Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh chính thức được chuyển giao và ra mắt hôm 25/9, với sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo cấp cao của nước này. Dù còn nhiều hạn chế, nhưng hàng không mẫu hạm này được đánh giá là "bước chạy đà" để Trung Quốc tiến tới việc tự sản xuất các tàu sân bay trong tương lai. Tàu sân bay Liêu Ninh chính thức hoạt động trong bối cảnh Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với một số nước láng giềng tại Biển Đông và biển Hoa Đông, khiến dư luận quốc tế càng thêm phần chú ý tới chiến hạm được mua lại từ Ukraina này. Ảnh: CNR |
Cùng với việc cho ra mắt tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc cũng thành công trong việc chế tạo máy bay chiến đấu J-15 chuyên hoạt động cùng hàng không mẫu hạm này. Quân đội Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm cất và mới đây nhất là hạ cánh thành công J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Xinhua |
Một loại tàu chiến từng bị loại bỏ do chi phí cao nay lại được đổ tiền để phát triển, vì được coi là một phần trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Chiến hạm lớp Zumwalt có thể di chuyển dưới nước với lớp vỏ chống thấm, các khoang bằng nhựa tổng hợp, và được trang bị lực đẩy dẫn động diện, hệ thống định vị dưới nước tiên tiến, các tên lửa, hỏa tiễn mạnh có thể bắn đầu đạn xa tới 160 km. Khu trục hạm này dài và nặng hơn bất cứ tàu khu trục nào mà Mỹ hiện có, nhưng lại chỉ cần số thủy thủ bằng một nửa nhờ vào những hệ thống tự động hóa. Đồ họa: AP Xem thêm: Mỹ đổ tiền chế tạo chiến hạm tàng hình |
Một chiếc máy bay siêu thanh mang tên Wave Rider hay X-51A, với khả năng bay từ bờ tây sang đông nước Mỹ trong khoảng một giờ, đã được thử nghiệm hồi tháng 8. Nó được lắp dưới cánh của máy bay ném bom B-52. Mỹ hy vọng máy bay WaveRider X-51A có thể bay trong khoảng 5 phút với vận tốc Mach 6, tương đương 7.000 km/giờ. Chưa có máy bay nào loại này có thể đạt được mục tiêu này trước đây. Tuy nhiên X-51A đã mất kiểm soát do "lỗi điều khiển cánh" và vỡ tan thành nhiều mảnh trên Thái Bình dương chỉ 31 giây sau khi được phóng đi. Ảnh: NASA Xem thêm: Mỹ thử nghiệm phi cơ siêu thanh / Phi cơ siêu thanh Mỹ vỡ tan |
Hồi tháng 9, hải quân Anh lần đầu tiên công bố những bức ảnh về chiếc tàu ngầm hạt nhân có giá trị cả tỷ USD mang tên Ambush. Ambush được coi là loại tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất trên thế giới. Nó vừa có chuyến hành trình đầu tiên từ xưởng đóng tàu Barrow-in-Furness. Đây là chiếc tàu ngầm lớp Astute thứ hai của hải quân Anh trong số 7 chiếc được lên kế hoạch chế tạo. Xem thêm: Hải quân Anh khoe tàu ngầm tỷ USD |
Ấn Độ hôm 19/4 bắn thử thành công tên lửa Agni-V từ bệ phóng ở bang Orissa, phía đông nước này. Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V có tầm phóng hơn 5.000 km, có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng đến 1,5 tấn. Loại hoả tiễn này có chiều dài 17,5 m, dùng nhiên liệu rắn, có 3 tầng và nặng 50 tấn. Ấn Độ đã tiêu tốn 480 triệu USD để phát triển tên lửa này. Với tầm bắn hiện có, Agni-V có thể vươn tới bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Trung Quốc, nước láng giềng của Ấn Độ. Ảnh: AP |
Quân đội Trung Quốc thử nghiệm thành công máy bay chiến đấu tàng hình mới mang tên J-21, để trở thành nước thứ hai sau Mỹ sở hữu hai loại chiến đấu cơ tàng hình hiện đại thuộc thế hệ thứ 5. Trước đó, Trung Quốc đã liên tiếp thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình J-20. Tuy nhiên, J-21 của Trung Quốc bị cho là một bản sao của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ chế tạo. Ảnh: Huanqiu |
Hải quân Nga hồi tháng 6 cho biết tên lửa đạn đạo tân tiến nhất của nước này Bulava đã được đưa vào sử dụng trên thực tế, sau nhiều lần thử nghiệm thất bại. Tên lửa đạn đạo Bulava (SS-NX-30) do Viện Công nghệ Nhiệt Moscow phát triển từ năm 1998, có khả năng mang tới 10 đầu đạn hạt nhân siêu thanh riêng rẽ có điều khiển và đạt tầm phóng trên 8.000 km. Tên lửa đạn đạo ba tầng được thiết kế để triển khai trên tàu ngầm hạt nhân lớp Borey. Các cuộc phóng thử tên lửa Bulava được bắt đầu từ năm 2004. Tuy nhiên, 6 trong số tổng cộng 18 lần bắn thử đã thất bại. Đặc biệt, các cuộc phóng thử thành công chỉ được ghi nhận từ tháng 10/2010. Quân đội Nga xác nhận các vụ phóng thử thất bại có nguyên nhân từ yếu tố con người. Ảnh: RIA Novosti |
Tên lửa Unha-3 (Ngân Hà-3) của Triều Tiên được phóng thành công hôm 12/12 và đưa được vệ tinh Kwangmyongsong-3 (Quang Minh Tinh-3) vào quỹ đạo. Triều Tiên khẳng định vụ phóng tên lửa và vệ tinh này là vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác cho rằng đây thực chất là một cuộc thử công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa. Ảnh: Xinhua |
Hà Giang