Chiến dịch giải cứu đội bóng Lợn Hoang mắc kẹt trong hang Tham Luang đã đưa 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên từ cõi chết trở về, nhưng đồng thời cũng góp phần cứu vớt một thứ khác: đó là danh tiếng của chính quyền quân sự Thái Lan, theo Business Insider.
Quân đội Thái Lan dưới sự lãnh đạo của tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha năm 2014 tiến hành một cuộc đảo chính không đổ máu, lật đổ chính quyền dân sự được bầu từ năm 2011 và khiến thủ tướng bị phế truất Yingluck Shinawatra phải trốn ra nước ngoài. Kể từ đó, chính quyền quân sự được thành lập và ban bố lệnh thiết quân luật, cấm các cuộc tụ tập đông người, bắt hơn 100 người với tội danh khi quân và đóng cửa nhiều cơ quan báo chí chỉ trích cách điều hành đất nước của các tướng quân đội.
Chính quyền quân sự Thái Lan cam kết sẽ sớm tổ chức tổng tuyển cử để thành lập chính phủ dân chủ vào năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện lời hứa, khiến uy tín của Hội đồng Hòa bình và Trật tự Thái Lan (NCPO), cơ quan được quân đội lập ra để điều hành đất nước, bị giảm sút nghiêm trọng. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ chính quyền quân sự đã giảm xuống mức kỷ lục 57,3%, so với mức 70,2% vào cuối năm 2014.
Tỷ lệ ủng hộ thấp này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tranh cử của Thủ tướng Prayuth trong các cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào đầu năm sau. Tuy nhiên, chiến dịch giải cứu thành công đội bóng Lợn Hoang với sự tham gia của các tình nguyện viên quốc tế và hàng trăm đặc nhiệm tinh nhuệ của quân đội Thái Lan sẽ thổi một làn gió mới cho chính quyền của Prayuth vào thời điểm ông cần nhất.
"Chiến dịch này sẽ góp phần thúc đẩy uy tín của ông ấy", Kan Yuenyong, giám đốc tổ chức tư vấn Siam Intelligence Unit trao đổi với Reuters về Thủ tướng Prayuth. "Khi những người lính tham gia giải cứu, người dân sẽ coi quân đội là một lực lượng đáng tin cậy. Thái Lan không có các chuyên gia cứu hộ dân sự nên vào thời khắc khủng hoảng như vậy, người dân sẽ hướng về phía quân đội".
Hình ảnh những người lính đặc nhiệm SEAL của hải quân Thái Lan tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng nhí xuất hiện dày đặc trên truyền thông trong nước và quốc tế, lượng người theo dõi tài khoản của lực lượng này trên Facebook tăng đột biến, và khẩu hiệu "Hooyah" của các đặc nhiệm SEAL trở thành "khẩu quyết" của toàn bộ chiến dịch giải cứu.
Sự thành công ngoài mong đợi của chiến dịch giải cứu do quân đội Thái Lan chỉ huy này đã giúp Thủ tướng Prayuth, vốn là một tướng quân đội, xây dựng hình ảnh bản thân như một lãnh đạo đầy tiềm năng của chính phủ dân sự mới.
Năng lực chỉ huy và hoàn thành chiến dịch giải cứu một cách kịp thời, chóng vánh của quân đội Thái Lan cũng là hình ảnh trái ngược với những thay đổi chính trị chậm chạp hơn nhiều ở quốc gia này.
"Lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội, có một chức năng quan trọng là phụng sự nhân dân trong những thời khắc thảm họa như sự cố ở hang Tham Luang. Người dân có cái nhìn rất tích cực với quân đội khi họ thực hiện chức năng dân sự này", Aim Sinpeng, chuyên gia chính trị tại Đại học Sydney, nhận xét.
Bà Aim cho rằng ngoài chính quyền quân sự, Thái Lan còn là một quốc gia có mức độ "quân sự hóa" rất lớn, điều dư luận bên ngoài thường không để ý tới.
Thái Lan vẫn thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, trong đó hàng trăm nghìn thanh niên mỗi năm sẽ phải rút thăm để quyết định xem ai nằm trong số hơn 30% phải nhập ngũ. Sau hai năm phục vụ quân đội, họ được xuất ngũ và trở thành lực lượng dự bị.
Kết quả là phần lớn người Thái đều có một thành viên trong gia đình hoặc người quen đang phục vụ trong lực lượng vũ trang. Kết quả tích cực mà những người lính có được trong chiến dịch giải cứu ở hang Tham Luang sẽ đem lại cái nhìn lạc quan hơn nhiều của người dân đối với quân đội.
Tuy nhiên, chuyên gia Aim bác bỏ giả thuyết rằng Thủ tướng Prayuth đang hoặc sẽ tìm cách "nhận công" trong chiến dịch giải cứu này. "Thủ tướng đã giữ khoảng cách khá xa với chiến dịch, cho phép lực lượng đặc nhiệm tập trung vào công việc của mình mà không tìm cách can thiệp để thu lại lợi ích về hình ảnh cho chính phủ. Đây là điều mà ông ấy đáng được ghi nhận", bà nói.
Trên thực tế, Prayuth cũng không cần phải làm vậy, bởi bản thân các tin tức tốt lành từ chiến dịch giải cứu đã nâng cao tình cảm của dân chúng đối với chính quyền hiện nay, theo chuyên gia Elliot Brennan từ Viện Chính sách Phát triển và An ninh ở Thụy Điển.
"Những tin tốt như vậy đem lại lợi ích cho tất cả. Người dân Thái Lan cảm thấy hạnh phúc hơn và hài lòng hơn với hiện trạng. Điều đó đồng nghĩa với việc các ứng viên thân chính quyền quân sự sẽ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới", Brennan nói, đồng thời dự đoán NCPO sẽ sớm xúc tiến cuộc bầu cử đã bị trì hoãn bấy lâu.
Không chỉ thu được cảm tình từ dư luận trong nước, chính quyền quân sự Thái Lan còn "ghi điểm ngoại giao" với nhiều quốc gia trên thế giới đã cử tình nguyện viên tới tham gia chiến dịch giải cứu.
"Nhiều nước rất quan tâm đến cơ hội thể hiện sự ủng hộ đối với chiến dịch giải cứu này, như Mỹ, Australia, Anh, Nhật, Trung Quốc, Myanmar và Lào. Những hành động như vậy rõ ràng là một thắng lợi về quyền lực mềm trong mắt nhiều người", theo Brennan. "Bất chấp xu thế trái ngược trên thế giới, chiến dịch Tham Luang chứng minh một điều rằng quyền lực mềm và hợp tác quốc tế vẫn còn đất sống".