Từ chối được trả tự do sớm
Trước khi hoạt động chính trị, John McCain là phi công hải quân Mỹ tham gia chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam. Cường kích của McCain bị bắn rơi ngày 26/10/1967, ông bị bắt làm tù binh và bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Một năm sau, McCain bất ngờ được đề nghị phóng thích sớm. Tuy nhiên, để thể hiện sự tôn trọng luật lệ dành cho tù nhân chiến tranh, theo đó các sĩ quan được thả theo thứ tự bị bắt, ông đã từ chối, theo Guardian.
"Tôi biết rằng họ sẽ không đề nghị điều đó nếu tôi không phải con trai của một đô đốc. Tôi chỉ không nghĩ rằng đó là hành động thể hiện sự tôn trọng", McCain phát biểu trước đảng Cộng hòa tại bang Arizona vào năm 2007. McCain cuối cùng được trao trả theo điều khoản của Hiệp định Paris vào tháng 3/1973, sau hơn 5 năm bị giam.
Cáo buộc tham nhũng
Năm 1989, McCain vướng vào bê bối tham nhũng với 4 thượng nghị sĩ khác. Họ bị cáo buộc gây áp lực cho các nhà quản lý liên bang nhằm ngăn chặn cuộc điều tra về Charles Keating, nhà tài phiệt quyên góp cho quỹ vận động chính trị của họ, dẫn tới "cuộc khủng hoảng tín dụng" thời kỳ đó.
Cả 5 thượng nghị sĩ cuối cùng đều không bị truy tố. Tuy nhiên, McCain bị ủy ban đạo đức của Thượng viện khiển trách vì đưa ra "phán xét sai lầm". Dù sau đó McCain đã nỗ lực cải cách chính sách tài chính trong các chiến dịch tranh cử, ông vẫn cho rằng sự cố này vĩnh viễn để lại "dấu ấn xấu trong hồ sơ" của mình.
Tranh cãi về cờ Liên minh miền Nam
Thượng nghị sĩ McCain từng bày tỏ quan điểm rằng lá cờ của Liên minh miền Nam trong thời kỳ nội chiến Mỹ (1861 – 1865), là "biểu tượng của phân biệt chủng tộc và chế độ nô lệ".
Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên vào năm 2000, McCain lại nói đó là một "di sản" bởi ông lo ngại việc lên án lá cờ có thể làm phật lòng các cử tri đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ sau đó đã xin lỗi vì sự không nhất quán trong quan điểm của mình.
Quyết định sai lầm trong chiến dịch tranh cử lần hai
Ngày 29/8/2008, McCain giới thiệu với đám đông tại thành phố Dayton, bang Ohio, rằng Thống đốc Alaska Sarah Palin là "phó tổng thống tiếp theo của Mỹ". Giới phê bình cho biết quyết định chọn Palin làm người đồng hành trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với Barack Obama của McCain đã khiến đảng Cộng hòa thất vọng, mở đường cho "sự trỗi dậy" của Donald Trump, bởi bà Palin bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm trên chính trường.
"Tôi nghĩ rằng McCain không nhận thức được điều này vào thời điểm đó, nhưng ông ấy đã khơi dậy tình trạng chủ nghĩa chống trí thức và không tôn trọng sự thật vốn đang lây lan trong đảng Cộng hòa", nhà báo David Brooks của New York Times cho biết trong bộ phim tài liệu về McCain do hãng HBO sản xuất.
Trong bộ phim tài liệu, Thượng nghị sĩ cũng nói rằng ông hối tiếc vì đã không chọn Joe Lieberman, một người bạn và là chính trị gia độc lập, trở thành người đồng hành tranh cử. Tuy nhiên, ông vẫn bảo vệ Palin và bác bỏ những lời chỉ trích.
Bảo vệ và công nhận đối thủ
Khi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 bước vào giai đoạn nước rút, tại cuộc vận động ở bang Minnesota, một người ủng hộ McCain nói với ông rằng bà lo ngại Obama đắc cử bởi nghe đồn ứng viên đảng Dân chủ là "một người Arab".
"Không phải, thưa bà", McCain trả lời người phụ nữ. "Obama là công dân gương mẫu, người đàn ông tốt của gia đình. Chỉ là tôi và ông ấy bất đồng trong một số vấn đề cơ bản. Đó là nội dung của chiến dịch này. Ông ấy không phải người Arab".
Vào tháng 11/2008, trước hàng nghìn người ủng hộ tại thành phố Phoenix, bang Arizona, McCain đã chúc mừng chiến thắng của Obama và kêu gọi đất nước ủng hộ lãnh đạo mới. Thượng nghị sĩ thậm chí thừa nhận tầm quan trọng mang tính lịch sử của việc Obama đắc cử đối với một quốc gia phải trải qua chế độ nô lệ và từng chia rẽ sâu sắc về vấn đề chủng tộc.
Cải cách nhập cư
Trong một đoạn quảng cáo dài 30 giây năm 2010, McCain bất ngờ kêu gọi xây dựng hàng rào an ninh tại biên giới phía nam, cho phép cảnh sát chặn những người bị nghi ngờ nhập cư bất hợp pháp, sau nhiều năm thúc đẩy cải cách nhập cư.
Sự việc này khiến hình ảnh một thượng nghị sĩ cứng rắn dám quay lưng với đảng của mình bỗng chốc biến mất và khiến McCain bị dư luận chế giễu. Giới phê bình cáo buộc hành động của McCain là chủ nghĩa cơ hội trong chính trị, đi ngược với quá trình đấu tranh lâu dài về nhập cư của ông.
Ủng hộ công bố báo cáo về tra tấn
Thượng nghị sĩ McCain từng kiên quyết bảo vệ quyết định công bố báo cáo về tra tấn năm 2014 của Thượng viện, trong đó nêu chi tiết các phương pháp tra khảo được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) áp dụng kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Báo cáo chứa những bí mật quan trọng về cách thức tra tấn của cơ quan này, cho thấy họ mạnh tay hơn so với những gì từng được biết.
Bỏ phiếu chống bãi bỏ Obamacare
Dù trước đó bị chẩn đoán mắc ung thư não, McCain vẫn tới Thượng viện vào ngày 28/7/2017 để bỏ phiếu chống lại việc thông qua dự luật bãi bỏ Obamacare, khiến Tổng thống Donald Trump không thực hiện được lời hứa lúc tranh cử của mình. Tổng thống Trump sau đó ra lời kêu gọi McCain rút phiếu chống, nhưng ông đã bác bỏ.
Trong một bài phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, McCain kêu gọi chấn chỉnh lại Thượng viện để chấm dứt tình trạng rối ren, đồng thời tăng cường hợp tác trong các vấn đề quan trọng.
Lên án 'chủ nghĩa dân tộc nửa vời'
Thượng nghị sĩ McCain có mối quan hệ lạnh nhạt với Trump, và là một trong những thành viên đảng Cộng hòa đi đầu trong nỗ lực ngăn chặn Trump lên nắm quyền. Khi còn là ứng viên tổng thống, Trump tuyên bố ông không coi McCain là anh hùng chiến tranh và "thích những người không bị bắt hơn", ám chỉ việc McCain từng làm tù binh ở Việt Nam.
Thượng nghị sĩ kịch liệt phản đối chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống, cho rằng nó dẫn đến xung đột giữa Mỹ với các đồng minh.
Trong bài diễn văn nhận Huân chương Tự do tại Philadelphia vào tháng 10/2017, McCain đã bảo vệ các giá trị mà ông theo đuổi từ lâu, những điều mà ông cho rằng đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa dân túy ngày càng tăng của Trump.
"Việc lo ngại thế giới mà Mỹ đã dẫn dắt trong 3/4 thế kỷ, từ bỏ những lý tưởng chúng ta đã thúc đẩy trên toàn cầu, từ chối nghĩa vụ lãnh đạo quốc tế vì lợi ích của chủ nghĩa dân tộc giả mạo, nửa mùa là hành động phi ái quốc", McCain nói.
Sau hơn một năm chống lại căn bệnh ung thư, Thượng nghị sĩ McCain trút hơi thở cuối cùng tại Arizona vào chiều 25/8. Linh cữu của McCain sẽ được quàn tại Tòa nhà nghị viện bang Arizona và Tòa nhà Quốc hội Mỹ để người dân tới viếng, sau đó lễ an táng sẽ diễn ra tại Học viện Hải quân ở bang Maryland vào ngày 2/9.
Ánh Ngọc