Khi phóng viên Anh Lauren Smith ở Hong Kong hai ngày trước dịp tết nguyên đán năm 2016, cô thấy vây cá mập ở khắp mọi nơi, bày bán trong các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và làng chài. Khách hàng có thể mua những chiếc vây nhỏ đóng túi hay những chiếc vây lớn được trang trí thêm nơ đỏ, theo Guardian.
Súp vây cá mập là món ăn Trung Quốc phổ biến có niên đại từ triều đại nhà Tống (960 -1279). Nó được coi là mặt hàng xa xỉ thể hiện lòng hiếu khách, địa vị và sự giàu có. Món ăn ngày càng nổi tiếng trong thời nhà Minh (1368 - 1644) và thời nhà Thanh (1644 -1912).
Sự ưa chuộng đối với món ăn này suy giảm khi đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, Trung Quốc trải qua các cuộc cải cách kinh tế thị trường sâu rộng dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Nhiều người muốn thể hiện sự giàu có của họ và súp vây cá mập một lần nữa ăn khách. Giá mỗi bát có thể dao động từ chỉ 5 (0,64 USD) đến 45.000 đô la Hong Kong (5.800 USD) tùy thuộc vào loại, kiểu dáng và cách chế biến.
Nhu cầu tăng dẫn tới nạn săn bắt cá mập chỉ để lấy vây cá. Sau khi bắt được cá mập, ngư dân chặt lấy vây ngay trên tàu, phần mình còn lại được thả xuống biển.
Ngư dân đánh bắt như vậy thường bị lôi kéo bởi cái lợi trước mắt. Giá trả cho vây cá mập cao hơn so với vây cá bình thường, nhưng họ kiếm được số tiền ít hơn nhiều các nhà buôn. Ở Tây Phi, những ngư dân săn vây cá mập thường nhanh chóng bị mắc kẹt trong nợ nần với các thương nhân ở Đông Nam Á. Quần thể cá mập địa phương nhanh chóng cạn kiệt khiến ngư dân phải đi xa hơn để tìm kiếm cá mập. Để làm như vậy, họ cần phải có tàu lớn hơn và nhiều nhiên liệu hơn. Họ sẽ phải vay số tiền này từ thương nhân. Với việc cá mập ngày càng khan hiếm, ngư dân ngày càng khó hoàn vốn chứ chưa nói đến kiếm lời.
Với việc xét nghiệm DNA, các nhà khoa học có thể xác định được vây cá trên thị trường là từ loài cá mập nào. Các số liệu từ một nghiên cứu năm 2006 cho thấy tại Hong Kong, vây cá mập được bày bán nhiều nhất là của cá mập xanh, ngoài ra còn các loài cá mập mako, đuôi máy đập và cá mập hổ.
Trong những năm gần đây, nhận thức về nạn săn bắt cá mập lấy vây trên thế giới ngày càng gia tăng. Một số quốc gia đã thay đổi luật, chẳng hạn như tuyên bố việc đánh cá mập là bất hợp pháp như Palau. Một số nước khác như Canada coi việc đánh bắt cá mập để lấy vây là bất hợp pháp, nhưng nhập khẩu và buôn bán vây cá mập thì không.
EU đã thắt chặt các quy định vào năm 2013, yêu cầu rằng cá mập phải được đưa lên bờ nguyên vẹn. Đây được cho là cách hiệu quả để ngăn chặn nạn đánh bắt chỉ để lấy vây.
Mỹ đã cấm việc đánh bắt cá mập chỉ để lấy vây từ năm 2000. Tháng 8/2015, công ty dịch vụ chuyển phát Nhanh UPS thông báo họ sẽ ngừng vận chuyển vây cá mập, sau một đơn kiến nghị thu được 178.000 chữ ký. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc vây không được bán trên thị trường. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, Mỹ đã xuất khẩu gần 38.000 kg vây cá mập trong năm 2011, một năm sau khi quốc hội cho phép cá mập được đưa lên bờ nếu còn vây.
Chile ra lệnh cấm cắt vây cá mập tươi ở các vùng biển thuộc chủ quyền của nước này đầu tháng 7/2011. Lệnh cấm có hiệu lực với 30 loài cá mập sinh sống ở vùng ven biển Chile, kéo dài từ đông Thái Bình Dương đến Nam Đại Dương. Lệnh cấm này không ngăn cản đánh bắt cá mập nhưng bắt buộc ngư dân phải mang cá mập nguyên vẹn vào bờ. Việc cắt vây cá mập trên tàu hoặc vận chuyển vây từ tàu này sang tàu khác bị nghiêm cấm.
Cũng có một số thay đổi trong nhận thức của người dân Trung Quốc, nơi vây cá mập vẫn là món ăn được ưa chuộng. Disneyland Hong Kong đã bỏ món súp vây cá mập ra khỏi thực đơn tiệc cưới sau áp lực quốc tế từ các nhóm môi trường. Đại học Hong Kong cấm món ăn này trong khuôn viên trường. Khách sạn Peninsula cũng cấm vây cá mập vào năm 2012. Yao Ming, vận động viên bóng rổ nổi tiếng của Trung Quốc, đã kêu gọi mọi người dừng ăn vây cá mập trong một cuộc họp báo năm 2006.
Một số người Hong Kong với rằng họ đã ngừng ăn súp vây cá mập nhưng nhiều người khác vẫn mong được thưởng thức nó ở tiệc cưới hay tiệc mừng năm mới; một số người nói rằng họ ăn món này thường xuyên.
Lý do nhiều người ngừng ăn vây cá mập là do phát hiện vây tại 5 thành phố của Trung Quốc, bao hồm Hong Kong, chứa nồng độ thủy ngân và methylmercury cao, không an toàn cho người tiêu dùng. Những người muốn ăn món này vào dịp đặc biệt coi đây là một phần quan trọng trong văn hoá của họ và không muốn nó bị mất đi. Những người vẫn ăn thường xuyên cho biết họ nhận thức được tác động đến môi trường và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vẫn thích ăn.
Một nhà buôn Hong Kong cho biết doanh số bán hàng của ông vẫn tăng 90% trong dịp Tết nguyên đán, cho thấy món ăn này khó có thể bị loại bỏ. "Tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng, đưa ra các quy định hiệu quả và thúc đẩy nghiên cứu khoa học tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho việc bảo vệ các loài cá mập trong tương lai", Smith nói.
Phương Vũ