Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley ngày 24/12 cho biết phái đoàn Mỹ đã thương thảo để khiến ngân sách năm 2018 - 2019 của LHQ bị cắt giảm 285 triệu USD. Bà Haley ca ngợi "đây là một bước đi lớn theo đúng hướng" và nói thêm rằng họ sẽ không để "sự hào phóng của người dân Mỹ bị lợi dụng và không được kiểm soát".
Liên Hợp Quốc (LHQ) là tổ chức quốc tế được thành lập năm 1945 gồm 193 quốc gia thành viên. Điều 17 trong Điều lệ LHQ quy định mỗi quốc gia thành viên có nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách thường xuyên của LHQ. Ủy ban Đóng góp được giao nhiệm vụ quyết định số tiền mỗi nước chi cho tổ chức.
Để xác định số tiền, ủy ban này căn cứ vào chỉ số tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của một quốc gia thành viên so với toàn cầu. Số tiền phải đóng góp sẽ được giảm nếu nước đó có thu nhập bình quân đầu người thấp và nợ nước ngoài cao. Các đánh giá tương tự cũng được thực hiện với các tổ chức khác của LHQ, bao gồm hoạt động gìn giữ hòa bình.
Đại hội đồng chỉ định rằng tỷ lệ đóng góp dao động từ mức tối thiểu là 0,001% đến tối đa là 22%. LHQ đặt ra mức tối đa này nhằm để tổ chức không quá phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia thành viên nào. Mức tối đa đối với các nước được coi là "kém phát triển nhất" là 0,01%. Số liệu để đánh giá thường được xem xét lại ba năm một lần.
Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất với tỷ lệ 22%. GNP của Mỹ bằng khoảng 27% tổng GNP của tất cả các nước thành viên LHQ, do đó phần đóng góp cao nhất của họ là hợp lý.
Nhật Bản đứng thứ hai với 9,68%, tiếp theo là Trung Quốc (7,921%), Đức (6,389%), Pháp (4,859%) và Anh (4,463%).
18 quốc gia đóng góp nhiều hơn 1% cho ngân sách LHQ, trong khi 135 quốc gia khác đóng góp ít hơn 0,1%.
Trong số 193 quốc gia của LHQ, 20 quốc gia hàng đầu đóng góp 83,78% trong khi 173 quốc gia còn lại đóng góp 16,22%. Top 10 nước hàng đầu đóng góp 68,89%.
Ngân sách thường xuyên của LHQ năm 2016 - 2017 là 5,4 tỷ USD. Ngân sách thường xuyên dùng để chi trả cho các hoạt động chính của LHQ, bao gồm chi phí nhân viên tại 8 điểm đặt trụ sở ở Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Khoản này cũng được dùng để chi trả cho các hội nghị quốc tế, thông tin công chúng, thúc đẩy nhân quyền và các sứ mệnh đặc biệt của LHQ với các khu vực xung đột.
Hơn 80% các quốc gia thành viên không đóng góp cho LHQ đúng hạn hoặc đầy đủ. Việc không đóng tiền có thể dẫn đến việc mất phiếu trong Đại hội đồng LHQ. Theo Điều 19 của Hiến chương LHQ, một quốc gia sẽ mất phiếu bầu nếu số tiền nợ của họ bằng hoặc vượt quá số tiền họ phải trả trong hai năm trước đó.
Tranh cãi về khoản đóng góp của Mỹ
Một số ý kiến cho rằng khoản đóng góp lớn là gánh nặng không hợp lý đối với Mỹ vì Mỹ không phải là quốc gia đông dân nhất trong LHQ như Trung Quốc. Mỹ không phải là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới như Nga và cũng không phải là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới như các nước Arab giàu dầu mỏ hay các thiên đường tài chính như Thụy Sĩ và Luxembourg.
Mỹ được hưởng đặc quyền là thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng Mỹ chia sẻ đặc quyền đó với 4 thành viên thường trực khác là Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp (tổng số đóng góp của họ cho LHQ là 18,35% ngân sách thường xuyên, ít hơn mức 22% của Mỹ). Khi các vấn đề gây tranh cãi được đem ra bàn luận trước Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ không chỉ phải bàn bạc với 4 nước thường trực còn lại, mà còn phải thảo luận với 10 thành viên luân phiên khác.
Trong Đại hội đồng LHQ, khoản đóng góp lớn của Mỹ cũng không đồng nghĩa với việc ý kiến của họ được nhiều bên đồng tình. Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, vào năm 2012, trong số tất cả nghị quyết của Đại hội đồng LHQ được đưa ra bỏ phiếu, chưa đến một nửa số quốc gia thành viên (42,5%) đồng tình với quan điểm của Mỹ trong những vấn đề mà bộ này coi là quan trọng, theo Tower.
Tuy nhiên, nhiều người tranh luận rằng với những lợi ích Mỹ có được trong kinh tế và chiến lược toàn cầu, đó là một mức giá nhỏ. LHQ đã mua hàng hoá và dịch vụ của Mỹ, thuê lao động Mỹ và làm lợi cho các doanh nghiệp tại thành phố New York (nơi đặt trụ sở LHQ). Một nghiên cứu của LHQ cho thấy với mỗi một USD đầu tư vào LHQ, Mỹ sẽ nhận lại 1,5 USD. Chương trình Phát triển LHQ còn đang làm việc với hơn 1.800 nhà cung cấp ở Mỹ. Ngoài ra, các hoạt động gìn giữ hoà bình, các cơ quan LHQ và việc sửa sang trụ sở LHQ đã thêm khoảng 3,5 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ.
Theo betterworldcampaign, tổng số tiền đóng góp của Mỹ với LHQ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong ngân sách hàng năm của nước này. Nhìn chung, chỉ 1,4% ngân sách liên bang được dành cho viện trợ nước ngoài, bao gồm cả đóng góp cho LHQ.
Nếu Mỹ không đóng góp, việc đó sẽ làm tê liệt các chương trình của LHQ mà Mỹ đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc và cũng mang về những lợi ích quốc gia không nhỏ cho Washington, theo MIC. Việc các chương trình này bị đình trệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Mỹ ở nước ngoài, đồng thời khiến dư luận thế giới cho rằng Mỹ không thể giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi, trong một cuộc thăm dò được tiến hành vào tháng một, 67% người Mỹ đồng ý rằng nước này nên đóng góp đầy đủ cho LHQ.
Năm 1997, dự luật đầu tiên đề xuất Mỹ rút khỏi LHQ được trình lên hạ viện Mỹ. Kể từ đó, trong phiên họp quốc hội Mỹ nào cũng có một phiên bản dự luật tương tự được trình lên nhưng những nỗ lực này đều "chết yểu" vì giành được rất ít ủng hộ.
Phương Vũ