Khi nữ diễn viên Meghan Markle kết hôn với Hoàng tử Harry vào năm sau, cô không phải là người Mỹ đầu tiên trong gia đình của hoàng tử, theo BBC.
Kỵ của Hoàng tử Harry là Frances Ellen Work, thường gọi là Fannie, sinh ra ở New York vào năm 1857. Bà là con gái của Frank Work, chủ ngân hàng Mỹ đã để lại tài sản 15 triệu USD khi ông qua đời.
Fannie thời trẻ được coi là một "đại mỹ nhân", theo New York Times. "Bà ấy tiêu rất nhiều tiền, thích tiệc tùng và hứng thú với việc được ngưỡng mộ trong các bộ quần áo đẹp", nhà viết tiểu sử người Anh Anne de Courcy cho biết.
"Đồng thời, bà cũng là người có hiểu biết sâu rộng, nói tiếng Pháp lưu loát, rất thích hội họa và đồ nội thất", Courcy viết.
Năm 1880, bà kết hôn với James Boothby Burke Roche, con của Nam tước, chính trị gia Ireland Edmund Burke Roche.
Tuy nhiên, cha của bà Fannie không ấn tượng với điều đó. "Tôi là một người Mỹ chính gốc", ông nói. "Vì vậy tôi khinh thường những gã đàn ông vô vọng băng qua đại dương để lấy đi những người phụ nữ xinh đẹp như hoa của chúng ta".
"Suy nghĩ của tôi về vấn đề này ư? Tôi muốn việc kết hôn với người nước ngoài bị coi như một tội đáng bị treo cổ".
Thực tế, James Roche - thường được gọi là Jim - không phải là con rể lý tưởng. Ông nợ nần chồng chất. "Ông ấy có cuộc sống xa hoa vượt xa những gì ông ấy có thể chi trả", Anne de Courcy viết.
Jim "cao, đẹp trai, có làn da mịn màng, đôi mắt đen, ria mép đen và sự quyến rũ của người Ireland", NYTimes miêu tả. Khi kết hôn với Fannie, Jim từng là một chủ trại nuôi súc vật ở miền Tây, nhà cách mạng ở Nam Mỹ, thợ mỏ vàng ở Alaska và nhà thám hiểm ở Patagonia.
Sau khi kết hôn, Fannie và Jim sống ở Anh và có 4 người con ở London. Năm 1891, Fannie nộp đơn ly dị ở Mỹ. Vụ việc ngay lập tức trở thành tin tức sốt dẻo trên các mặt báo. Tòa kết luận Jim đã bỏ rơi vợ từ hơn ba năm trước và đã cố tình không chu cấp cho vợ.
Tòa án Mỹ cho Fannie quyền nuôi ba con - Cynthia Burke Roche, Edmund Maurice Burke Roche và Francis George Burke Roche. Edmund Maurice Burke Roche là ông của Công nương Diana - mẹ của Hoàng tử Harry.
Năm 1905, Fannie tái hôn với một người Hungary có tên Aurel Batonyi. Bố bà đã rất tức giận và loại tên bà ra khỏi di chúc.
Sau khi ly dị lần thứ hai, bà Fannie sống ở Mỹ và châu Âu. Bà mất năm 1947 ở New York. Chắt của bà, Diana, được sinh ra 14 năm sau đó ở bên kia Đại Tây Dương.
Sự liên quan của hoàng gia Anh với Bắc Mỹ không chỉ dừng lại với Fannie Work. Thực tế, Hoàng tử Harry không phải là cháu trai đầu tiên của Nữ Hoàng lấy một người từ lục địa Bắc Mỹ.
Peter Phillips, con của Công chúa Anne (con của Nữ hoàng), đã kết hôn với cô gái Canada Autumn Kelly vào năm 2008. Hai người gặp nhau ở giải đua môtô Grand Prix Canada tại Montreal vào năm 2003.
Buổi lễ diễn ra tại Lâu đài Windsor trước 300 thành viên gia đình và bạn bè, trong đó có 70 người từ Canada. Hoàng tử Harry cũng là khách mời trong buổi lễ.
Hoàng tử Andrew, người con thứ ba của Nữ hoàng cũng từng hẹn hò với một cô gái Mỹ. Tháng 2/1981, vào đêm sinh nhật lần thứ 21 của mình, Hoàng tử Andrew gặp Koo Stark, diễn viên đóng thế tại Nhà hát Quốc gia ở London.
Sau buổi hẹn hò đầu tiên, Hoàng tử Andrew mời cô Stark đến "BP để ăn trưa". Cô nghĩ rằng Hoàng tử ám chỉ trạm xăng nhưng thực ra đó là lời mời đến Cung điện Buckingham.
Mối quan hệ này bị báo chí hé lộ vào năm 1982 khi hai người đến đảo Mustique ở vùng Caribê. Một số thợ săn ảnh đã thuê máy bay hạng nhẹ, một số người khác bơi tới bãi biển bằng thiết bị lặn để theo sát hai người.
Điều này có nét tương đồng với chuyện tình của Hoàng tử Harry. Năm ngoái, Hoàng tử phàn nàn rằng bị truyền thông "theo dõi quá mức và quấy rối". New York Post hồi tháng 8 còn gọi bà Stark là "Meghan Markle của những năm 1980".
Hoàng tử Andrew và bà Stark sau đó chia tay nhưng vẫn là bạn. Ông là cha đỡ đầu cho con gái của bà.
"Hoàng tử Harry và Meghan Markle sẽ viết tiếp một chương mới trong lịch sử lâu dài giữa Bắc Mỹ và Hoàng gia Anh", cây bút Owen Amos của BBC viết.
Phương Vũ