Stella Choi, hiệu trưởng của trường dạy tiếng Hàn trong một tòa tháp ở trung tâm Singapore, làm việc ngay gần khu phòng khiêm tốn của sứ quán Triều Tiên. Tuy nhiên, bà chưa gặp hay nói chuyện với bất kỳ người Triều Tiên nào hay những người đi vào sứ quán kể từ khi họ chuyển đến đây hai năm trước.
Cộng đồng nhỏ người Triều Tiên ở Singapore đã sống rất lặng lẽ trong những năm gần đây vì áp lực ngoại giao khiến việc đi lại và làm việc ở nước ngoài ngày càng khó khăn. Họ ngày càng vắng bóng khi Liên Hợp Quốc siết chặt lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Singapore là một trong những nước đã thực hiện các nghị quyết cắt giảm quan hệ thương mại, cấm giao dịch với các ngân hàng Triều Tiên và hủy giấy phép làm việc của lao động Triều Tiên.
Singapore sẽ là tâm điểm chú ý của thế giới vào tuần tới, khi họ là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Với vị thế là trung tâm thương mại và tài chính toàn cầu, Singapore từng là địa bàn hoạt động của một nhóm nhà ngoại giao và doanh nhân Triều Tiên chịu trách nhiệm về việc chuyển tiền, nhiên liệu và hàng hóa về nước. Dù vẫn duy trì quan hệ ngoại giao, sứ quán Triều Tiên sau đó đã phải di chuyển từ một tòa nhà ba tầng trong khu phố sầm uất đến cơ sở khiêm tốn hiện tại.
"Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được gặp họ. Vì quan hệ Hàn - Triều đang trở nên tốt hơn, tôi thậm chí có thể nói chuyện với họ", hiệu trưởng Choi nói về các nhân viên ngoại giao Triều Tiên.
Reuters đã nhiều lần đến thăm sứ quán Triều Tiên nhưng chỉ một lần họ được gặp bí thư thứ nhất Ri Pyong Dok, khi ông bước vào sứ quán tháng 2/2017. Trong một cuộc gọi gần đây đến đại sứ quán để hỏi về công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, nhân viên ngoại giao Triều Tiên từ chối trả lời. Có 4 quan chức Triều Tiên cùng bạn đời trong danh sách nhân viên ngoại giao và lãnh sự nước này tại Singapore.
"Các biện pháp trừng phạt và gây áp lực của Mỹ và các đồng minh chắc chắn là những yếu tố chính thúc đẩy Kim Jong-un tiếp cận thế giới bên ngoài và dẫn đến hội nghị thượng đỉnh này", Nicholas Fang, giám đốc an ninh và các vấn đề toàn cầu tại Viện Quan hệ Quốc tế Singapore, nhận định.
Triều Tiên luôn luôn quản lý chiến lược số dân sống ở nước ngoài. Họ chủ yếu gửi người đến các nước như Trung Quốc và Nga, nơi họ cảm thấy người dân sẽ không bị ảnh hưởng bởi lý tưởng phương Tây. Singapore có lẽ là nơi trung lập nhất về mặt ngoại giao mà Triều Tiên thường điều người đến. Người Triều Tiên ở đây vì lý do thương mại hơn là ngoại giao, John Kim, doanh nhân Mỹ gốc Hàn tư vấn cho một khóa đào tạo phi lợi nhuận về kinh doanh ở Triều Tiên, đánh giá.
Kim cho biết anh đã không nói chuyện với người Triều Tiên nào ở Singapore trong khoảng 5 năm. Người cuối cùng mà Kim gặp cho biết khoảng 50 người Triều Tiên hoạt động ở nước này, chủ yếu là trong các ngành công nghiệp như vận chuyển, mặc dù không có con số chính thức về quy mô của cộng đồng. Trong khi đó, có khoảng 20.000 người Hàn Quốc ở Singapore.
Một người Triều Tiên nổi tiếng từng sống ở Singapore là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un. Kim Jong-nam được cho là đã bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur năm ngoái. Khi ở Singapore, ông thường uống rượu tại một quán bar sang trọng trên đỉnh của khách sạn Marina Bay Sands hoặc tại khu karaoke của thành phố. Bạn của Kim Jong-nam mô tả ông là người rất thực tế và khiêm tốn.
Tháng 11 năm ngoái, Singapore đã dừng mọi giao dịch với Triều Tiên để tuân thủ các quy định của LHQ. Hồi tháng ba, Singapore cho biết họ đã thu hồi giấy phép lao động của tất cả người Triều Tiên còn lại trong nước.
Một người Hàn sống lâu năm ở Singapore cho biết vài năm trước ông thường thấy các nhóm người Triều Tiên đến các nhà hàng Hàn Quốc để thưởng thức thịt nướng và đôi khi nói chuyện với nhân viên hoặc thực khách Hàn Quốc khác. "Họ thoải mái và thân thiện, mặc dù đôi khi có những cuộc cãi vã nhỏ giữa người Hàn với người Triều Tiên. Điều đó phản ánh mối quan hệ kình địch giữa hai nước", ông nói.