Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Video: Simple History.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh hôm 27/4 tại Panmunjom, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí sẽ sớm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên bằng một hiệp ước hòa bình. Cách đây 65 năm, cũng tại Panmunjom, cuộc chiến chỉ được ngừng lại bằng một hiệp định đình chiến, khiến hai miền bán đảo trên danh nghĩa vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, theo History.
Khi Thế chiến II kết thúc, bán đảo Triều Tiên bị chia đôi thành hai miền bằng vĩ tuyến 38, với miền bắc được đặt dưới quyền quản lý của Liên Xô, còn miền nam do Mỹ kiểm soát. Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào ngày 25/6/1950, khi quân đội Triều Tiên tràn xuống tấn công quân Hàn Quốc ở phía nam nhằm thống nhất bán đảo bằng vũ lực.
Tổng thống Mỹ lúc đó là Harry S. Truman cho rằng cuộc tấn công này là một kế hoạch của Liên Xô nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản, nên Mỹ lập tức soạn thảo nghị quyết Liên Hợp Quốc kêu gọi thành lập một liên minh quân sự bảo vệ Hàn Quốc, với lực lượng chủ chốt là quân đội Mỹ. "Nếu chúng ta để mất Hàn Quốc, Liên Xô sẽ tiến tới và nuốt chửng từng quốc gia một", Truman tuyên bố.
Nghị quyết nhanh chóng được thông qua mà không có phiếu phủ quyết nào bởi Liên Xô lúc đó đang tẩy chay Hội đồng Bảo an để phản đối việc Trung Quốc không được chấp thuận vào cơ quan quyền lực này.
Chỉ trong vài ngày, các lực lượng hải, lục, không quân Mỹ dưới danh nghĩa quân Liên Hợp Quốc đổ vào Hàn Quốc tham chiến. Trong giai đoạn đầu, chiến thuật của Mỹ và đồng minh Hàn Quốc là bảo vệ phần lãnh thổ còn lại ở Pusan và từng bước đẩy lui quân Triều Tiên. Sau khi để mất Seoul, liên quân Mỹ - Hàn phản công mạnh mẽ và đánh bật quân miền bắc qua vĩ tuyến 38.
Cuộc chiến sau đó chủ yếu diễn ra trên lãnh thổ Triều Tiên và liên quân Mỹ - Hàn với lợi thế về công nghệ, hỏa lực đã nhanh chóng dồn ép quân đội Triều Tiên đến sát biên giới Trung Quốc. Lo ngại về nguy cơ bị quân Mỹ xâm lược, Trung Quốc sau đó tham chiến, cử các đơn vị chí nguyện quân sang Triều Tiên để đẩy lùi liên quân.
Với sự tham gia của 250.000 quân Trung Quốc từ cuối năm 1951, cuộc chiến rơi vào thế bế tắc khi không bên nào thực sự chiếm được lợi thế chiến lược trên chiến trường và chủ yếu thực hiện các trận đánh tiêu hao sinh lực địch.
Cuộc chiến giằng co kéo dài suốt một năm khiến Truman muốn chấm dứt chiến tranh và tìm cách đàm phán hòa bình với các bên. Tuy nhiên, không bên nào nhất trí hoàn toàn về một thỏa thuận hòa bình, nên cuộc chiến tiếp tục kéo dài thêm hai năm nữa. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1952, ứng viên đảng Cộng hòa Dwight D. Eisenhower đã chỉ trích mạnh mẽ cách xử lý cuộc chiến của Truman.
Khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, Eisenhower quyết tâm thiết lập hòa bình trên bán đảo và kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Sau chuyến đi đến Hàn Quốc, Eisenhower nhận thấy cần phải làm điều gì đó để phá vỡ thế bế tắc ngoại giao trong các cuộc đàm phán hòa bình được người tiền nhiệm khởi xướng từ năm 1951.
Đe dọa ném bom hạt nhân
Eisenhower bắt đầu công khai ám chỉ rằng Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tạo đột phá trên chiến trường Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông còn gây sức ép với chính quyền Hàn Quốc từ bỏ một số yêu sách để tăng tốc tiến trình hòa bình.
Hiện không rõ lời đe dọa tấn công hạt nhân của Eisenhower có tác dụng đến đâu, song tới tháng 7/1953, tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột đã sẵn sàng ký một thỏa thuận nhằm chấm dứt đổ máu.
Ngày 27/7/1953, tại phòng đàm phán ở làng Panmunjom nằm giữa biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc, hiệp định đình chiến được ký giữa tướng Nam Il, đại diện cho quân đội Triều Tiên và chí nguyện quân Trung Quốc, với tướng Mỹ William K. Harrison Jr., đại diện cho quân Liên Hợp Quốc. Hiệp định này chấm dứt gần ba năm giao tranh đẫm máu của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Theo hiệp định, một ủy ban giám sát với đại diện từ các quốc gia trung lập sẽ quyết định số phận của hàng nghìn tù binh bị hai phe bắt giữ. Ủy ban này cuối cùng tuyên bố các tù binh được lựa chọn ở lại hoặc quay về quê hương.
Hai bên cũng nhất trí chấm dứt mọi hành động thù địch công khai và rút lực lượng quân sự lùi sâu 2 km tại vị trí đang kiểm soát, tạo ra một khu phi quân sự có bề rộng 4 km dọc đường biên giới mới phân chia hai miền.
Hiệp định đình chiến đã giúp chấm dứt một cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Triều Tiên và Trung Quốc cũng như hơn 50.000 lính Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn được ký giữa các lực lượng quân sự, không phải hiệp ước được nhất trí giữa các chính phủ.
Với nhiều tướng Mỹ vốn đã quen với việc buộc kẻ thù đầu hàng vô điều kiện, việc phải chấp nhận một kết cục "không bên nào thắng" trong Chiến tranh Triều Tiên khiến họ không hài lòng, thậm chí nhiều người còn đặt câu hỏi về việc quân đội Mỹ không sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tấn công sang lãnh thổ Trung Quốc trong cuộc chiến.
"Các chỉ huy cấp cao hài lòng với việc chấm dứt đổ máu, nhưng không lấy gì làm tự hào hay hài lòng với hiệp định đình chiến mà họ được lệnh ký", tờ TIME đưa tin sau khi hiệp định được công bố. "Họ dường như đều lo ngại một ngày nào đó sẽ phải giải thích tại sao họ lại ký vào thỏa thuận này".
Hàn Quốc không ký hiệp định
Chính phủ Hàn Quốc lúc đó cũng cho rằng một hiệp định khiến bán đảo bị chia cắt là "không thể chấp nhận được" nên không ký vào hiệp định đình chiến, dù nước này gần đây xác nhận đã thảo luận về việc ký hiệp ước hòa bình với Triều Tiên. Trung Quốc cũng không phải là bên đặt bút ký vào văn bản, vì Bắc Kinh luôn cho rằng cuộc chiến này là vấn đề giữa Triều Tiên và Mỹ.
Khi ký vào hiệp định đình chiến, đại diện của các bên đều không có ý định để cuộc chiến này "lửng lơ" suốt hơn nửa thế kỷ. Họ dự định đi đến thỏa thuận hòa bình lâu dài tại một hội nghị ở Geneva vào năm 1954. Theo các sử gia, chính triển vọng về hội nghị hòa bình này là yếu tố quan trọng giúp các bên gạt bỏ các bất đồng để ký hiệp định chấm dứt đổ máu.
Nhưng tại hội nghị Geneva vào tháng 4/1954, khi bàn đến vấn đề Triều Tiên, các lãnh đạo đã không thể nhất trí về con đường hòa bình cho bán đảo. "Ý tưởng tại hội nghị lúc đó là một chính phủ Triều Tiên thống nhất sẽ được thành lập sau bầu cử, nhưng các đoàn đại biểu lại không thống nhất được tiến trình này sẽ diễn ra như thế nào", Charles K. Armstrong, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên, cho biết.
Việc tổng thống Hàn Quốc khi đó là Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) muốn Mỹ cần có các hành động để tăng quyền kiểm soát bán đảo của Seoul cũng gây nhiều trở ngại cho tiến trình hòa bình. Một rào cản khác là việc Mỹ không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền Trung Quốc khi đó, nhất là khi ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles từ chối bắt tay thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại hội nghị Geneva.
"Hội nghị Geneva đổ vỡ và cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa chính thức chấm dứt từ đó đến nay. Đã có nhiều cuộc đàm phán diễn ra, nhưng tình hình xung đột chưa bao giờ được giải quyết triệt để", Armstrong nói.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hàn Quốc và Triều Tiên đã có những động thái giảm nhiệt như ký thỏa thuận kiềm chế các hành động sử dụng vũ lực hay cam kết hợp tác hướng tới hòa giải vào năm 1991. Tuy nhiên, đến năm 1992, Mỹ bắt đầu cáo buộc Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân bí mật, khiến tình hình tiếp tục leo thang.
Theo Armstrong, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên đến đỉnh điểm vào năm 2010, khi tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm và Triều Tiên nã pháo vào đảo tiền tiêu Yeonpyeong của Hàn Quốc. Năm 2013, Bình Nhưỡng thậm chí còn tuyên bố hiệp định đình chiến vô hiệu.
Việc lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên tuyên bố sẽ thuyết phục Mỹ và có thể là Trung Quốc để sớm biến hiệp định đình chiến thành hiệp ước hòa bình lâu dài đã thắp lên hy vọng mới cho bán đảo Triều Tiên nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến. Điều này phụ thuộc rất lớn vào kết quả cuộc gặp thượng đỉnh tới đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
"Tôi không kỳ vọng quá lớn vào cuộc gặp này, nhưng có cảm giác rằng vẫn có nhiều kết quả tiềm năng mà chúng ta chưa được chứng kiến suốt mấy thập kỷ qua", Armstrong nói. "Cả ba bên Mỹ, Hàn, Triều đều thực sự muốn làm điều gì đó. Chúng ta chờ xem điều gì sẽ xảy ra".
Bình An