Uzbekistan là quốc gia nằm kín trong lục địa tại Trung Á, có diện tích 447.400 km2, lớn thứ 56 thế giới. Uzbekistan trước kia là một phần của Liên Xô nhưng đã tách ra và có chủ quyền riêng từ năm 1991.
Quốc gia này có dân số đông nhất Trung Á với hơn 32 triệu người, tuy nhiên phần lớn cư dân sống tại những vùng nông thôn kém phát triển ở phía đông và nam đất nước, theo Reuters.
Uzbekistan có 93% dân số theo đạo Hồi. Cư dân chủ yếu là người Uzbech. Bên cạnh đó còn có một phần nhỏ người gốc Triều Tiên.
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Uzbekistan được xếp vào diện tăng trưởng nhanh thứ hai toàn cầu với mức tăng 7,6%. Năm 2017, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) tính toán tổng GDP danh nghĩa của Uzbekistan đạt 68,324 tỷ USD, đứng thứ 62 thế giới.
Nền kinh tế Uzbekistan phụ thuộc khá lớn vào các ngành xuất khẩu nguyên liệu thô, đặc biệt là khoáng sản, bông và khí gas. Theo Niên giám Thống kê Khoáng sản Thế giới (USGS), Uzbekistan là nước sản xuất vàng đứng thứ 9 thế giới. Trữ lượng vàng tại quốc gia Trung Á này lên tới 5.300 tấn, xếp thứ 4 toàn cầu, sau Nam Phi, Mỹ và Nga. Bên cạnh đó, Uzbekistan còn là nước xuất khẩu bông lớn thứ 5 thế giới.
Mặt khác, Uzbekistan cũng là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch với những công trình Hồi giáo đồ sộ cùng nét văn hóa, truyền thống đặc sắc, khác lạ.
Dấu ấn Con đường Tơ lụa
Uzbekistan nằm trên Con đường tơ lụa nối Trung Quốc với Tây Á thời cổ đại. Các thành phố lớn như Samarkand, Bukhara hay Khiva đều là nơi Con đường Tơ lụa đi qua. Chúng thu hút khách du lịch bởi những kiệt tác kiến trúc cổ kính, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa.
Suốt nhiều thế kỷ, Samarkand được mệnh danh là trung tâm của thế giới khi những người du mục, thương nhân, binh sĩ và học giả đi qua thành phố này trên hành trình dọc theo Con đường Tơ lụa. Ngày nay, Samarkand nổi tiếng với các công trình kiến trúc Hồi giáo hoành tráng và lăng mộ vua chúa cổ xưa. Nổi bật hơn cả là Quảng trường Registan lát đá hoa cương và Nhà thờ Hồi giáo Bibi Khanym lộng lẫy.
Trong khi đó, được biết đến là thành phố linh thiêng nhất Trung Á, Bukhara đã tồn tại qua một thiên niên kỷ. Nhiều người cho rằng đây là địa điểm tốt nhất để tận mắt thấy những gì còn lại của Con đường Tơ lụa cổ đại một cách nguyên vẹn.
Mỏ vàng lớn thứ hai thế giới
Mỏ Muruntau nằm cách thủ đô Tashkent, Uzbekistan hơn 400 km về phía tây. Đây là mỏ vàng lớn thứ hai thế giới. Được phát hiện từ năm 1958, mỏ Muruntau đến nay cung cấp cho thị trường Uzbekistan khoảng 1.600 tấn vàng. Trữ lượng còn lại ước tính có thể khai thác đến năm 2032.
Mỏ Muruntau do công ty khai khoáng của chính phủ Uzbekistan Navoi Mining & Metallurgical Combinat điều hành. Đây là một trong 10 tập đoàn khai thác uranium và vàng lớn nhất thế giới.
Thánh địa dưa
Uzbekistan được mệnh danh là thánh địa dưa với hơn 150 loại dưa khác nhau, có thể khai thác tất cả các mùa. Người ta còn trồng chúng tên những vùng sa mạc khô cằn bằng kỹ thuật cao. Kỹ thuật trồng dưa của người Uzbekistan đã nổi tiếng từ thời xa xưa trong giới thương nhân trên Con đường Tơ lụa.
Món ăn truyền thống
Plov, món cơm trộn với nhiều loại thực phẩm đa dạng, được cho là món ăn truyền thống phổ biến nhất ở Uzbekistan. Vào thế kỷ thứ 10-11, Plov là món ăn dành riêng cho giới quý tộc hoặc chỉ xuất hiện trong các dịp lễ quan trọng ở Uzbekistan. Tuy nhiên, ngày nay, món ăn này trở nên phổ biến ở mọi tầng lớp. Có tới 60 công thức làm món Plov và mỗi địa phương, vùng miền lại có cách chế biến đặc trưng riêng.
Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của Plov là nó được chế biến trong một chiếc chảo cực lớn, bên trong có hỗn hợp đủ loại nguyên liệu từ rau củ đến thịt, cá.
Phong tục tập quán
Ở Uzbekiszan, chào hỏi bằng hành động bắt tay chỉ được chấp nhận giữa những người đàn ông. Với phụ nữ, họ chào bằng cách cúi người và đặt tay lên ngực mình.
Khách tới nhà một người Uzbekiszan sẽ ngồi ở vị trí xa lối vào nhất để thể hiện sự tôn trọng và lịch sự. Người Uzbekiszan tin rằng hành động úp mặt bánh mỳ xuống có thể mang đến điều không may mắn.
Theo truyền thống xa xưa, thành viên nào trong gia đình chuẩn bị đi xa sẽ cắn một miếng bánh mỳ Uzbek. Mẩu bánh còn lại được người nhà lưu giữ cho tới khi người đi xa trở về.
Vũ Hoàng