Chính sách cứng rắn của Trump trong thương mại với Trung Quốc được hình thành tại cuộc họp ở Nhà Trắng hồi tháng 8 năm ngoái với người giữ vai trò trung tâm là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Phát biểu trước các cố vấn Nhà Trắng và quan chức nội các, Lighthizer nói rằng Trung Quốc thường xuyên hứa hẹn thay đổi chính sách nhưng không thực hiện. Ông cũng nhấn mạnh sự gia tăng trong thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, theo WSJ.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad, người tham dự cuộc họp thông qua cuộc gọi video, yêu cầu có thêm cơ hội để tiến hành một cuộc đàm phán khác dựa trên mối quan hệ tốt mà ông đã phát triển với Trung Quốc. Tuy nhiên, quan điểm của ông nhận được rất ít sự ủng hộ. Đã đến lúc phải hành động, bắt đầu bằng một cuộc điều tra chính thức về những hành vi thương mại không lành mạnh của Trung Quốc, Lighthizer lập luận.
Vài ngày sau, Trump tuyên bố mở cuộc điều tra do Lighthizer lãnh đạo về cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Động thái này đánh dấu bước khởi đầu của nỗ lực nhằm khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải thay đổi hành vi, dẫn đến đề xuất Mỹ áp thuế đối với 50 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc dọa áp thuế đối với lượng hàng nhập khẩu có giá trị tương đương từ Mỹ, Trump tuần trước lại dọa áp thuế lên hơn 100 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng họ "sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ và không do dự".
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chịu trách nhiệm phát triển và đề xuất chính sách thương mại cho Tổng thống. Họ cũng phụ trách tiến hành các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương. Lighthizer trở thành người đứng đầu cơ quan này từ tháng 5/2017.
Vai trò của Lighthizer trở nên rõ ràng đối với Trung Quốc khi nhóm kinh tế của Trump đến Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái. Trump đảm bảo rằng Lighthizer gặp gỡ các lãnh đạo Trung Quốc hàng đầu trong khi một số người khác đợi bên ngoài.
Trong buổi trò chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình, Lighthizer nhấn mạnh kết quả không mấy thành công của các cuộc đàm phán trước đây giữa hai bên và bày tỏ lo ngại của Tổng thống Mỹ về vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Cuối tháng hai, Trung Quốc cử đặc phái viên kinh tế Lưu Hạc đến Washington để đàm phán. Ông nhận được sự tiếp đón lạnh lẽo. Sứ quán Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ cấp 40 thị thực để ông Lưu có thể mang theo một phái đoàn lớn nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ đáp ứng số ít.
Ông Lưu cũng không được gặp Tổng thống Trump. Thay vào đó, ông gặp Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Phía Mỹ đưa ra thông điệp đơn giản: Mỹ sẽ không bị Trung Quốc qua mặt như các chính quyền trước.
Washington yêu cầu Bắc Kinh thực hiện những thay đổi về hành vi và rào cản thương mại. Họ muốn Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu ôtô từ 25% xuống mức khoảng 2,5%. Mỹ cũng muốn giảm 100 tỷ USD trong mức thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 375 tỷ USD với Trung Quốc. Để nhấn mạnh quan điểm, phía Mỹ đưa ra những đe dọa về thuế quan.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ nói rằng họ đã chán ngán với những điều họ gọi là "trợ cấp không công bằng" của Trung Quốc cho các công ty trong nước và các chiến thuật mạnh tay để công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại rằng các đe dọa về thuế quan của Mỹ có thể phản tác dụng và khiến họ lĩnh hậu quả.
"Nếu chỉ có Mỹ đối đầu với Trung Quốc thì bên 'ngư ông đắc lợi' có thể là các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu và Nhật", Josh Bolten, người đứng đầu nhóm thương mại Bàn tròn Kinh doanh, cảnh báo. "Chúng tôi muốn thúc giục chính quyền liên kết với các bạn bè và đồng minh để gây áp lực lên Trung Quốc".
Được lòng nhiều người
Lighthizer, 70 tuổi, từng là luật sư trong các công ty luật lớn, đại diện cho các khách hàng ngành công nghiệp thép tin rằng họ bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu Trung Quốc. Trong một bài xã luận năm 1997, Lighthizer phản đối việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) theo các điều khoản được đàm phán.
Giống như Trump, sự thẳng thừng là nét tính cách nổi bật của Lighthizer. Khi đàm phán với đối tác Nhật với tư cách Phó đại diện Thương mại Mỹ vào giữa những năm 1980, Lighthizer cảm thấy bất mãn về đề xuất của đối phương nên đã lấy tờ giấy viết đề nghị đó, gấp nó thành một chiếc máy bay giấy và phi nó lên bàn của nhà đàm phán phía Nhật.
Tại Washington, Lighthizer là cái tên được lòng nhiều người. Với những người theo chủ nghĩa dân tộc, Lighthizer được coi là "quan chức diều hâu" với Trung Quốc. Với những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá, Lighthizer là luật sư lão luyện và am hiểu cách làm việc của Washington.
Trong mắt Trump, Lighthizer là người có quan điểm giống ông về thương mại. Hai người cũng có quan hệ cá nhân tốt. Lighthizer từng vài lần được ngồi chung chuyên cơ với Tổng thống khi ông trở về nhà ở Florida. Trump thường gọi Lighthizer đến Phòng Bầu dục để thảo luận về các vấn đề thương mại.
"Lighthizer giành được lòng tin của mọi người, dù họ có quan điểm thế nào về thương mại", Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng Các nhà tư vấn Kinh tế, nói.
Phương Vũ