Vai trò của đệ nhất phu nhân đối với tổng thống Mỹ là không thể phủ nhận. Vào những tháng cận kề ngày bầu cử, không chỉ nhìn vào tỷ lệ ủng hộ, người ta còn soi xét các hoạt động của đệ nhất phu nhân để đoán định khả năng tái đắc cử của những người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ.
Hillary Rodham Clinton (Đệ nhất phu nhân từ 1993 đến 2001)
Hillary và Bill Clinton trong một chuyến thăm Bostwana năm 1998, năm của vụ scandal tình ái giữa tổng thống và Monica Lewinsky. Ảnh: Theworldofhillaryclinton
Hillary Clinton là đệ nhất phu nhân đầu tiên có bằng cao học và có sự nghiệp riêng cho đến khi vào Nhà Trắng. Bà cũng là người đầu tiên có văn phòng ở phía tây Nhà Trắng bên cạnh các phòng dành cho đệ nhất phu nhân ở phía đông. Bà được coi là Phu nhân tổng thống quyền lực nhất trong lịch sử Mỹ, bên cạnh Eleanor Roosevelt. Đây là một trong những nguyên nhân giúp bà tiến xa hơn trên vũ đài chính trị sau này ở đảng Dân chủ.
Ngay từ thời gian chồng bà, William Jefferson "Bill" Clinton (lúc ấy đang là thống đốc bang Arkansas), tranh cử chức tổng thống Mỹ, Hillary Clinton đã tỏ rõ sự độc lập của mình trước giới truyền thông và người dân. Bà từng tuyên bố rằng, cách duy nhất để tránh gây rắc rối với một người ở vào địa vị của bà chỉ là "ở nhà mà nướng bánh"!
Không chỉ có thế, trên chương trình “60 Minutes” tháng 1/1992, khi được hỏi về mối quan hệ tình ái 12 năm của Bill Clinton với một phụ nữ ở Arkansas tên là Gennifer Flowers, Hillary đã nói với cử tri rằng hãy cứ bầu cho Bill theo hồ sơ lý lịch của ông, và nếu thấy không thích thì hãy "kệ đi, đừng bỏ phiếu cho ông ấy nữa". Tuy nhiên, cuối cùng Hillary đã cùng chồng thắng cuộc tranh cử năm 1992.
Trong nhiệm kỳ thứ nhất của mình, Bill Clinton đã chỉ định Hillary vào vị trí Chủ tịch nhóm công tác về cải cách chăm sóc sức khỏe. Bà đã rất thành công trong việc thúc đẩy nhận thức về các vấn đề sức khỏe của trẻ em và phụ nữ, kể cả các cựu chiến binh Chiến tranh Vùng Vịnh cùng những đối tượng ít được chú ý khác trong xã hội Mỹ vào thời điểm đó. Bà còn thực hiện nhiều hoạt động như phục chế cổ vật có tính quan trọng với lịch sử Mỹ, tạo dựng Vườn tượng gồm nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại và tổ chức nhiều sự kiện lớn.
Thế nhưng, Hillary Clinton cũng là một đệ nhất phu nhân dính vào khá nhiều tai tiếng. Bà dính vào vụ kinh doanh bất động sản thất bại Whitewater, tuy nhiên tới năm 2000 đã có một báo cáo rằng người ta không thu thập đủ bằng chứng chứng minh nhà Clinton phạm pháp. Tương tự với vụ Travelgate, bà Hillary bị kết tội tham gia đuổi việc các nhân viên Nhà Trắng để thay bằng bạn bè của nhà Clinton ở Arkansas, song một lần nữa không đủ bằng chứng. Tới vụ nữ thực tập sinh Lewinsky, có lẽ không còn gì để nói thêm, ngoại trừ việc ban đầu Hillary nhất quyết bênh vực chồng mình, vu cho lời đồn đại là do âm mưu cánh hữu, cho đến tháng 8/1998, Bill Clinton thú nhận đã nói dối về sự việc xảy ra.
Bản thân Hillary sau này cũng thừa nhận mình đã bị tổn thương ghê gớm, nhưng để bảo vệ chồng nên bà đã tuyên bố mình sẽ gắn bó với ông và rằng việc riêng tư của họ đã bị đem biến thành đòn thù chính trị - điều mà hầu hết giới truyền thông cho rằng là yếu tố lớn nhất giúp ông Clinton không phải từ chức. Bà được một số phụ nữ ngưỡng mộ vì sức chịu đựng, số khác thương cảm, một số khác nữa lại chỉ trích vì đã làm ngơ cho chồng phóng túng, một số thậm chí còn buộc tội bà níu giữ hôn nhân thất bại chỉ để nắm ảnh hưởng chính trị.
Dù sao tất cả vẫn dẫn đến sự ủng hộ tăng vọt trong dân chúng đối với Hillary Clinton - gần 70%, cao nhất từ khi Clinton xuất chính. Không phải là quá khi nói rằng bà thậm chí làm lu mờ cả chồng mình, và bây giờ Bill đang là người đàn ông đằng sau người phụ nữ thành đạt.
Laura Lane Bush (Đệ nhất phu nhân từ 2001 đến 2009)
Laura Bush cùng chồng và hai con Jenna, Barbara năm 1990. Ảnh: usembassy.state.gov |
Laura Lane Bush đối ngược với Hillary Clinton trên gần như mọi phương diện. Với Laura, chính trường bắt đầu khi bà lấy G.Bush và kết thúc khi ông rời Nhà Trắng. Tốt nghiệp Đại học Texas ở Austin, bà chỉ làm thủ thư và không có hứng thú với chính trị, đến mức khi G. Bush cầu hôn, bà đã chấp nhận với điều kiện bà sẽ không bao giờ phải nói bất cứ bài phát biểu tranh cử nào.
Trong những năm chồng làm thống đốc, bà chẳng tổ chức một sự kiện nào. Đến giữa năm 1999, G. Bush tuyên bố sẽ ra tranh cử chức tổng thống, Laura, tuy đồng ý, nhưng chưa bao giờ mơ ông sẽ làm vậy. Tất nhiên, bà đã không hoàn toàn khoanh tay đứng nhìn. Lần tranh cử thứ nhất năm 2000, bà là vợ ứng cử viên tổng thống đầu tiên có bài diễn văn trước hội nghị đề cử chồng mình. Ngoài ra, bà thường tránh rắc rối trước giới truyền thông bằng các phát biểu khôn khéo.
"Nếu như tôi có nghĩ khác chồng mình, tôi cũng không nói cho các vị biết điều đó - rất tiếc là thế", bà liếc mắt, mỉm cười và đáp khi được hỏi về ý kiến cá nhân với một quyết định của G.Bush.
Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của G.W. Bush, Laura tập trung nhiều nhất vào vấn đề giáo dục - kêu gọi trả lương giáo viên cao hơn, đào tạo nuôi dạy trẻ tốt hơn, hay tổ chức các ngày hội đọc sách và vận động thành công đạo luật "Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau" vào tháng 1/2002, cùng nhiều hoạt động gây ảnh hưởng đến cả phụ huynh. Ngoài ra, bà còn quan tâm đến lịch sử Mỹ, và đã cho thực hiện một chương trình "Bảo tồn nước Mỹ" - kế tiếp chương trình Cứu các kho tàng Mỹ của Hillary, cộng thêm việc dẫn chương trình "Nhà Trắng chào đón các tác giả Mỹ" như Mark Twain, Truman Capote hay Eudora Welty. Bà đến thăm Afghanistan để hỗ trợ giáo dục cho phụ nữ nơi đây, và làm đại sứ danh dự của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Tuy nhiên, từ sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, chưa đầy 9 tháng sau khi bà lên làm đệ nhất phu nhân, Laura mới bắt đầu bộc lộ các ý kiến về chính trị của mình một cách tự do, như về việc hôn nhân đồng tính nên là quyết định của công chúng và không nên có sự kỳ thị. Bà cũng từng có bất đồng quan điểm với chồng, chẳng hạn như ý kiến ban đầu của Bush về trùm khủng bố Osama bin Laden, cùng việc mật vụ đã không làm tròn trách nhiệm.
Laura Bush được cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Ari Fleischer cho rằng bà còn được chào đón ở nhiều nơi trên nước Mỹ hơn là bản thân George W. Bush.
"…Tôi nghĩ người ta biết với những gì ông ấy đang làm, ông đều nghĩ là tốt cho nước Mỹ, và đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố, ông làm những điều mà ông nghĩ có nghĩa vụ phải làm cho người dân nước Mỹ. Đó là để bảo vệ họ…", bà từng phát biểu với phát thanh viên kênh tin tức Fox Chris Wallace vào năm 2006, về tín nhiệm của nhân dân với Tổng thống Bush. Chính phát biểu đó đã giúp củng cố phần nào lòng tin trong dân chúng vào vị tổng thống và cuộc chiến Bush phát động. Rõ ràng, Laura Bush đã hoàn thành xuất sắc vai trò một đệ nhất phu nhân truyền thống - đứng sau và ủng hộ chồng bằng mọi cách có thể.
Michelle LaVaughn Obama (Đệ nhất phu nhân từ 2009 đến nay)
Michelle Obama khiêu vũ bên chồng. Ảnh: WhiteHouse |
Michelle Obama - phu nhân tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử. Bà được rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông ngay từ khi Barack Obama mới bắt đầu chiến dịch tranh cử, và từ đó vẫn luôn là tâm điểm chú ý của báo giới. Nhìn chung, Michelle Obama là sự tổng hợp giữa hai người tiền nhiệm của mình - Hillary Clinton và Laura Bush - rất được nước Mỹ hoan nghênh.
Về học vấn, Michelle có bằng cử nhân của Trường đại học Princeton và bằng Luật Trường Havard. Về sự nghiệp, bà đã từng làm trưởng phòng đào tạo tại Đại học Chicago, rồi đến Phó chủ tịch đặc trách đối ngoại và các vấn đề cộng đồng ở đây. Nhưng khi ông Barack tuyên bố sẽ tranh cử chức tổng thống vào năm 2008, bà rời chức vụ ở trường đại học để tham gia vào chiến dịch của chồng.
Bà được coi là "người quyết định" với lối thuyết phục cử tri tài tình. Michelle biết cách lờ đi những lời chỉ trích sai lầm, và làm theo những lời khuyên đúng đắn về phong cách trước công chúng. Hình ảnh của bà ngày càng được đánh bóng hơn, sau khi bà từ bỏ lối ăn mặc toàn hàng hiệu và giọng điệu thách thức người nghe. Cùng với sự thay đổi, tỷ lệ ủng hộ bà tăng lên.
Michelle nhanh chóng trở thành một phần của văn hóa Mỹ cùng sự đi lên trong chính trường của Obama. Báo chí và truyền thông đua nhau ca tụng bà, từ một trong "25 phụ nữ gợi cảm hứng nhất thế giới", "100 cựu sinh viên Havard", cho đến "10 người mặc đẹp nhất thế giới". Nhưng không giống như Hillary Clinton, với ảnh hưởng lớn của mình, Michelle khẳng định mình "không hề có sự hứng thú nào với chính trị" (trong phỏng vấn trên chương trình truyền hình "The View") và bà chỉ muốn tham gia vào những công việc mang lợi ích cho cộng đồng miễn không liên quan đến bầu cử.
Michelle Obama, ở cương vị đệ nhất phu nhân đã làm nhiều công tác xã hội, như đến thăm các bếp ăn từ thiện, đến thăm khu điều trị bệnh ung thư với Sarah Brown - vợ Thủ tướng Anh Gordon Brown, ủng hộ các gia đình có người tham gia quân đội và quan trọng nhất là chiến dịch chống lại nạn dịch béo phì ở trẻ em (Hãy hành động!). Bà được công chúng ủng hộ trong những nỗ lực phổ biến ăn uống lành mạnh - thay thế thực phẩm chế biến sẵn và các món ăn nhanh bằng rau quả. Thậm chí Bộ Quốc phòng Mỹ cũng hỗ trợ lời kêu gọi này của bà, vì họ đang có vấn đề lớn với việc tân binh thừa cân.
Michelle tham gia vào sự nghiệp chính trị của chồng bằng cách... không tham gia quá nhiều vào đó. Bà không có sự can thiệp nào vào đường lối lãnh đạo của Barack, cũng như không gây bất cứ sự chú ý nào ngoài những gì cần thiết để giữ vững hình ảnh "mẫu mực" của mình. Thế nhưng cũng vì thế mà tầm ảnh hưởng của bà chỉ dừng lại ở mức khiến người dân yêu quý bà, chứ chưa hẳn đã đủ để khiến họ yêu quý chồng bà hơn nữa.
Tuy nhiên không ai có thể chối cãi rằng những bài phát biểu của Michelle, ví dụ như tại Hội nghị đảng Dân chủ quốc gia vào đầu tháng 9/2012, đều rất cảm động và được lòng dân chúng. Một điều nữa là bà và Obama từ đầu đã gần gũi với tầng lớp trung lưu hơn là đối thủ Mitt Romney, một thương gia giàu có. Song với quá nhiều lời hứa mà ông Barack chưa thực hiện nổi, ảnh hưởng và sự được yêu quý của Michelle có thể cũng không làm được gì nhiều dẫu bà luôn luôn sát cánh bên chồng.
Theo An ninh Thế giới