Trong lúc Washington và Bình Nhưỡng chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ba người Mỹ là các "tù nhân chiến tranh" đang bị Triều Tiên bắt giữ, gồm Kim Hak-song, Kim Dong-chul và Tony Kim, có thể khiến cục diện cuộc gặp thay đổi, theo Washington Post.
Tổng thống Trump giờ đây dường như tràn đầy tự tin rằng ông có thể thay đổi số phận của ba người này. Trên mạng xã hội Twitter, ông úp mở: "Như mọi người đều biết, những chính quyền Mỹ trước đây từ lâu đã yêu cầu Triều Tiên trao trả tự do cho ba con tin bị giam giữ tại các trại lao động, nhưng vô ích. Hãy chờ xem!".
Thực tế, hai trong ba tù nhân mà Tổng thống Trump đề cập tới chỉ mới bị bắt sau thời điểm ông lên nắm quyền. Ngày 3/5, cựu thị trưởng New York Rudolph W. Giuliani, nay là thành viên đội ngũ pháp lý hỗ trợ Tổng thống Trump, tiếp tục gây tò mò khi ám chỉ về khả năng các tù nhân Mỹ được trả tự do trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News. "Chúng ta đã khiến Kim Jong-un đủ ấn tượng để thả ba tù nhân", ông Giuliani nói.
Hôm qua, Tổng thống Trump tái khẳng định cam kết giải cứu ba tù nhân Mỹ: "Chúng tôi đang liên lạc thường xuyên với giới lãnh đạo. Chúng tôi đang liên lạc thường xuyên với Triều Tiên".
Dưới đây là chân dung ba người:
Kim Hak-song
Kim Hak-song, nhà tư vấn về nông nghiệp, bị giới chức Triều Tiên bắt hồi năm ngoái với cáo buộc lên kế hoạch thực hiện "hành vi thù địch", một thuật ngữ mơ hồ Bình Nhưỡng sử dụng đối với các cá nhân được cho là có âm mưu lật đổ chính quyền Triều Tiên.
Thông tin về Kim Hak-song không có nhiều. Ông dường như sinh ra ở Trung Quốc nhưng đến Mỹ và trở thành công dân Mỹ. Kim Hak-song sau đó trở về khu vực Diên Cát, một trung tâm giao lưu thương mại giữa Trung Quốc với Triều Tiên.
Theo BBC, Kim Hak-song đã có thời gian sống tại thủ đô của Triều Tiên, hợp tác với Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST), một tổ chức tư nhân thành lập năm 2010 và được tài trợ bởi các nhóm Công giáo, vốn bị kiểm soát chặt chẽ ở Triều Tiên.
Kim Dong-chul
Kim Dong-chul bị bắt hồi tháng 10/2015. Ông là người duy nhất trong ba tù nhân Mỹ rơi vào tay Triều Tiên trước khi Tổng thống Trump nhậm chức.
Kim Dong-chul, ngoài 60 tuổi, từng là cư dân bang Virginia, Mỹ, nhưng sống tại thị trấn Diên Cát, Trung Quốc, gần biên giới Triều Tiên, trước lúc bị bắt. Ông được cho là đã tới Diên Cát từ năm 2001 và làm việc cho một công ty dịch vụ khách sạn.
Triều Tiên kết án Kim Dong-chul 10 năm tù với cáo buộc gián điệp và âm mưu lật đổ chính quyền.
Tony Kim
Tony Kim, 59 tuổi, mang quốc tịch Mỹ nhưng sinh ra tại Hàn Quốc. Ông đã dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Diên Biên ở Diên Cát trong hơn 15 năm. Đại học này có liên kết với PUST.
Kim từng nhiều lần tới Triều Tiên để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo và dạy học, theo phóng viên Anna Fifield từ Washington Post. Lần gần đây nhất, ông dạy một khóa về quản lý và tài chính ở Bình Nhưỡng khoảng vài tuần.
Tony Kim bị bắt ngày 22/4/2017 khi đang cố rời khỏi Triều Tiên cùng vợ. Vợ ông hiện đã về Mỹ. Tony Kim cũng bị cáo buộc có "hành vi thù địch" và âm mưu lật đổ chính quyền.
Trong một video đăng trên mạng xã hội giữa lúc căng thẳng Mỹ - Triều gia tăng, Sol Kim, con trai Tony Kim, đã gửi lời tới cha: "Chúng tôi muốn nói với cha rằng cha sắp lên chức ông. Anh trai và chị gái tôi, họ đều chuẩn bị sinh con đầu lòng", Sol Kim cho hay.
Giờ đây, cậu sắp có thể tự mình nói với cha, nếu cam kết mà Tổng thống Mỹ đưa ra là thật.
Vũ Hoàng