Thợ lặn luồn lách trong hang thiếu niên Thái Lan mắc kẹt.
Nỗ lực quốc tế nhằm giải cứu 12 thành viên đội bóng nhí Lợn Hoang của Thái Lan cùng huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang hơn hai tuần qua đã đạt "thành công ngoài mong đợi", theo như lời Tỉnh trưởng Chiang Rai Narongsak Osottanakorn. Chiến dịch giải cứu đã đưa được 8 người ra khỏi hang an toàn. Các công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiếp theo đang được thực hiện.
Góp phần không nhỏ vào thành công của chiến dịch giải cứu đầu tiên là sự nỗ lực và tham gia tích cực của đội ngũ thợ lặn, dù họ biết mỗi lần đi vào hang là một lần đối diện với nguy hiểm, có thể mất mạng nếu bất cẩn, theo ABC News.
Nổi bật trong lực lượng cứu hộ là nhóm đặc nhiệm Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) thuộc hải quân Thái Lan. Họ là những binh sĩ được huấn luyện khắt khe, chuyên đảm nhận những nhiệm vụ khẩn cấp và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho các thiếu niên bị mắc kẹt.
"Lực lượng SEAL đã quen với việc liều mình cho mạng sống của người khác", Don Mann, cựu đặc nhiệm SEAL hải quân Mỹ, cho hay. "Họ luôn luôn như vậy. Đó là lý do vì sao họ đăng ký gia nhập lực lượng. Ngay cả khi huấn luyện, họ cũng đối mặt với rủi ro đe dọa tới tính mạng".
Chuyên gia nhận định sứ mệnh giải cứu đội bóng nhí Lợn Hoang, ngay cả với những thợ lặn nhiều năm kinh nghiệm, được đào tạo chuyên nghiệp, cũng là điều vô cùng khó khăn.
"Dù bạn là thợ lặn SEAL hải quân hay thợ lặn bình thường nhưng đã trải qua các khóa huấn luyện giải cứu, nó thực sự chẳng đáng kể so với những gì họ phải đương đầu trong quá trình giải cứu", Mann nhấn mạnh.
Hành trình gian nan thoát khỏi hang của đội bóng nhí Thái Lan.
"Các thợ lặn có kỹ năng tốt nhưng lũ trẻ tội nghiệp kia, chúng phải học bơi và lặn trong khoảng thời gian quá ít ỏi", ông nói. "Mỗi em có hai thợ lặn trợ giúp lúc bơi khỏi hang nhưng họ phải bơi qua những không gian vô cùng chật hẹp và tối tăm. Khi ấy, cảm giác sợ hãi trong không gian hẹp sẽ lấn át tâm trí. Đấy là một cảm giác vô cùng tồi tệ".
Trước thành công của chiến dịch giải cứu đầu tiên, đã có một cựu đặc nhiệm SEAL Thái Lan tử nạn trong quá trình làm việc ở hang Tham Luang. Saman Kunan, 37 tuổi, thiệt mạng vì thiếu oxy khi đang làm nhiệm vụ đặt các bình khí dọc đoạn đường khoảng 3,2 km trong hang Tham Luang để phục vụ công tác cứu hộ đội bóng nhí.
Cái chết của ông là thương vong đầu tiên trong chiến dịch giải cứu các thiếu niên mắc kẹt. Nó làm bật lên sự nguy hiểm trong mỗi hành trình vào và ra khỏi hang, thậm chí với người dày dạn kinh nghiệm.
Theo Mann, "dũng cảm" và "không vì bản thân" là hai tính từ phù hợp nhất dành cho những người tham gia nỗ lực giải cứu các thành viên đội bóng nhí Thái Lan. "Họ dấn thân tham gia một sứ mệnh giải cứu mà tất cả đều biết rằng có thể họ sẽ phải liều tính mạng của chính mình để đánh đổi cho mạng sống người khác", ông chia sẻ.