Trump và Putin hôm nay họp thượng đỉnh tại Phần Lan. Các cuộc gặp giữa hai lãnh đạo quyền lực hàng đầu thế giới luôn là sự kiện thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Tại hội nghị ở Yalta, Crimea năm 1945, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt gặp Thủ tướng Anh Winston Churchill và lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin để lên kế hoạch cho tương lai hậu Thế chiến II. Đây là lần xuất hiện quan trọng cuối cùng của Roosevelt trước khi ông qua đời vì bệnh hai tháng sau đó.
Họ đồng ý rằng nếu Stalin tham gia cuộc chiến chống lại Nhật Bản, ông có thể lấy lại lãnh thổ Nga mà Nhật Bản đã kiểm soát nhiều thập kỷ trước đó. Hội nghị này ban đầu được coi là thành công nhưng sau đó bị xem là cho Moskva quá nhiều lợi ích.
Năm 1961, John F. Kennedy và Nikita Khrushchev gặp nhau ở Vienna, Áo trong bối cảnh hai bên có căng thẳng đáng kể. Lãnh đạo Liên Xô yêu cầu thống nhất nước Đức với những điều khoản không thuận lợi cho Mỹ. Hai tháng sau, Bức tường Berlin được xây dựng.
Cuộc họp năm 1972 của Leonid Brezhnev và Richard Nixon ở Moskva đã tạo ra những thỏa thuận nhằm hạn chế các tên lửa đạn đạo và làm chậm lại cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev gần như đạt được thỏa thuận giảm trừ vũ khí lớn tại hội nghị thượng đỉnh năm 1986 ở Reykjavik, Iceland. Tuy cuối cùng nỗ lực đổ bể, cuộc gặp coi là mở đường cho Hiệp ước Vũ khí Hạt nhân Tầm xa mà Mỹ và Liên Xô ký năm 1987 khiến hai bên loại bỏ các tên lửa tầm xa.
Năm 2001, George W. Bush và Putin có khởi đầu rất nồng ấm khi gặp nhau lần đầu tiên tháng 6/2001 ở Ljubljana, Slovenia. "Tôi có thể cảm nhận tâm hồn của ông ấy", Bush nói - một nhận xét khiến nhiều trợ tá theo tư tưởng bảo thủ của ông kinh ngạc.
Tuy nhiên, hai nước sau đó lại chìm vào căng thẳng. Putin tố cáo chính quyền Bush kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới. Còn giới chức Mỹ thì nói Moskva thụt lùi về tự do chính trị và sử dụng nguồn năng lượng dồi dào của mình để ức hiếp các nước láng giềng.
Trong khi các hội nghị khác được chú ý vì kết quả, cuộc gặp giữa Barack Obama và Dmitry Medvedev năm 2012 tại hội nghị G20 ở Seoul được nhớ đến vì Obama không biết một micro gần đó được bật khi ông trò chuyện với lãnh đạo Nga. Obama nói với Medvedev rằng ông sẽ "linh hoạt hơn" về các vấn đề phòng thủ tên lửa nếu ông tái đắc cử. Medvedev trả lời rằng ông sẽ "chuyển thông tin này cho Vladimir", tức Putin, người khi đó giữ chức thủ tướng.
Vào cuối nhiệm kỳ, Obama gặp Putin tại Hội nghị G20 năm 2016 ở Hàng Châu, Trung Quốc trong bầu không khí lạnh lẽo. Obama đã dẫn đầu nỗ lực để đẩy Nga ra khỏi nhóm các cường quốc công nghiệp G8 vì khủng hoảng Ukraine.
Putin có một đối tác Mỹ khác ở G20 tại Hamburg, Đức năm 2017. Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với Putin và hứa hẹn cải thiện quan hệ với Nga. Putin nói rằng Trump tin ông khi ông bác bỏ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Cuộc gặp sắp tới giữa Trump và Putin diễn ra trong bối cảnh hai nước căng thẳng vì khủng hoảng Syria, Ukraine, nạn tấn công mạng và cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Tổng thống nước chủ nhà Phần Lan Sauli Niinisto bày tỏ hy vọng cuộc gặp sẽ giúp giảm căng thẳng. "Chỉ cần một bước giảm căng thẳng nhỏ cũng sẽ có lợi cho tất cả mọi người", ông nói.