Tại trung tâm làng Lương Gia Hà, tỉnh Thiểm Tây, chân dung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đặt ở một vị trí trang trọng, nổi bật. Ngôi làng này từng là nơi ông Tập sống trong những năm tháng thời trai trẻ. Giờ đây, nó trở thành một "thánh điện" tôn vinh ông, theo CNN.
Khách phương xa tới Lương Gia Hà có thể trả 60 tệ (khoảng 10 USD) để thuê hướng dẫn viên du lịch đưa đi tham quan nơi ông Tập từng ngủ, giếng nước ông từng góp tay đào hay nghe những câu chuyện về việc ông sống giản dị ra sao.
Giống như hàng triệu thanh thiếu niên khác đến từ các thành phố lớn, ông Tập năm 1969 được đưa tới Lương Gia Hà như một phần trong chiến dịch của cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông điều động các trí thức trẻ ở đô thị về vùng quê để "rèn luyện" vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Quãng thời gian 7 năm lao động tại ngôi làng Lương Gia Hà nghèo khổ nằm trong số những chi tiết hiếm hoi được biết tới về cuộc sống của ông Tập, một phần vì ông đã tự ghi chép lại và coi chúng như kinh nghiệm quý báu.
"Dao không mài trên đá thì không sắc. Những người được thử lửa đều trưởng thành", ông Tập nói trong một bài trả lời phỏng vấn tạp chí Trung Quốc hồi năm 2001. "Bất cứ khi nào tôi gặp rắc rối, tôi chỉ nghĩ sẽ khó khăn thế nào để đưa mọi việc trở lại bình thường và rồi không có gì là khó khăn cả".
Giờ đây, hàng nghìn thành viên đảng Cộng sản Trung Quốc mỗi tháng đều tới thăm Lương Gia Hà, dường như với mong muốn thể hiện rằng họ thực sự khao khát học tập kinh nghiệm từ nhà lãnh đạo.
"Tất cả những gì chúng tôi cần là Chủ tịch Mao và Chủ tịch Tập", một vị khách từ chối tiết lộ danh tính cho hay và thêm rằng ông đã tới Lương Gia Hà vài lần.
Theo một giai thoại mà các hướng dẫn viên tại đây kể, trong thời gian ở Lương Gia Hà, ông Tập được thưởng một chiếc xe máy vì hoàn thành tốt công việc nhưng đã từ chối, thay vào đó, ông chọn mua hai máy nghiền ngô cho cả làng.
Đeo găng tay trắng và cầm ô che nắng, một hướng dẫn viên trẻ tuổi đã chỉ cho phóng viên CNN ba căn nhà trong hang động mà ông Tập từng sống. Mọi thứ dường như vẫn được giữ nguyên, giản dị, đơn sơ.
Những người cao niên trong làng tỏ ra phấn khích khi chia sẻ các câu chuyện về thời trẻ của Chủ tịch Trung Quốc. "Tôi gia nhập đảng Cộng sản cùng với ông Tập Cận Bình", ông Shi Yuxin, 79 tuổi, cho biết.
Ngôi làng được hưởng lợi đáng kể vì mối liên hệ với ông Tập. Lương Gia Hà trước đây không có cả nước sạch nhưng bây giờ các con đường đã được trải nhựa, lát đá. Hàng quán bán đủ thứ từ kem cho đến lưỡi cày.
Vũ Hoàng