Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP |
Thông tin do Tân Hoa xã công bố về việc ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bầu vào Quân ủy Trung ương, cơ quan điều hành lực lượng gồm 2,3 triệu binh sĩ của Quân giải phóng Trung Quốc, không phải là một bất ngờ vì điều này đã được phỏng đoán từ trước.
Từ lâu giới truyền thông phương Tây đã nhận định Tập Cận Bình là thế hệ lãnh đạo tương lai của quốc gia đông dân nhất thế giới. BBC cho rằng, tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần có sự ủng hộ tuyệt đối của quân đội, do đó việc ông Tập bước vào Quân ủy Trung ương với ghế phó chủ tịch là một bước đi cần phải có để tiến tới vị trí lãnh đạo cao nhất.
Trong khi đó, trước khi giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản kiêm chủ tịch nước Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào cũng từng giữ vị trí như ông Tập Cận Bình trong Quân ủy Trung ương. Như vậy, hiện ông Tập là người cấp phó trên hầu hết các vị trí quan trọng cho Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương Hồ Cẩm Đào.
Việc bổ nhiệm chức vụ đảng song song với chức vụ nhà nước tại Trung Quốc được coi là bước chuẩn bị cho vị trí lãnh đạo cấp cao nhất ở nước này. Do đó sự kiện vừa diễn ra tại Bắc Kinh càng khẳng định cho dự đoán ông Tập sẽ là lãnh đạo tương lai của Trung Quốc. Còn ông Hồ Cẩm Đào sẽ rời ghế tổng bí thư vào năm 2012 và ghế chủ tịch nước một năm sau đó.
Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình (phía trước) và Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào trong một phiên họp. Ảnh: AFP. |
Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình sinh năm 1953 tại Bắc Kinh và là con trai một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun). Ông Tập cũng được đánh giá là người thành công bậc nhất trong thế hệ con cháu các nhà cách mạng tiền bối của nước này.
Ông học ngành cơ khí tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, nơi sản sinh nhiều nhà lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc như ông Hồ Cẩm Đào. Năm 1974, Tập Cận Bình gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và bắt đầu thăng tiến từ vị trí lãnh đạo đảng tại hai tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây từ năm 1982 đến 1985. Sau đó ông chuyển sang tỉnh Phúc Kiến và tiến tới chức chủ tịch tỉnh này năm 2000. Đây cũng là tỉnh ông có thời gian gắn bó lâu nhất trước khi về trung ương.
Gương mặt chống tham nhũng
Trong những năm tháng lãnh đạo tại địa phương, ông Tập nổi tiếng là người cứng rắn trong việc trừng phạt các quan chức tham nhũng. Việc ông trở thành Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến năm 2000 một phần cũng vì ông đóng vai trò quan trọng trong việc dẹp bỏ một vụ án tham nhũng lớn tại đây vào cuối những năm 90.
Sau thành công tại Phúc Kiến và một thời gian ngắn làm Bí thư tỉnh ủy Triết Giang, Tập Cận Bình được điều chuyển làm Bí thư thành ủy Thượng Hải năm 2007, sau khi người tiền nhiệm Trần Lương Vũ (Chen Liengyu) bị cách chức do tham nhũng. Đây được coi là một trong những cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Tập, vì sự điều chuyển công tác tới địa phương quan trọng hàng đầu này đã thể hiện sự tin tưởng của trung ương đối với ông.
Ngay sau khi giữ vị trí lãnh đạo đảng tại thành phố lớn nhất Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được bầu làm Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng trong năm 2007. Kể từ đây ông được nhìn nhận như một trong những gương mặt hứa hẹn nhất trong thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc.
Sự thăng tiến của ông Tập tiếp tục được đánh dấu bằng việc ông trở thành phó chủ tịch nước Trung Quốc năm 2008. Sau đó phạm vi hoạt động của ông ngày càng mở rộng hơn, gồm việc được giao trọng trách chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008 và đảm nhiệm các vấn đề liên quan đến Hong Kong và Macau.
Năm 2009, ông từng được dự đoán là sẽ có ghế trong Quân ủy Trung ương, mở đường cho việc kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào trong tương lai. Nhưng trên thực tế dự đoán này đã diễn ra chậm hơn một năm vì tới hôm qua ông mới chính thức có mặt trong Quân ủy Trung ương. Tạp chí Time của Mỹ trong năm 2009 cũng đã xếp ông Tập Cận Bình vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Bên cạnh quan điểm mạnh tay với nạn tham nhũng, Tập Cận Bình còn là mẫu lãnh đạo có tư tưởng cởi mở về kinh tế. Ông đã rất nỗ lực trong việc mời gọi đầu tư nước ngoài vào hai tỉnh Triết Giang và Phúc Kiến, đặc biệt là dòng vốn từ Đài Loan, khi còn công tác tại các địa phương này.
Trong cuộc sống riêng tư, ông Tập Cận Bình được nhiều người Trung Quốc biết đến sau khi kết hôn với ca sĩ nổi tiếng Peng Liyuan năm 1987.
Đình Nguyễn