Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro ngày 4/8 bị ám sát hụt bằng máy bay không người lái mang thuốc nổ trong cuộc diễu binh tại thủ đô Caracas. Giới chức Venezuela sau đó tuyên bố đã tìm ra kẻ chủ mưu đứng sau vụ tấn công cũng như các đồng phạm giúp sức, tuyên bố sẽ săn lùng tận gốc những kẻ có liên quan.
Đây không phải là lần đầu tiên một lãnh đạo quốc gia thoát chết trong các âm mưu ám sát nhắm vào mình, theo Sputnik.
Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa cũng từng là mục tiêu bị ám sát khi phát biểu trước đám đông hồi tháng 6. Một quả lựu đạn đã phát nổ khi Mnangagwa rời khỏi bục phát biểu tại Bulawayo, thành phố lớn thứ hai của Zimbabwe. Mnangagwa an toàn, nhưng một số người đi cùng ông, trong đó có hai phó tổng thống bị thương, còn hai nhân viên an ninh thiệt mạng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng là mục tiêu bị nhắm đến khi ông đi vận động tranh cử tại Las Vegas, Nevada với tư cách là ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2016. Công dân người Anh Michael Steven Sandford, 20 tuổi, đã tìm cách cướp súng của một cảnh sát để bắn ông, nhưng lập tức bị lực lượng an ninh khống chế.
Trump dường như không bối rối trước vụ việc. Ông nói với đám đông: "Chúng ta yêu mến các cảnh sát!" và cảm ơn lực lượng an ninh trước khi tiếp tục bài phát biểu. Sandford bị trục xuất về Anh vào tháng 5/2017, sau khi bị giam gần một năm.
Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush cũng từng bị tấn công ở nước ngoài. Khi ông đang phát biểu tại Quảng trường Tự do ở Tbilisi, Gruzia vào tháng 5/2005, người đàn ông có tên Vladimir Arutyunian ném một quả lựu đạn vào nơi Bush và Tổng thống nước chủ nhà Mikheil Saakashvili đang ngồi. Lựu đạn rơi vào đám đông cách bục khoảng 20 m, trúng vào một cô gái nhưng không phát nổ.
Cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher và các thành viên nội các trở thành mục tiêu đánh bom của nhóm Quân đội Cộng hòa Ireland lâm thời (tổ chức hoạt động năm 1969-1988 với mục tiêu chấm sứt sự kiểm soát của Anh với Bắc Ireland) khi họ ở tại khách sạn Grand Brighton ở Anh tháng 10/1984. Bà Thatcher thoát chết, nhưng 5 người liên quan đến đảng Bảo thủ thiệt mạng, 31 người bị thương trong vụ đánh bom.
Tháng 8/1974, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Park Chung-hee đang phát biểu tại Nhà hát Quốc gia Seoul thì người đàn ông tên là Mun Se-gwang bắn súng vào ông từ hàng ghế đầu. Phát súng đi chệch vào phu nhân Yuk Young-soo khiến bà thiệt mạng. Mun bị treo cổ trong một nhà tù Seoul 4 tháng sau đó.
Vào ngày giỗ đầu của vợ, ông Park viết trong nhật ký: "Tôi cảm thấy như thể đã mất tất cả mọi thứ trên đời. Tất cả trở thành gánh nặng. Trong một năm qua, tôi đã thầm khóc không biết bao nhiêu lần".
Tuy sống sót qua âm mưu này, Park Chung-hee cuối cùng vẫn là nạn nhân trong vụ ám sát bởi bạn thân Kim Jae-gyu, giám đốc cơ quan tình báo Hàn tại Seoul vào tháng 10/1979. Kim Jae-gyu bị xử tử vào năm 1980.
Không chỉ có các nguyên thủ, nhiều chính trị gia ở các nước cũng trở thành mục tiêu trong các âm mưu ám sát của những người bất đồng chính kiến. Tháng 1/2013, một người xông lên sân khấu và dí súng vào đầu chính trị gia Bulgaria Ahmed Dogan khi ông đang phát biểu. Ông đã ngay lập tức phản công, cố gắng giằng súng của đối phương trước khi các vệ sĩ chạy đến hỗ trợ. Cảnh sát sau đó xác định kẻ tấn công mang súng nạp đạn mã tử không gây sát thương. Y lĩnh 3,5 tháng tù giam.