Một cô gái Triều Tiên tại Nông trại Trái cây Daedonggang. Ảnh: AFP |
Triều Tiên tuyên bố, nước này đã sẵn sàng cho việc đưa một tên lửa gắn vệ tinh vào không gian. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ các chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, đồng thời giới thiệu những thành tựu khoa học của Triều Tiên tới thế giới. Đáp lại, Mỹ và phương Tây thường xuyên lên tiếng cáo buộc động thái này đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, rằng Bình Nhưỡng đang lên kế hoạch phóng một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, có thể đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.
Phía Triều Tiên nhiều lần khẳng định những cáo buộc trên hoàn toàn chỉ là một sự hiểu nhầm. Đó là lý do khiến chính phủ Bình Nhưỡng đã quyết định mời một nhóm phóng viên phương Tây tới quan sát chương trình phóng tên lửa và đại lễ kỷ niệm, nhằm chứng minh những thành tựu khoa học và tái khẳng định nước này không có bất cứ âm mưu nào.
Với nhóm phóng viên của BBC, Triều Tiên hiện ra với hình ảnh của một đất nước mang tư tưởng của Stalin cuối cùng của thế giới, giống như vừa được quay ngược thời gian trở lại nhiều thập kỷ trước.
Thành phố Bình Nhưỡng được xây dựng bằng những tòa cao ốc vững chắc. Nhưng khác với tất cả thủ đô khác trên thế giới, nơi đây không thấy bóng dáng của những cửa hàng cửa hiệu hay màn hình quảng cáo.
Bên trong chiếc xe buýt du lịch, những nhà báo nước ngoài nhanh chóng nhận ra, các địa điểm mà họ mong chờ được tới sẽ không nằm trong lịch trình lần này.
Thủ đô Bình Nhưỡng đang hoàn tất những khâu cuối cùng cho việc tổ chức đại lễ mừng sinh nhật lần thứ 100 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, mặc dù ông đã qua đời từ năm 1994. Giống như những gì thế giới đã biết về Triều Tiên, điều này thật mâu thuẫn.
Khắp thành phố là hình ảnh của những nhóm binh sĩ đang gấp rút sửa chữa vỉa hè, những phụ nữ đang lau rửa các bức tường lát đá trắng. Những chậu hoa trang trí cũng đã sẵn sàng. Rải rác trên những con phố, là các bức tranh khổ lớn, trên đó vẽ hình người sáng lập nhà nước Triều Tiên, Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Ảnh: Nhịp sống Triều Tiên qua ô cửa tàu hỏa
Chiếc xe buýt chở các nhà báo nhanh chóng rời khỏi thành phố, đi tới khu vực nông thôn, nơi những người nông dân đang lao động trên các cánh đồng. Trên sườn đồi là các doanh trại quân đội, với sự có mặt của rất nhiều binh lính.
Điểm đến đầu tiên trong chuyến đi là Nông trại Trái cây Daedonggang, một dự án mô hình, với vườn táo rộng tới hàng nghìn hecta, được trồng thành những hàng thẳng tắp hoàn hảo.
Nông trại Trái cây Daedonggang. Ảnh: AFP |
Vườn cây này đại diện cho hình ảnh mà Bình Nhưỡng luôn muốn xây dựng: một Triều Tiên trật tự, năng suất, một nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại. Trang trại này được xây dựng dưới sự hướng dẫn của con trai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, cố Chủ tịch Kim Jong-Il, và hiện được giám sát bởi con trai ông, Kim Jong-Un.
Kim Dal Hua, một trong những nông dân có mặt tại vườn táo, cho biết: “Tôi rất hạnh phúc khi được làm việc tại đây. Cảm ơn vì cố Chủ tịch Kim Jong-Il và con trai ngài, Kim Jong-Un, vì họ đã mang tới mọi thứ chúng tôi cần”.
Rời khỏi Daedonggang, các phóng viên được đưa tới một trang trại khác. Nơi đây, vốn được xây dựng dưới sự chỉ đạo của cố Chủ tịch Kim Jong-Il, là một nhà kho khổng lồ được kết nối với bể nuôi rùa giống, một món ăn đắt tiền, đồng thời là một phương thuốc hiệu nghiệm trong Đông y.
Quản lý Bang Dok Son cho biết, chính phủ đã phải chi rất nhiều tiền cho việc xây dựng trang trại này. Trước câu hỏi liệu bao giờ nơi này có thể mang về lợi nhuận, ông Bang nói: “Thật khó đề giải thích nếu anh nghĩ theo kiểu tư bản".
“Các nhà lãnh đạo đã xây dựng nên trang trại, hướng dẫn chúng tôi cách chăm sóc để cung cấp rùa cho người dân. Với chúng tôi, lợi nhuận không phải vấn đề quan trọng nhất.”
"Nhưng trên đường trở về thành phố, khi đi qua những cánh đồng, những công trình dang dở, những túp lều tồi tàn, trong đầu chúng tôi lại xuất hiện suy nghĩ về sự tương phản ở một đất nước mà người dân vẫn đang thiếu ăn, trong khi các nhà lãnh đạo lại đang mơ những giấc mơ vĩ đại", một phóng viên chia sẻ.
Quỳnh Hoa (theo BBC)