Scarborough/Hoàng Nham là một bãi đá hình móng ngựa không có người sinh sống trên Biển Đông. Bãi đá này cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Đây là tâm điểm của căng thẳng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc trong suốt thời gian vừa qua.
Chạm mặt trên biển
Ngày 8/4, căng thẳng phát sinh khi máy bay tuần tra Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc hoạt động gần bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của hải quân nước này sau đó được cử tới nắm tình hình. Các thủy thủ Philippines hôm 10/4 lên tàu cá Trung Quốc kiểm tra và phát hiện một số lượng lớn san hô, trai lớn cũng như cá mập sống.
Soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của Philippines. Ảnh: Inquirer |
Khi phía Philippines định bắt giữ các ngư dân và tàu cá Trung Quốc thì hai tàu hải giám của Bắc Kinh xuất hiện. Các tàu hải giám di chuyển vào vị trí giữa soái hạm Philippines và các tàu cá Trung Quốc, nhằm ngăn chặn việc bắt giữ. Tình trạng so kè này được cả hai phía duy trì.
Soái hạm BRP Gregorio Del Pilar sau đó rời đi, nhường chỗ cho hai tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Phía Trung Quốc cũng rút một tàu hải giám, nhưng sau đó lại điều tàu Ngư Chính 310 thuộc loại hiện đại nhất tới khu vực này. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 14/4 còn cho biết máy bay và một tàu của Trung Quốc tìm cách cản trở tàu nghiên cứu của Philippines.
Trong suốt hơn một tháng qua, cả Philippines và Trung Quốc liên tục có những sự điều động tại khu vực này. Trung Quốc hiện có 3 tàu lớn, 7 tàu cá và 23 xuồng nhỏ, trong khi Philippines có 2 tàu của Lực lượng Tuần tra Bờ biển, Cục Các tài nguyên biển và Nghề cá cùng 5 tàu cá.
Ảnh diễn biến vụ chạm mặt giữa các tàu Philippines và Trung Quốc |
Chạm mặt trên mặt trận ngoại giao
Cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Vì thế, ngay sau khi vụ chạm mặt xảy ra tại khu vực này, cả Manila và Bắc Kinh đều có những động thái ngoại giao để khẳng định chủ quyền.
Bãi đá Scarborough/Hoàng Nham, tâm điểm căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc hơn một tháng qua. Ảnh vệ tinh: Google |
Ngoại trưởng Philippines, del Rosario hôm 10/4 liên lạc với đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Mã Khắc Thanh, để nhấn mạnh rằng khu vực xảy ra "va chạm" nằm trong lãnh thổ của quốc đảo Đông Nam Á. Ông Del Rosario sau đó còn triệu ông Mã tới trụ sở Bộ Ngoại giao Philippines để cùng tìm ra một giải pháp ngoại giao. Ngoại trưởng Philippines nêu rõ rằng Philippines sẽ tự vệ nếu bị khiêu khích. Manila cũng đề nghị đưa vấn đề Scarborough/Hoàng Nham ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos), nhưng Bắc Kinh từ chối tham gia.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines tỏ ý muốn vấn đề được giải quyết qua con đường ngoại giao. "Chúng tôi hướng tới việc tìm ra một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này", ông nói. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định: "Chẳng ai có lợi nếu xung đột xảy ra".
Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng nước này có quyền chủ quyền đối với khu vực xảy ra sự việc, đồng thời yêu cầu tàu chiến của Philippines rời đi. "Chúng tôi đã đưa ra lời phản đối chính thức với phía Philippines về vụ việc tàu của nước này quấy rối các tàu cá và ngư dân Trung Quốc", AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân.
Căng thẳng leo thang
Giữa tháng 4, thế bí giữa Manila và Bắc Kinh tưởng như đã được hóa giải. "Chúng tôi vừa đi tới một số thỏa thuận. Đã có tiến triển trong một số vấn đề, nhưng vẫn còn những tồn tại nhất định", ông del Rosario nói sau cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh. "Cả hai bên đều nhất trí không có bất cứ hành động nào khiến căng thẳng leo thang tại khu vực đó".
Tuy nhiên, cả Philippines và Trung Quốc đều không muốn nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền, khiến căng thẳng lại leo thang sau đó. Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ hôm 16/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói rằng "không một cá nhân hay tổ chức nào được phép tiến hành những hoạt động như vậy trong khu vực nếu không được chính quyền Trung Quốc cho phép".
Căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh diễn ra trùng với thời điểm Mỹ cùng Philippines tiến hành cuộc tập trận thường niên quy mô lớn mang tên Balikatan (Kề vai sát cánh).
"Bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy điều gì phía sau cuộc tập trận này và nó có thể đưa vấn đề Biển Đông rẽ sang một con đường hướng tới sự đối đầu quân sự, cũng như việc giải quyết thông qua vũ lực", bài bình luận trên tờ Liberation Army Daily của quân đội Trung Quốc có đoạn. "Thông qua cách can thiệp này, Mỹ sẽ chỉ khuấy động toàn bộ tình hình Biển Đông theo hướng gia tăng sự hỗn loạn. Điều này sẽ khó tránh khỏi việc có tác động xấu tới hòa bình và ổn định trong khu vực".
Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong cuộc họp báo sau hội đàm "2 + 2". Ảnh: AFP |
Giữa lúc căng thẳng leo thang, Ngoại trưởng Philippines, del Rosario cùng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin tới Washington để tham gia cuộc gặp mặt "2 + 2" với những người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton và Leon Panetta. Sau khi trở về từ cuộc gặp này, giới chức Philippines tuyên bố có được sự bảo đảm từ Mỹ rằng Washington sẽ bảo vệ Manila nếu xung đột xảy ra. Đáp lại động thái này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho rằng sự góp mặt của Mỹ chỉ làm phức tạp tình hình.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh hôm 7/5 tuyên bố Bắc Kinh hoàn toàn sẵn sàng đối phó tình trạng leo thang căng thẳng với Philippines. "Trung Quốc đã chuẩn bị tất cả để đối phó với bất cứ sự leo thang nào trong tình hình này xuất phát từ phía Philippines", bà Phó nói với Đại biện lâm thời Philippines Alex Chua
Bà Phó triệu ông Chua tới để đưa ra một tuyên bố rõ ràng về tình hình căng thẳng tại bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Đây là cuộc gặp thứ ba giữa hai người kể từ vụ căng thẳng trên Biển Đông. Hai lần trước là vào các ngày 15 và 18/4. "Rõ ràng là phía Philippines không nhận thấy rằng họ đang phạm những sai lầm nghiêm trọng", bà Phó nói với ông Chua.
Đáp lại tuyên bố của phía Trung Quốc, Philippines hôm 8/5 cho hay nước này đang nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. "Chúng tôi đang cố gắng thực hiện một sự khởi đầu ngoại giao mới mà chúng tôi hy vọng sẽ có ích cho tình hình hiện nay", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết khi được hỏi về phản ứng đối với phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Ông Hernandez cho biết sẽ không cung cấp thêm chi tiết về các nỗ lực của Philippines.
Nguy cơ chiến tranh?
Trong thời gian qua, trước tình hình căng thẳng gia tăng vì tranh chấp chủ quyền Scarborough/Hoàng Nham, báo chí Trung Quốc bắt đầu nói về khả năng xảy ra một cuộc chiến để giải quyết vấn đề này. Những tin đồn lan nhanh trên mạng Internet cũng cho hay Trung Quốc đã ra lệnh cho một số đơn vị quân đội nâng lên cấp hai trong 4 cấp sẵn sàng chiến tranh.
Khu trục hạm tên lửa Cáp Nhĩ Tân của hải quân Trung Quốc trong cuộc tập trận gần đây. Ảnh: Xinhua |
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó bác bỏ khả năng này. "Những thông tin cho rằng quân khu Quảng Châu, hạm đội Nam Hải và các đơn vị khác vừa bước vào tình trạng sẵn sàng chiến tranh là không đúng sự thật", thông báo ngắn trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay. Quân khu Quảng Châu là lực lượng chịu trách nhiệm cho khu vực mà Bắc Kinh hiện có căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền bãi đá Scarborough/Hoàng Nham với Manila.
Tuy nhiên, song song với việc bác bỏ khả năng chiến tranh, Trung Quốc cũng có những động thái khá rõ ràng. Khi Mỹ và Philippines cùng tập trận, hải quân Trung Quốc cũng cùng với hải quân Nga lần đầu tiên diễn tập chung. Nhiều chiến hạm của Trung Quốc được điều động tham gia cuộc diễn tập này.
Trong khi đó, giàn khoan dầu khổng lồ Ocean Oil 981 của Trung Quốc mới đây chính thức đi vào hoạt động tại phía đông của Biển Đông sau 6 năm xây dựng. Ocean Oil 981 sẽ khoan dầu tại lô Liwan 6-1-1, cách Hong Kong khoảng 300 km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines. Đây là một giàn khoan kiểu "nửa chìm nửa nổi". Nó hiện có thể hoạt động được ở độ sâu 1.500 m và được thiết kế để làm việc tốt tại độ sâu tới 2.371 m. Độ sâu giếng khoan tối đa của Ocean Oil 981 lên tới 12.000 m.
Tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cũng đang đưa tổ hợp chế biến thủy sản ra Biển Đông, trong đó giữ vị trí trung tâm là tàu Hải Nam Bảo Sa 001 có trọng tải 32.000 tấn. Cùng với một đội tàu hỗ trợ, Hải Nam Bảo Sa 001 chế biến được 2.100 tấn thủy sản mỗi ngày.
Các công ty du lịch Trung Quốc mới đây đồng loạt tạm ngừng các tour tới Philippines. Bắc Kinh còn đưa ra cảnh báo với công dân nước này đang sinh sống tại quốc đảo Đông Nam Á, đặc biệt là vào ngày diễn ra cuộc biểu tình lớn ở Manila với các khẩu hiệu đòi Trung Quốc rút tàu khỏi Scarborough/Hoàng Nham.
Căng thẳng Manila - Bắc Kinh càng được chú ý khi một người dẫn chương trình của đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) lỡ lời coi Philippines là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Tranh chấp chủ quyền bãi đá Scarborough/Hoàng Nham giữa Philippines và Trung Quốc đã kéo dài hơn một tháng mà chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Những diễn biến tiếp theo của vụ việc này chắc chắn sẽ còn thu hút sự chú ý của dư luận.
Phan Lê