Sáng 13/1, một tin nhắn bất ngờ được gửi tới tất cả người dân trên đảo Hawaii: "Mối đe dọa tên lửa đạn đạo đang hướng tới Hawaii. Hãy đi trú ẩn ngay. Đây không phải diễn tập".
Dòng tin nhắn lập tức phủ bầu không khí hoảng loạn lên toàn bộ hòn đảo, nhiều người đã tính đến chuyện nói lời từ biệt gia đình, bạn bè. Nhưng 38 phút sau, họ nhận một thông báo khác: "Không có mối đe doạ hay nguy hiểm nào với bang Hawaii. Nhắc lại. Báo động giả".
Một nhân viên Cơ quan Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp Hawaii đã "ấn nhầm nút" và tải thông báo giả lên hệ thống. Sự việc trên được xem là hy hữu. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên nước Mỹ phải "dựng tóc gáy" vì những cảnh báo tên lửa nhầm như vậy, theo New York Times.
Mặt Trăng đánh lừa radar
Ngày 5/10/1960, một báo động giả được phát đi sau khi hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ ở Greenland truyền tin về Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) rằng đã phát hiện hàng chục tên lửa Liên Xô đang hướng tới Mỹ.
NORAD lúc bấy giờ nâng mức cảnh báo lên tối đa. Song nhà chức trách Mỹ sau đó nhận ra rằng hệ thống radar họ vận hành đã bị đánh lừa bởi "Mặt Trăng mọc ở Na Uy".
6 phút hoảng loạn vì một đoạn băng tập trận
Các máy tính ở NORAD ngày 9/11/1979 ghi nhận tín hiệu Mỹ đang bị tấn công bởi tên lửa phóng từ tàu ngầm Liên Xô. Quân đội Mỹ nhanh chóng triển khai 10 hệ thống đánh chặn tại ba căn cứ ở Mỹ và Canada. Các căn cứ tên lửa cũng được đặt trong tình trạng "báo động cấp thấp".
Tuy nhiên, trải qua 6 phút im ắng, dữ liệu vệ tinh xác nhận không có bất kỳ cuộc tấn công nào. Giới chức Mỹ quyết định không cần hành động. Các nhà điều tra sau đó phát hiện ra rằng một đoạn băng tập trận tải lên hệ thống máy tính của NORAD chính là nguyên nhân gây ra cảnh báo nhầm. Một nhân viên kỹ thuật thuộc NORAD đã vô tình tải nó vào máy tính.
Đoạn băng mô phỏng một cuộc tấn công tên lửa vào Bắc Mỹ. Do lỗi máy móc, thông tin này được truyền tới hệ thống cảnh báo sớm. Nó coi đấy là "một cuộc tấn công có thật", vì thế hệ thống thực hiện hàng loạt thao tác nhằm xác định xem liệu Mỹ có thực sự bị tấn công không.
2.200 tên lửa nhắm vào Mỹ
Ngày 3/6/1980, hệ thống máy tính ở NORAD lại phát đi cảnh báo về một cuộc tấn công hạt nhân.
Các phi đội oanh tạc cơ và máy bay tiếp liệu được điều động, Sở Chỉ huy Tác chiến Trên không Khẩn cấp Quốc gia lập tức vào vị trí chiến đấu và Cơ quan Quản lý Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ sẵn sàng ra lệnh cho toàn bộ máy bay thương mại đang hoạt động hạ cánh.
Ông Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Mỹ Jimmy Carter, đã nhận được cuộc gọi khẩn thông báo rằng 2.200 tên lửa đang nhắm vào Mỹ. Song không lâu sau, ông lại tiếp nhận một cú điện thoại khác, xác nhận đó chỉ là cảnh báo giả. Nhà chức trách tiến hành điều tra và phát hiện một con chip máy tính có giá khoảng 46 cent bị lỗi là nguyên nhân gây ra báo động nhầm.
Nga không ngoại lệ
Mỹ không phải quốc gia duy nhất phải đối mặt với những tình huống éo le vì báo động tên lửa giả. Ngày 26/9/1983, Stanislav Petrov, trung tá thuộc Lực lượng Phòng không Liên Xô, đang làm nhiệm vụ tại một trung tâm chỉ huy bí mật bên ngoài thủ đô Moscow thì còi báo động vang lên. Máy tính cảnh báo 5 tên lửa đã được phóng đi từ một căn cứ Mỹ.
"Trong 15 giây, tôi bị sốc", ông Petrov kể lại trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post.
Theo lời Petrov, ông là một mắt xích quan trọng trong chuỗi ra quyết định. Sau khi thông tin được truyền đi, các cấp trên của Petrov đã cùng họp lại và cân nhắc liệu có nên tấn công đáp trả không. Bản đồ điện tử và đèn liên tục nhấp nháy trong lúc ông cố gắng thu thập thông tin.
Nhưng sau 5 phút, thông tin về 5 tên lửa Mỹ nhắm vào Liên Xô được xác nhận là giả. Vệ tinh đã nhầm ánh nắng phản chiếu lên trên các đám mây là một vụ phóng tên lửa.
Ngày 11/8/1984, tổng thống Mỹ Ronald Reagan chuẩn bị xuất hiện trong chương trình phát thanh trực tiếp thứ 7 hàng tuần. Trong lúc chờ lên sóng, ông Reagan đã nói đùa rằng Mỹ sẽ "bắt đầu ném bom" Liên Xô "trong 5 phút nữa".
New York Times đưa tin hai ngày sau khi tổng thống Reagan đưa ra phát ngôn như vậy, một quan chức quân sự Liên Xô cấp thấp đã ra lệnh đặt lực lượng ở khu vực Viễn Đông trong tình trạng báo động cao. Song qua 30 phút, báo động bị hủy vì Liên Xô cuối cùng nhận ra đó chỉ là câu nói đùa.
Vũ Hoàng