Tại một văn phòng thuộc Cơ quan Tình báo Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, một người đào tẩu Triều Tiên đang ngồi với tâm trạng bồn chồn. Ông lo sợ bản thân có thể gặp nguy hiểm vì những thông tin ông nắm giữ, theo ABC News.
Trong gần 5 năm, ông đã làm việc cho Văn phòng 39, cơ quan được cho là thuộc đảng Lao động Triều Tiên, chịu trách nhiệm kiếm tiền cho lãnh đạo nước này. Giờ đây, dưới sự cho phép của Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc, ông tiết lộ những điều mình biết về Văn phòng 39 trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với kênh truyền hình Australia.
"Văn phòng 39 là tổ chức chuyên kiếm ngoại tệ cho nhà lãnh đạo. Ở Triều Tiên, chúng tôi gọi nó là 'quỹ cách mạng'", ông giải thích. "Chúng tôi xuất khẩu bất cứ thứ gì có thể, vàng, đá quý, nông sản. Chúng tôi bán mọi thứ để kiếm tiền cho ông ấy".
Cộng đồng tình báo trên thế giới mới chỉ bắt đầu tìm hiểu về Văn phòng 39 cũng như những hoạt động bên trong nó. Theo giới chuyên gia, Văn phòng 39 tham gia các hoạt động buôn bán cả hợp pháp lẫn phi pháp, mang về cho Triều Tiên từ 500 triệu USD tới hai tỷ USD mỗi năm. Họ còn bị cáo buộc liên quan đến tiền giả và buôn lậu ma túy.
Trong bối cảnh Triều Tiên đang phải hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt vì chương trình hạt nhân và tên lửa, Văn phòng 39 rõ ràng có ý nghĩa sống còn đối với quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Matthew Carney, cây bút từ ABC News nhận xét.
Ma túy, vũ khí và tiền giả
Văn phòng 39 được thành lập từ những năm 1970 bởi cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành với tư cách một quỹ dự phòng.
Người đào tẩu Triều Tiên mà ABC News phỏng vấn khẳng định ông chỉ làm việc cho bộ phận hợp pháp của Văn phòng 39. Ông là một nhân viên thuộc Daesong, tập đoàn nắm quyền kiểm soát phần lớn hoạt động thương mại ở Triều Tiên.
Ông được phân công tới công ty thương mại Kumgang, chuyên bán nhân sâm, đá quý và vàng, hoạt động trên khắp châu Á. Ông không tiết lộ chi tiết cách thức công ty vận hành nhưng cho biết một phần công việc của ông là giúp bán vàng khai thác từ mỏ và các con sông tại Triều Tiên. Họ đưa chúng vào Trung Quốc sau đấy bán trên thị trường quốc tế với danh nghĩa vàng Trung Quốc.
Ông khẳng định việc né các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc khá dễ dàng đối với họ. "Bạn chỉ cần đổi tên công ty và mở chi nhánh ở những nước khác", ông nói. "Hoạt động ở Trung Quốc rất đơn giản. Đường biên giới dài hàng nghìn km và luôn rộng mở. Vì thế, quá dễ để vận chuyển hàng qua".
Mặt khác, Mỹ và Liên Hợp Quốc còn cáo buộc Văn phòng 39 điều hành một mạng lưới các hoạt động kiếm tiền bất hợp pháp như làm tiền giả, buôn bán ma túy và vũ khí. Đồng 100 USD giả của Triều Tiên được nhận xét là đồng tiền giả làm giống thật nhất thế giới. Đây là nguồn thu nhập lớn đối với Văn phòng 39 cho đến khi chính phủ Mỹ vào cuộc ngăn chặn nó.
Văn phòng 39 bị nghi sản xuất ma túy để bán ra cho thị trường Nhật Bản và vài khu vực khác ở châu Á. Chính quyền Australia hồi năm 2003 chặn đứng một vụ vận chuyển 50 kg heroin của Triều Tiên.
Những năm gần đây, nhiều lô hàng vũ khí bắt nguồn từ Triều Tiên đã bị bắt giữ trên toàn thế giới. Năm 2013, một tàu hàng chở đạn dược và bộ phận tên lửa bị bắt ở Panama. Chủ sở hữu con tàu trên, công ty vận tải Chongchongang, được cho là công ty bình phong của Văn phòng 39.
Người đào tẩu Triều Tiên ABC News phỏng vấn cho hay ông không biết gì về những hoạt động trên nhưng thừa nhận rằng "Triều Tiên ngày càng gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động bất hợp pháp bởi thế giới đã cảnh giác hơn".
Văn phòng 39 giờ đây gia tăng nguồn thu từ những doanh nghiệp bên trong Triều Tiên, chẳng hạn như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, khai khoáng và dệt may, để phục vụ nhà lãnh đạo cũng như chương trình hạt nhân, tên lửa.
Không gian mạng
Theo giới quan sát, nhằm gia tăng nguồn tiền thu về, Văn phòng 39 đang có xu hướng dịch chuyển sang thực hiện các hoạt động phi pháp trên không gian mạng.
Năm 2016, các nhà điều tra Mỹ nghi các tin tặc Triều Tiên suýt lấy được một tỷ USD từ Cục Dự trữ Liên bang New York nhưng một lỗi đánh máy nhỏ đã khiến vụ việc thất bại.
Lúc bấy giờ, các tin tặc đã cố trộm một tài khoản của Ngân hàng Trung ương Bangladesh tại chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở New York. Tuy nhiên, nhà chức trách thấy nghi ngờ vì phát hiện yêu cầu rút tiền có lỗi đánh máy sai từ "foundation" (tổ chức) thành "fandation". Dù vậy, tin tặc vẫn kịp lấy đi 81 triệu USD trước khi bị ngăn chặn.
ABC News cho biết Triều Tiên từng tấn công mạng thành công vào các ngân hàng Hàn Quốc, thậm chí đánh cắp các kế hoạch chiến tranh từ mạng lưới máy tính quân sự Hàn Quốc.
Go Myong-hyun, chuyên gia tại Viện châu Á về Nghiên cứu Chính sách, trụ sở ở Seoul, cho rằng Văn phòng 39 có hàng nghìn tin tặc và đã dồn một nguồn lực không nhỏ vào không gian mạng.
"Hoạt động trên không gian mạng khó phát hiện và kiểm soát hơn, vì thế đây rõ ràng là mặt trận hoàn hảo đối với họ", ông Go nhận xét.
Vũ Hoàng