Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh từ ngày 18/10, bầu ra Bộ Chính trị gồm 25 thành viên. Từ cơ quan này, 7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, tức 7 lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc, sẽ được chọn ra.
Trung Quốc có quy định về tuổi tác là các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị CPC từ 68 tuổi trở lên sẽ không tiếp tục nắm giữ quyền lực. Trong số 7 lãnh đạo hiện nay, chỉ có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường là đáp ứng điều kiện về tuổi, 5 ủy viên còn lại có khả năng sẽ nghỉ hưu.
Các nhà quan sát chính trị đã xác định một số gương mặt nhiều tiềm năng vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, tham gia thế hệ lãnh đạo thứ sáu của Trung Quốc, theo Bloomberg.
Lật Chiến Thư, 67 tuổi
Ông Lật Chiến Thư là Chánh văn phòng Trung ương đảng và là ủy viên Bộ Chính trị. Với cương vị này, ông Lật là trợ lý cho Chủ tịch Tập Cận Bình trong một loạt vấn đề, từ ngoại giao tới kinh tế và cải cách pháp lý. Ông Lật cũng luôn tháp tùng ông Tập trong các chuyến đi trong và ngoài nước.
Ông Lật còn là Chánh văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia do ông Tập sáng lập. Lật Chiến Thư hiện 67 tuổi, vì vậy, kỳ đại hội năm nay là cơ hội cuối cùng của ông để vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Hàn Chính, 63 tuổi
Ông Hàn Chính là Bí thư Thành ủy Thượng Hải và là ủy viên Bộ Chính trị. Ông từng giữ chức thị trưởng Thượng Hải năm 2003 - 2012.
Dưới sự dẫn dắt của ông Hàn, Thượng Hải đã trở thành một trong những thành phố hiện đại nhất châu Á, bao gồm việc cải tổ cơ sở hạ tầng trị giá 44 tỷ USD. Tuy nhiên, ông cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá bất động sản. Thượng Hải được coi là một trong những bệ phóng để các quan chức vươn đến những vị trí hàng đầu. Ông Tập cũng từng giữ chức bí thư thành ủy Thượng Hải năm 2007.
Uông Dương, 62 tuổi
Ông Uông Dương là Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc và là ủy viên Bộ Chính trị.
Ông từng là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh năm 2005 - 2007 và là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông năm 2007 - 2012. Ông Uông được đánh giá đi tiên phong trong việc cải cách tỉnh Quảng Đông, thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh này bằng cách giảm lệ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa giá rẻ và chuyển sang các ngành công nghệ cao thân thiện với môi trường.
Vương Hỗ Ninh, 62 tuổi
Ông Vương Hỗ Ninh là Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Trung Quốc và là ủy viên Bộ Chính trị.
Từng làm cố vấn cho hai người tiền nhiệm của ông Tập, đồng thời có kiến thức chuyên sâu về xã hội Mỹ, ông Vương quen biết nhiều học giả và quan chức Mỹ. Dù không nắm trong tay quyền lực lớn, ông Vương là chuyên gia có uy tín tại Trung Quốc về lý luận và thực tiễn chính trị.
Triệu Lạc Tế, 60 tuổi
Ông Triệu Lạc Tế là Trưởng ban Tổ chức Trung ương và là Ủy viên Bộ Chính trị. Cơ quan của ông phụ trách việc bổ nhiệm nhân sự đảng trong hệ thống quốc gia và biên soạn các báo cáo chi tiết về các nhà lãnh đạo tiềm năng của đảng.
Ông Triệu từng là Tỉnh trưởng tỉnh Thanh Hải và Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây. Kinh tế Thanh Hải đã phát triển gấp đôi trong 7 năm ông làm lãnh đạo.
Hồ Xuân Hoa, 54 tuổi
Ông Hồ Xuân Hoa là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông và là ủy viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị.
Hồ Xuân Hoa từng công tác tại Tây Tạng một thời gian dài và thăng tiến trong đảng một phần thông qua đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc. Ông trở thành tỉnh trưởng trẻ nhất Trung Quốc khi giữ chức tỉnh trưởng Hà Bắc vào năm 2008. Sau đó, ông được thăng làm Bí thư khu ủy Nội Mông vào năm 2009. Do có độ tuổi tương đối trẻ nên ông được cho là "ngôi sao đang lên" trên chính trường Trung Quốc.
Trần Mẫn Nhĩ, 57 tuổi
Trần Mẫn Nhĩ hồi tháng 7 được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh thay Tôn Chính Tài, người bị điều tra tham nhũng. Ông Trần cũng được coi là "ngôi sao đang lên" của chính trường Trung Quốc.
Từ tháng 5/2007 đến 1/2012, Trần Mẫn Nhĩ giữ chức Phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang, làm việc dưới quyền ông Tập Cận Bình khi đó là Bí thư tỉnh.
Tháng 11/2012, ông Trần Mẫn Nhĩ được bầu làm Chủ tịch tỉnh Quý Châu. Tháng 7/2015, ông Trần được chỉ định làm Bí thư tỉnh này và trở thành một trong những bí thư tỉnh ủy trẻ nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, khác với các quan chức kể trên, ông Trần không phải là ủy viên Bộ Chính trị. Theo quy trình thăng tiến thông thường, ông Trần phải vào Bộ Chính trị trước khi được bổ nhiệm vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.
"Dưới sự quản lý của ông Trần, sự phát triển của Quý Châu đã phần lớn đáp ứng các yêu cầu của ông Tập. Ông Trần đã đạt được những thành tích có thể giúp ông được cân nhắc để thăng tiến", Chen Daoyin, chuyên gia phân tích chính trị của Thượng Hải, nhận xét.
Phương Vũ