm lúc theo phụ mẹ bà ngược xuôi Cần Đước đi Chợ Lớn buôn bán áo quần và gặp chàng trai trẻ đi mua hàng rồi từ đó tình ái nở hoa, hôn nhân ràng buộc cho ra đời một mái gia đình hạnh phúc, cùng đùm bọc, dắt dìu nhau qua bao chặng đường đời cho đến ngày bịnh hoạn cướp ông đi, bỏ bà ở lại với bao thương nhớ một thời.
Nghĩ đến chồng, bà lại thở dài, nghe cay cay mi mắt, nhớ những năm cuối đời của ông với ước mơ được quay về cố thổ để ít nhất thấy lại một lần cái Tết quê nhà, ước mơ chưa thành thì ông đã vĩnh viễn ra đi sau hơn một tháng dài nằm bịnh viện bởi bịnh tiểu đường nghiệt ngã. Kể từ ngày ông Năm mất, bà như chim lẻ bạn, sức khỏe kém dần; sau khi ăn sinh nhật đại thọ tám mươi bà tự dưng không đi đứng vững nữa, bịnh hoạn thông thường của tuổi già khiến bà cứ ra vô nhà thương như những cuộc hẹn không mời mà đến. Chín đứa con của bà, những đứa con mà ngày xưa vợ chồng bà vẫn thường thở than tại đông con nên nghèo của, bây giờ bà mới thấy hào của chẳng bằng hào con vì đó là gia tài quý giá nhất mà chồng bà để lại, chính chúng nó đã đở đần bà trong tuổi già bóng xế và nếu không có chúng chắc có lẻ bà cũng chẳng cần Tết nhứt chi ở xứ sở xa xôi nầy.
Bà lên phòng khách, nơi có bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên và bàn thờ chồng. Từ trước ngày hăm ba đưa ông Táo, cậu con thứ mười của bà đã lo chùi bóng lư hương, chân đèn, khung ảnh thờ đâu ra đó chói chang sáng rực, mấy bình hoa chỉ cắm tạm vài cành cúc trắng, cúc vàng để gọi là hương hoa ngày Tết. Dĩa ngũ quả chưng trên bàn thờ Phật được bà chăm chút sắp sẳn từ chiều hôm qua với nào đu đủ, xoài, thơm, cam, táo mà bà phải đặt trước tại một cửa hàng thực phẩm Á Đông ở trung tâm thành phố, nghe đâu chủ tiệm nhập hàng lấy từ Pháp đem về chứ Torino này chẳng có bao nhiêu người Việt nên hàng Việt rất khó tìm. Mỗi bàn thờ đều có một trái bưởi to vàng hực, loại bưởi Năm Roi nổi tiếng của miền tây trù phú, chỉ cần nhìn cũng đủ thấy nhớ sóng nước Cửu Long.
Bà Năm ngắm lại lần nữa mọi thứ trên các bàn thờ và thấy vẫn chưa vừa ý dù tất cả đều thứ tự đâu ra đó, có cái gì như thiêu thiếu, à, hình như một phong pháo Tết mà ngày xưa ông Năm vẫn thường mua để tựa bên bộ lư đồng và bộ cờ tướng mà lúc ông còn sanh tiền luôn kề cạnh bên ông. Đám con cháu của bà chúng nó chỉ biết Tết với ăn uống, hội họp, vui chơi, ít có đứa nào để ý đến chuyện chăm sóc bàn thờ cho người trên trước, nhưng riêng bà đó là nơi thiêng liêng của miền tâm linh bà luôn hằng gìn giữ, nơi mà trong những ngày Tết nầy dù xa xôi bà vẫn thấy được bao hình ảnh quê nhà xưa hiển hiện, nơi để phút giao mùa theo mùi hương trầm bà nghe hoà quyện giữa đất trời hai cõi âm dương, hai tầng thiên địa như có hồn tổ tiên, cha mẹ và chồng bà về phảng phất đâu đây lặng lẽ vui cùng con cháu.
Đó không phải là mê tín mà là sự thành tâm của người có niềm tin tôn giáo, giữ truyền thống tập tục ngàn xưa. Niềm tin và truyền thống đó giúp bà dù sống bất cứ nơi đâu trên quả điạ cầu vẫn nhớ mình là người Việt có cội, có nguồn chứ không lai căng mất gốc bởi ảnh hưởng xứ người và Tết là một trong những điễm mốc để bà chăng giây cột nhợ cho cháu con bà dù tiến về phía trước vẫn không mất phương hướng tìm về quá khứ cha ông của chúng. Tây họ có Tết tây, đầu năm dương lịch hay lễ Giáng sinh, gia đình bà cũng ăn lễ, ăn Tết tây tưng bừng cho đúng câu “nhập gia tùy cục" nhưng nhất định bà phải để cho " tây" và đám con cháu hậu sinh của bà thấy "ta" cũng có Tết như ai, có lẻ còn đậm sắc màu, giàu phong cách hơn cả |“tây“ nữa.
Khoảng nửa giờ sau thì vợ chồng Ngọc – cô con gái thứ ba của bà - đến cùng hai đứa con của họ. Bà Năm có tất cả mười ba người con nhưng chỉ còn lại bảy gái, hai trai và tất cả đều đã lập gia đình cho bà mười một đứa cháu. Antonio, ông chồng Ý của Ngọc, khệ nệ trên tay hai túi xách đầy với những món ăn Ngọc làm sẳn ở nhà đem đến. Một lúc sau thì vợ chồng Kim, Mỹ, Phương, Kiêm và các cháu bà đều có mặt đầy đủ, trễ hơn một chút thì Trung và Hiếu - hai cậu con trai của bà – cũng về. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng chén dĩa chạm nhau khi các cô gái phụ mẹ bắt đầu đem chưng bày thức ăn lên các bàn thờ để kịp giờ cúng kiến. Tiếng bà Năm lo lắng thúc hối các con:
- Mau lên đi mấy đứa, đừng để trễ giờ, đúng Ngọ là ông bà về đó.
Ngọc cười:
- Má ơi, đúng Ngọ bên Ý là sáu giờ chiều bên Việt Nam rồi, má tính theo giờ nào? Tết ta phải tính giờ ta ở bên nhà hay tính theo giờ ở đây? Mình đón giao thừa mười hai giờ khuya hay sáu giờ chiều nay hả má?
- Con nhỏ nầy – bà Năm rầy con - ở đâu, âu đó, còn đứng đó mà hỏi má hay sao?. Giờ nào cũng là giờ của trời đất, ăn thua ở tấm lòng. Thôi, sắp xếp xong chưa? Lo sẳn nhang đèn để má bắt đầu cúng. Nhớ mở cửa để ông bà vô đó nghen.
Nhà đông con gái, cháu gái nên chỉ trong một thoáng là đâu vào đấy. Ngoại trừ bàn thờ Phật, bàn thiên ngoài balcon chỉ có trái cây và hoa thắm, các bàn thờ khác đều đủ đầy cơm, canh, gỏi, bánh tét, thịt kho, dưa giá, v.v..Ngọc nhớ thuở mới cưới nhau, mỗi lần nhà có giỗ hay vào những ngày cúng Tết thế nầy Antonio thường thắc mắc không biết những người “khuất mày, khuất mặt“ có về ăn những món cúng đó hay không, Ngọc phải tỉ mỉ giải thích với chồng là người chết hay thần thánh chẳng ăn uống gì của thế gian, chỉ có người sống vì vọng tưởng trong thương yêu, kính nể nên bày ra các nghi lễ để chứng tỏ tấm lòng.
Tập tục cúng kiếng là hình thức giao hoà của âm dương, giữa bản thể Có với vật cúng và hư thể Không chỉ vong linh người đã khuất. Ai không hiểu có thể cho đó là những trò mê muội dị đoan, cúng kiếng cho người sống có dịp thưởng thức món ngon mâm cao, cỗ đầy. Nhưng ai tinh tế sẽ nhận ra rằng đó là yêu thương, là nhắc nhở không quên để người hiện tiền nhớ người quá vãng, nói chung chung để con cháu nhớ nguồn gốc tổ phụ, ông bà. Trong lung linh hương khói là tinh hoa văn hóa nước nhà, là chữ Tâm của Đông phương trọn vẹn thủy chung của người sống đối với người chết. Món ăn truyền thống Tết do ông bà truyền lại, con cháu chế biến, trên bàn ăn người sống vừa ăn vừa nhắc nhở tổ tiên, ngon hương vị, đậm tấm lòng, còn gì đẹp hơn? Antonio nghe vợ giải thích và bắt đầu có thiện cảm hơn với lễ Tết VN, nó khác xa với Tết dương lịch nhiều quá dù loại Tết nào cũng uống, cũng ăn, cũng linh đình tụ họp, nhưng Tết quê vợ anh sao nhiều ý nghĩa đến thế, thảo nào hơn mấy mươi năm rồi dù sống giữa đất nước xa xôi đoàn thể Việt nói chung và gia đình vợ anh nói riêng vẫn giữ riêng bản chất của họ, bản chất của những kẻ uống nước nhớ nguồn không quên cội rễ.
Bà Năm bắt đầu đốt hương, thoạt tiên bàn thờ Phật, sau đó đến bàn thờ đất đai và cuối cùng là bàn thờ tổ tiên và bàn thờ ông Năm. Sau bà là đám con, cháu, rể cũng lần lượt đến trước bàn thờ khấn nguyện trang nghiêm. Cũng khói hương, cũng bánh trái, cũng tấm lòng nhưng ngoài trời không có nắng hồng mà chỉ có tuyết sương giăng; chợ hoa Nguyễn Huệ, phố Tết Sài Gòn được thay bằng phố xám buồn, cây nghiêng trơ trụi lá. Không có tiếng chuông chùa vang lên giữa đêm giao thừa ấm cúng, cũng không lân, không pháo mừng đón hội xuân, không xênh xoang áo mới kéo nhau đi chùa hái lộc đầu năm, gieo quẻ cầu thời vận mới, chỉ có những tấm lòng đang hoài vọng cố hương, những đứa con nhìn mẹ khoác áo xám nhà chùa cung kính thành tâm mà mỗi người mang một nỗi nhớ khác nhau.
Trong khi chờ tàn nhang, tan khói để buổi ăn bắt đầu, cả nhà quây quần bên chiếc TV 42“ xem chương trình VTV4 coi ở VN mọi người đón Tết ra sao, còn vài giờ nữa giao thừa đến bên đó, hai phương trời xa phút chốc như hoá gần, trước mặt mọi người hình ảnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn và những thành phố quen thuộc của quê hương luân phiên xuất hiện, người và cảnh làm tăng thêm háo hức trong lòng kẻ tha hương ở phút giao mùa. Bỗng tiếng chuông điện thoại reo vang, bên kia đường giây là tiếng nói của em gái, em trai bà Năm gọi từ Mỹ, ống điện thoại được chuyền tay cho cả nhà thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau và cũng không thiếu lời nhớ nhung nhắc lại những cái Tết ngày xưa lúc những đứa con Việt chưa làm cánh thiên di sống đời viễn xứ.
Và giờ ăn cũng đến, những cây nhang điện thay cho những cây nhang thật để tránh khói bay trong nhà, nhang đèn phải được thắp sáng cho đến khi tiển ông bà về mới tắt, ngày lễ tiển đó tùy nơi, tùy nhà không nhất định, nếu giữ đúng truyền thống xa xưa thì phải đợi lúc hạ nêu tức ngày mồng 7 Tết, những chuyện như vầy tụi nhỏ làm sao biết đuợc nếu chúng không đọc sách tìm hiểu hoặc bà Năm không giải nghĩa cho chúng nghe, và bà thì có bao giờ tiếc công nói, công dạy bảo cho chúng nó đâu, đó là chuyện "cha truyền, con nối" của dân tộc bà mà, đâu phải chỉ truyền nghề nghiệp, truyền món ăn mà còn phải truyền cả nghi thức mối giềng tâm linh nữa chứ.
Thức ăn trên bàn thờ được dọn xuống, đây mới thực là lúc những câu chuyện vang rân như pháo nổ giữa mọi người quanh bàn ăn. Những khoanh bánh tét tròn lẵn đẹp mắt tuy thiếu màu xanh lá chuối bọc ngoài vẫn là món được "thực khách" chiếu cố nhiều nhất, kế đến là món gỏi cuốn và món vịt tiềm. Bà Năm chỉ cầm đủa nhấm nháp cũng thấy no khi nhìn cháu con vui cười hỉ hạ. Tiếng con bé Elisa, cháu ngoại bà, liếng thoắng:
- Ngoại ơi, má con nói, khi đến giao thừa tụi con mừng tuổi ngoại, ngoại sẽ lì xì cho tụi con phải không ngoại?
Bà Năm cười dễ dãi, nói:
- Ở đây không có bao đỏ để đựng tiền, ngơại lì xì cho mỗi gia đình một trái bưởi VN làm lộc đầu năm, có đứa nào chê không?
Đám cháu của bà nhao nhao:
- Không, không, con không chê đâu, tụi con sẽ chúc ngoại sống lâu hơn trăm tuổi để mỗi năm Tết đến ngoại lì xì cho tụi con hoài nghen ngoại.
Ngọc chen vào câu chuyện:
- Hôm qua Kim Ngân, bạn con ở Canada, có thư e-mail cho con hay báo điện tử VnExpress tổ chức cuộc thi viết về Tết truyền thống dành cho người Việt hải ngoại, con muốn kể lại Tết nhà mình cho mọi người cùng biết chúng ta ăn Tết ra sao, chỉ sợ văn chương con chẳng bằng ai làm tốn thì giờ đọc giả và ban giám khảo mà thôi.
Kiêm ngắt lời chị:
- Ông bà mình nói "hát hay không bằng hay hát", chị cứ đổi lại "viết hay không bằng hay viết" và nên nhớ câu châm ngôn của Ý "L’importante è partecipare" tức "quan trọng là sự tham gia có mặt" chứ đừng nghĩ đến kết quả trước làm chi cho thối chí nãn lòng. Chị cứ viết đi, thay mặt cho má và tụi em nói cho mọi người biết dù xa chúng ta vẫn nhớ Tết quê nhà. Nào, chúng ta cùng nói nỗi nhớ của mỗi người, đóng góp ý cho bà chị của mình làm "viết sĩ" gửi bài dự thi đi bà con ơi. Viết để chữ Việt sống mãi với bất cứ nơi nào có người Việt nữa chị à.
Cả bàn ăn đồng loạt vỗ tay tán thành, chừng như phải có một máy ghi âm để thu lại hết những tiếng cười, tiếng nói của lũ em, đám cháu lao xao như ong vỡ tổ nói về cảm nghĩ Tết của chúng. Kim dặn Ngọc nhớ viết là cô không quên chợ Tết Sài Gòn, đường hoa Nguyễn Huệ, phố phường Chợ Lớn. Phương nhắc chị phải ghi bà Năm Ù bán bánh tét gần nhà, năm nào cô cũng phải chạy đi đặt mua gần cả chục đòn bánh để biếu bà con. Kim nói chị đừng quên chùa An Phú cạnh nhà, năm nào tụi mình cũng chạy qua lễ Phật nhưng chị cấm hái lộc nhà chùa vì sợ hoa kiểng nhà chùa xác sơ tan tác. Trung trầm ngâm như hồi tưởng rồi bảo cậu nhớ hoài đám múa lân xóm miễu Vạn, năm nào cũng thắng giải giựt giàn với pháo nổ đì đùng khi lân ăn pháo. Hiếu lẩm nhẩm đọc lại mấy bài vè lô tô rồi nói không có gì hấp dẫn hơn sau khi coi cải lương sau giờ giao thừa rồi bày bàn lô tô ra chơi qua tiếng đọc vè sang sảng của cô Chín, những bài vè cho thấy văn chương giới bình dân lao động cũng thâm thúy biết bao. Đó là chưa kể trọn những ngày Tết bầu cua cá cọp đuợc "xả giàn" cho đám con nít tiêu tiền lì xì không tiếc của. Và sau cùng bà Năm chậm rãi dặn Ngọc phải nhớ ghi chuyện cả nhà đi làm lễ gia tiên nhà từ đường, chúc thọ bà cố rồi đi chùa xin xâm xem quẻ đầu năm dù biết đó chỉ là chuyện hão nhưng thói quen của đàn bà mấy ai bỏ đuợc.
Ngọc ngồi ghi nhận vào tâm tất cả nổi niềm mọi người đóng góp. Nàng biết, cuộc thi nào cũng có lắm nhân tài tham dự, nhất là nhân tài tứ xứ người Việt năm châu, VnExpress là đất lành cho những nhân tài đó làm hoa nở mừng xuân. Còn Ngọc, để không phụ lòng mẹ và các em, nàng sẽ đem chút văn chương thời còn đi học ra làm cỏ dại tô xanh cho vườn xuân thêm nhuận sắc. Ngoài những ý tưởng của người thân, Ngọc sẽ viết thêm chuyện cộng đồng Việt một số về Việt Nam ăn tết, ai còn ở lại hoặc vui Tết gia đình như nàng hoặc ăn Tết hội đoàn cùng đồng hương chung cảnh. Nàng sẽ viết thêm chuyện Ly, Huyền và Giang gần nhà nàng, ba cô bé du học sinh Việt mới đến Ý, lần đầu thấy tuyết mùa đông và nỗi buồn nhớ mẹ cha vào ngày đầu năm mới. Người ta thường ví quê hương là bà mẹ, khách tha hương là những đứa con xa, những đứa con đó dù ở bất cứ tình huống nào vẫn có chung một mối tình, đó là tình Quê Hương mà Tết là trái tim để khách chung tình cùng hướng về nẻo nhớ.
Trời Nam xuân đến mai, đào nở
Đất khách đông về sương tuyết rơi
Bạt cánh thiên di đời viễn xứ
Tết đó tình đây một chữ hoài.
Torino, 06.02.2011
Huỳnh Ngọc Nga
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.