Tên lửa đạn đạo của Lực lượng Pháo binh Trung Quốc. Ảnh: Chnmilitary |
Lữ đoàn Tên lửa đạn đạo được Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc thành lập năm 1993. Kể từ khi thành lập, rất ít người được biết đến các hoạt động bên trong lữ đoàn đặc biệt này. Mới đây, đơn vị chủ quản của Lữ đoàn có sự mở cửa hiếm có đối với giới truyền thông và giới thiệu về các hoạt động và thành tích của đơn vị mình.
Lữ đoàn lần đầu gây được sự chú ý vào tháng 7/1995, sau khi Trung Quốc công bố tiến hành các vụ thử tên lửa tầm xa trên biển. 5 tên lửa được bắn lên trong một tuần và trong năm tiếp theo, lữ đoàn thử thêm 4 quả tên lửa trong một cuộc diễn tập khác. Tất cả đều đến đúng mục tiêu được đặt ra.
Những cuộc thử tên lửa này công bố với thế giới rằng Trung Quốc có lực lượng phòng vệ mới, gồm cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trước đó, nước này chỉ sở hữu tên lửa hạt nhân. Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990 khiến Trung Quốc nhận thấy tầm quan trọng của tên lửa đạn đạo trong các cuộc chiến tranh hiện đại.
Lữ đoàn Tên lửa đạn đạo trực thuộc Lực lượng Pháo binh số hai. Đây là cơ quan quản lý các loại tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Trung Quốc. Pháo binh là một trong 4 lực lượng của của quân đội Trung Quốc cùng với Lục quân, Hải quân và Không quân.
"Lữ đoàn của chúng tôi nổi tiếng với việc chỉ huy tên lửa một cách chính xác. Chúng tôi đã phóng 114 quả tên lửa và tất cả đều đến trúng đích", ông Đàm Vĩ Hồng, chỉ huy lữ đoàn phát biểu với các phóng viên.
"Tên lửa đạn đạo là lá bài quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Do đó chúng tôi luôn sẵn sàng để phản ứng kịp thời trước những cuộc tấn công", China Daily dẫn lời ông Đàm nói.
Các binh sĩ thuộc Lữ đoàn tên lửa đạn đạo Trung Quốc trong một cuộc diễn tập ở địa điểm bí mật. Ảnh: China Daily |
Lữ đoàn cũng dành một phần ba thời gian mỗi năm bên ngoài căn cứ, đến nhiều nơi trên đất nước để tập luyện. Tên lửa được các xe tải hạng nặng sơn, phủ ngụy trang, chở đến những nơi rừng núi xa xôi ở miền nam đến vùng gió cát ở tây bắc.
Trên đường đi, các binh sĩ thu thập các thông tin về đường sá, cầu cống để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động tác chiến trong tương lai. Đồng thời, các dữ liệu thu thập được trong các cuộc diễn tập cho phép lữ đoàn đánh giá được hoạt động của các thiết bị dưới các điều kiện thời tiết để có thể triển khai các chiến thuật trong mọi điều kiện thời tiết và địa hình.
Ngoài ra, các binh sĩ được rèn luyện thể lực và chiến thuật rất kỹ lưỡng. Họ phải trải qua những bài tập thể lực chạy 5.000 m, hai người cùng vác bao tải 60-80 kg lội qua vũng nước ngập đến bụng rồi lại vác 30 kg cát qua con mương một lần nữa.
Có lúc, những chàng trai thế hệ 8X, 9X này chỉ ăn một bữa một ngày và tập trận trên cao nguyên với tuyết rơi, trong rừng sâu, trong sa mạc. Khi trở về căn cứ, họ lại mở máy tính, học tập và giải trí như mọi thanh niên khác.
"Trong 19 năm, binh sĩ của chúng tôi giỏi hơn, vũ khí được nâng cấp tốt hơn nhưng truyền thống thì không hề thay đổi", Trương Kế Xuân, chính ủy của lữ đoàn nói.
Vũ Hà (theo China Daily)