Trung Quốc hồi tháng 3 thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC), cơ quan được coi là công cụ đắc lực để ngăn chặn các đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc trốn ra nước ngoài hay tẩu tán tài sản khi bị điều tra về hành vi tham nhũng, theo SCMP.
Nhiệm vụ phát hiện, điều tra các quan chức, đảng viên Trung Quốc có dấu hiệu tham nhũng trước đây thuộc về Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), tổ chức được ví như "nắm đấm thép" của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi".
Trong quá khứ, khi phát hiện cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, CCDI thường áp dụng quy trình "song quy", nghĩa là mời những người bị tình nghi đến các trung tâm thẩm vấn tập trung để điều tra, xét hỏi và giữ họ lại trong thời gian dài. Sau khi đưa ra kết luận, CCDI sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo luật định.
Tuy nhiên, mô hình này vấp phải nhiều phản ứng của dư luận trong và ngoài nước, bởi CCDI chỉ là một cơ quan đảng, không phải là đơn vị nhà nước có quyền hành pháp, nên các biện pháp điều tra, ngăn chặn của họ không có cơ sở pháp lý và không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào.
Vướng mắc này được giải quyết khi Luật Giám sát được quốc hội Trung Quốc thông qua, trong đó quy định Ủy ban Giám sát Quốc gia là một cơ quan nhà nước cấp trung ương, đứng trên các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp như Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
NSC sẽ giám sát các hành vi sai trái của khoảng 90 triệu đảng viên Trung Quốc cũng như cán bộ quản lý của các doanh nghiệp nhà nước, bệnh viện, cơ sở giáo dục và văn hóa, thể thao, viện nghiên cứu và thậm chí cả chính quyền làng xã.
Phạm vi hoạt động, quyền hạn và các biện pháp điều tra của NSC cũng được quy định rõ trong Luật Giám sát, trong đó đáng chú ý là quy trình "lưu trí" thay thế cho "song quy" của CCDI, được coi là biện pháp hiệu quả, hợp pháp để ngăn chặn các cán bộ, đảng viên bỏ trốn hay tẩu tán tài sản, phi tang chứng cứ khi bị tình nghi tham nhũng.
Quy trình "lưu trí" của NSC về cơ bản cũng tương tự như "song quy", trong đó các điều tra viên của ủy ban này có quyền triệu tập để thẩm vấn bất cứ cá nhân nào bị nghi ngờ dính líu đến tham nhũng, bao gồm những đối tượng bị tình nghi đưa và nhận hối lộ.
Sau khi thẩm vấn, NSC được phép bí mật giam giữ các đảng viên bị tình nghi tham nhũng trong thời hạn ba tháng để điều tra và có thể gia hạn thêm ba tháng. Các điều tra viên của NSC cũng có thể đóng băng tài sản và lục soát nơi ở, nơi làm việc của các đảng viên bị tình nghi mà không cần lệnh từ tòa án hay viện kiểm sát.
Trong thời gian bị giữ theo quy định "lưu trí", các đảng viên này không bị coi là tội phạm nên không bị áp dụng các biện pháp theo quy trình tố tụng hình sự, nhưng đồng thời quyền tiếp cận luật sư của họ cũng hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của NSC. Hình thức này cho phép NSC ngăn chặn ngay lập tức ý định xuất cảnh của cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng mà không cần thông qua các cơ quan tư pháp khác.
Lưu Kiến Siêu, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Chiết Giang, cho biết một đảng viên bị "lưu trí" vẫn sẽ được các điều tra viên của NSC gọi là "đồng chí", khẳng định họ sẽ được thực hiện quyền gặp luật sư sau khi được bàn giao cho cơ quan công tố. Ông nhấn mạnh rằng "lưu trí" là biện pháp cần thiết để các cuộc điều tra chống tham nhũng phát huy hiệu quả.
"Việc này nhằm tăng cường khả năng lãnh đạo của đảng trong các chiến dịch chống tham nhũng. Trong tình huống khó khăn, phức tạp, các tổ chức giám sát trước đây rõ ràng là không thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc chiến chống tham nhũng cũng như chiến dịch làm trong sạch đảng", Lý Kiến Quốc, phó chủ tịch quốc hội Trung Quốc, tuyên bố.
Tuy nhiên, Luật Giám sát của Trung Quốc cũng quy định rằng các điều tra viên thuộc NSC sẽ phải chịu trách nhiệm nếu họ cấm đảng viên xuất cảnh mà không có các chứng cứ và căn cứ pháp lý thích hợp.
Tiêu Bồi, phó chủ nhiệm CCDI, tuyên bố Luật Giám sát và Ủy ban Giám sát Quốc gia sẽ tăng cường tính pháp lý cho chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. "Nó tạo ra cơ sở pháp lý và quy trình tiêu chuẩn cho hoạt động chống tham nhũng", Tiêu nói. "Nó cũng tăng lòng tin của người dân với đảng và củng cố nền tảng lãnh đạo của đảng".
Trong khi đó, một số chuyên gia, học giả lo ngại về việc cơ quan là "siêu quyền lực" này lạm dụng quyền hạn của mình và áp dụng các biện pháp cực đoan để buộc người bị tình nghi phải nhận tội trong quá trình bị "lưu trí".
"Việc cấm các đảng viên bị tình nghi xuất cảnh hoặc giam giữ, đóng băng tài sản của họ cần phải được tiến hành rất thận trọng", Jiang Mingan, giáo sư luật tại Đại học Peking, nói. "Các điều tra viên phải nắm trong tay các bằng chứng thuyết phục trước khi áp dụng quy trình lưu trí".
Ông cũng nói rằng trong quy trình tố tụng hình sự, nếu bị oan sai, người bị giam có thể đệ đơn kiện cơ quan công an hay viện kiểm sát, nhưng việc kiện một cơ quan đứng trên cả hệ thống tư pháp như NSC sẽ rất khó khăn.
Theo CaixinGlobal, Chen Yong, một cựu nhân viên hợp đồng từng làm việc trong chính quyền tỉnh Phúc Kiến, hồi đầu tháng 5 tử vong sau khi bị ủy ban giám sát ở tỉnh này bắt giữ để thẩm vấn theo quy trình "lưu trí" vì bị nghi ngờ tham nhũng. Jamie P. Horsley, chuyên gia tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai, cho rằng cái chết của Chen đã làm dấy lên câu hỏi "ai giám sát những người giám sát" ở quốc gia này.