Các em nhỏ tập gói bánh chưng. Ảnh minh họa: Kidslife |
Bánh chưng thì chả xa lạ với ai, Bắc-Trung-Nam đều có. Tuy mỗi miền mỗi thức, mỗi kiểu khác nhau nhưng với cá nhân tôi, tôi vẫn thích kiểu bánh chưng ngoại tôi gói nhất.
"Năm nay chắc ngoại không đóng cốm nữa, bánh thì để mấy dì gói thôi", ngoại rầu rĩ nói. Mấy năm nay ngoại bệnh, lại phẫu thuật xong chưa lâu, sức khỏe yếu lắm không thể ngồi gắng sức được. Ngoại mà không chuẩn bị thì quà bánh năm nay ắt thiếu 2 món "độc quyền": bánh chưng và cốm.
Bánh chưng chánh tông của miền Bắc rất to, gói lá dong, mỗi cái nặng tới hai ba ký, vuông vức như một miếng gạch bông. Phải công nhận bánh làm rất công phu, ăn ngon miệng như khổ nỗi phải nhiều người ăn mới hết, không là dư để lại dở dang. Vì bánh to nên phải để lâu ăn mới xuể. Nhà nào ít người thì hai ba cái, nhiều thì chục cái ăn dần. Mà bánh để lâu thì vị xuống, mất mùi, ăn mất ngon. Có đem chiên lại cũng chán.
Bánh ngoại tôi gói thì khác, mỗi cái chỉ to bằng bàn tay, bện lá chuối chặt, luộc xong ăn ngay dăm ba ngày là hết. Khi ăn thì mỗi người mỗi cái, người to khỏe có thể chén cùng lúc hai ba. Ngoại lại không có thói quen làm một lượt. Cứ khoảng 25, mùng 2, mùng 6 là ngoại nấu một nồi bánh mới. Thành thử có bánh ăn hoài tới ra giêng.
Nhà quê xưa, thứ gì cũng sẵn có. Gạo nếp sẵn trong bồ, lá chuối ngoài vườn, đậu xanh vụ trước, thịt mỡ heo ngay chợ nhỏ xóm trên. Vì vậy trong tết mà gói hai ba bận cũng không kỳ công cho lắm. Nhớ hồi mới năm sáu tuổi, hay lon ton theo ngoại gói bánh chưng.
Ngoại trải lá chuối xanh vuông vức, thoa ít nước làm ẩm, vốc tay một chén nhỏ gạo nếp đổ đầy, hơi gạt ra cho phẳng mặt, rồi thêm chút thịt mỡ, rải đều đậu xanh. Sau ngoại gấp mép lá, gói thành khối vuông. Khi chỉ còn mép sau cùng, ngoại cho tay ép chặt phần gạo rồi mới gấp lại buộc dây.
Gửi bài dự thi "Xuân Quê hương" của bạn |
Tánh tôi tò mò, cũng lân la làm thử. Ban đầu chỉ được cho đổ gạo, gắp thịt. Sau này lớn thêm tí, ngoại thả cho tự do "sáng tác". Năm tám tuổi, tôi có cái bánh chưng đầu đời. Nhìn nó mắc cười vô kể: vuông không vuông, tròn không tròn nói đúng hơn là nó… méo. Dây buộc thì chỗ lỏng chỗ chặt, lá thì nhăn nheo vô cùng. Thành thử phải hì hụi mãi vài bận mới được một cái. Vừa tự ái, vừa tiếc công, tôi cũng làm 3 cái chơi.
Ngoại chỉ dùng lời chỉ bảo, tuyệt nhiên không mó tay vào sửa cho tôi tẹo nào. Cái đó làm tôi rất khoái! Bây giờ thì tôi hiểu ngoại có khoa tâm lý cực kỳ. Con nít thích nhất là tự tay làm nên sản phẩm của riêng mình dù cho nó có ngô nghê hay buồn cười cỡ nào cũng được. Đêm ấy, tôi không ngủ, ngồi thức canh nồi bánh. Con chó Nu cũng loăn quăn chạy theo. Tôi một tay chụm lửa, tay kia xoa đầu con chó hồi hộp chờ sản phẩm ra lò. Lâu lâu lại lấy đũa cả hé nắp nồi ra xem dù trước đó đã bị ngoại đe:" Khi luộc mà mở nồi, bánh nó… mắc cỡ không chín đó!"
Bữa sáng của tôi đấy! Khỏi phải nói tôi đã tự hào cỡ nào khi ba cái cục được gọi là bánh ấy được vớt ra. Với "trình độ" thủ công đậu vớt từ năm tiểu học như tôi mà ba cái bánh qua nước sôi lửa bỏng vẫn còn nguyên hình nguyên trạng đã là thành công lắm lắm. Dù khi mở ra, gạo nó đi đằng gạo, thịt thì ngồi đằng thịt như sui gia khắc khẩu. Bởi vậy tôi phải thảy tất vào tô, dùng đũa ngoáy lên cho nó "hòa hợp". Tôi khoan khoái tận hưởng sản phẩm đầu tay. Thật khó mà tả cảm giác đó cho người khác biết. Tôi tin chắc các bạn cũng nghĩ như tôi.
Phần bánh chưng là vậy. Nhưng món làm tôi mê hơn cả vẫn là cốm hộc. Sở dĩ có tên gọi ngộ nghĩnh thế là do cái khuông bằng gỗ vuông vức của nó mà ra. Cốm cũng mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi nhà mỗi khác. Nhà ngoại tôi cũng có kiểu làm cốm của riêng mình. Thực sự làm cốm công phu hơn gói bánh nhiều, phải chuẩn bị ngay từ tháng chạp. Lúa phải lựa kĩ, rồi chọn đường, mua giấy, làm hoa.
Tôi nhớ cứ độ rằm tháng chạp là ngoại đã chuẩn bị đồ rang nổ. Nổ là phần lúa nếp rang lên nở bung ra to xòe, trắng như bông bưởi gần giống với "pop-corn" mà các bạn trẻ hay ăn khi đi coi xi-nê bây giờ. Nổ rang xong, sẽ đem ngào với nước đường nấu sẵn. Trong đó còn cho thêm gừng, thơm và đôi khi cả me riêm nữa thành ra một thứ hỗn hợp màu bánh mật, dậy mùi thơm ngây ngất mê ly. Xong đâu đó thì đến công đoạn đóng cốm thành khối.
Cốm hộc sử dụng gạo nếp rang nở bung, ngào với đường, dứa, gừng cho dẻo và nén trong các "hộc" (khuôn) hình vuông tạo nên món ăn ngon lành. Ảnh: Phanthiet.vn |
Như đã nói, cốm được nhồi vào cái khuông vuông bằng gỗ thường gọi là "hộc" to độ cỡ hộp bánh quy. Khi đã nhồi đủ cốm ngào đường, người ta sẽ đặt một thanh gỗ lên vừa nút kín miệng sau đó ép xuống bằng một tay đòn dài. Đoạn này tốn sức chỉ có đàn ông mới làm nổi. Thường trong nhà, ông ngoại hoặc cậu Út sẽ lãnh phần ép cốm. Sau này tôi có làm vài lần nhưng chả đâu vào đâu. Cốm khi ép đủ lực sẽ nén lại thành khối cứng và đẹp. Chúng sẽ được đem phơi đến kì khô mới được đóng gói vào hoàn chỉnh.
Thông thường, lúc cốm thô đã thành hình thì dì Sáu cũng vừa nghỉ Tết. Công việc của dì là chuẩn bị giấy màu, cắt thành đủ thứ hình hoa văn để làm giấy gói cốm. Ngày trước hàng hóa khan hiếm, giấy màu cũng xấu hơn giờ nhiều, vừa lem vừa thô lại dễ phai. Dì Sáu dạy mẫu giáo rất khéo tay, dì cắt giấy thành đủ thứ hoa văn tinh tế nào bướm nào hoa nhìn rất thích mắt.
Cốm được gói với giấy màu, dán bằng hồ nếp đính hoa ở đầu. Những hộc cốm này dùng để cúng gia tiên và làm quà cho họ hàng ăn Tết. Dạo ấy, có năm ngoại đóng hơn trăm hộc lớn nhỏ như vậy biếu đủ xa gần. Sản phẩm tuy dân dã, quê mùa nhưng đượm đầy tình nghĩa.
Sau này khi nhiều loại cốm được làm công nghiệp kiểu dáng đẹp, trang trí bắt mắt ra đời, nhiều họ hàng gần xa vẫn ngóng trông cốm của ngoại. Tôi cũng vậy, không hạp với cốm đường cát giấy kiếng bây giờ. Nhớ lúc giao thừa xong, nhan đèn vừa lụi xẻ hộc cốm giấy đỏ ra. Bánh cốm vàng ươm thơm mùi nếp mới, phản phất hương cay nhẹ của gừng, ngọt đậm đà của thơm hay chua thanh của me chín. Cắn một miếng rồi hớp chút trà lài thấy ấm dần trong dạ, lòng tràn đầy yêu thương. Cứ ăn mãi đến no lúc nào không biết.
Tính ra đến giờ, tôi ăn thứ cốm nghĩa tình cũng ngót hai mươi năm, nhưng năm nào cũng háo hức lạ thường như lại được cho quà mới. Cho nên dạo ngoại trở bệnh yếu người, cốm nhà lùi vào dĩ vãng, lòng chợt se thắt như mất đi một thứ vật vô giá. Sáng, chạy xe dọc các con đường thành phố, thấy quán hàng bày những cộ bánh trái đủ màu gói công phu tinh xảo trông đẹp mắt không ngờ. "Em ơi mua quà đi, toàn hàng Việt Nam chất lượng cao không đó, hai trăm một cộ thôi." Ừ thì ủng hộ hàng mình, đâu cũng là người Việt Nam.
"Chị ơi, bán cho em một cái."
Tran Khiem