Vào một buổi tối tháng 12 năm ngoái, trung tướng về hưu Michael Flynn rời khỏi Phòng Tình huống ở Nhà Trắng, sau khi dự các cuộc họp về chuyển giao quyền lực với các thành viên của chính quyền Barack Obama.
Khi cố vấn an ninh quốc gia tương lai của Mỹ đang bước về phía lối ra ở Cánh Tây của Nhà Trắng, một quan chức trẻ của chính quyền Obama mở cửa cho cả hai người họ. "Tôi nóng lòng tiếp quản nơi này", Flynn nói với người kia.
Song lời nhận tội của Flynn trước Cục Điều tra Liên bang (FBI) hôm 1/12 đánh dấu cú ngã bất ngờ đối với một viên tướng tham vọng và có tính cách quyết liệt - người từng là một trong những quan chức chống khủng bố hàng đầu của Mỹ.
Đối với Flynn, người từng giúp quân đội Mỹ mài giũa quy trình ứng phó những phiến quân nguy hiểm nhất ở Iraq và Afghanistan, lời nhận tội có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc đời công vụ của ông, theo Washington Post.
Không theo khuôn phép
Từ năm 2004 đến 2010, Flynn kinh qua các chức vụ gồm giám đốc tình báo của Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt hỗn hợp, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ, Bộ Tổng tham mưu và Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) ở Afghanistan.
Michael O'Hanlon, học giả cấp cao tại Viện Brookings ở Washington cho rằng Flynn đã thể hiện sự kiểm soát và sự nhạy bén chính trị khi ông phục vụ với vai trò quan chức tình báo cấp cao ở Iraq và Afghanistan.
"Nhưng nhiều phẩm chất tiêu biểu trong giai đoạn đó dường như đã biến mất trong giai đoạn làm việc với Trump", O'Hanlon nhận xét.
Là con của một cựu chiến binh và là anh trai của một sĩ quan lục quân cao cấp, Flynn nhanh chóng thăng tiến với tư cách là một sĩ quan tình báo. Trong những năm tháng biến động sau cuộc tấn công khủng bố 11/9, quân đội Mỹ phải chật vật thích nghi với các chiến trận chống lại kẻ thù ẩn nấp ở Iraq và Afghanistan, Flynn đã gây dựng danh tiếng như là một sĩ quan hiệu quả và thông minh.
Tại Iraq, Flynn phục vụ dưới quyền của tướng Stanley A. McChrystal, người dẫn dắt việc sử dụng các cuộc đột kích ban đêm của lực lượng đặc nhiệm để thu thập và khai thác tin tình báo quan trọng.
"Flynn rất giàu năng lượng", McChrystal viết trong cuốn hồi ký của ông khi nhắc đến Flynn, khi đó mang quân hàm đại tá. McChrystal mô tả Flynn như là một cấp phó tận tụy và sáng tạo trong công việc.
Flynn là một lãnh đạo mà cấp dưới lúc nào cũng có thể tiếp cận. Các trợ lý của ông có thể gửi email cho ông mọi lúc vì dường như ông rất ít ngủ. Đôi khi ông gửi cho các trợ lý thân cận những bức thư tay dài để bày tỏ lòng biết ơn.
Tuy nhiên, Flynn cũng nổi tiếng là một con người không theo khuôn phép. Ông không ngại lên tiếng chỉ trích hoặc phá vỡ các quy tắc. Thỉnh thoảng, những bản năng này của ông gây ra các phiền phức, bao gồm việc ông bị khiển trách sau khi chia sẻ các thông tin mật với các lực lượng đối tác ở chiến trường Afghanistan.
Xung đột với các quan chức Bộ Quốc phòng
Năm 2012, Flynn được bổ nhiệm vào ghế giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA). Phong cách năng nổ và các kế hoạch của ông nhằm cải tổ DIA - cơ quan thường bị Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) lấn át, đã tạo ra xung đột với các nhân viên của ông và các quan chức ở Bộ Quốc phòng.
Các cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết việc để Flynn điều hành DIA đã bộc lộ những điểm yếu của ông về các vấn đề chính sách cũng như óc thẩm định kém với tư cách là nhà quản lý. Năm 2014, Flynn bị ép phải rời DIA trước một năm so với kế hoạch.
Khi còn ở DIA, cách ứng xử của ông đã gây ra những bất bình cho các quan chức tình báo và khi bị đẩy ra khỏi bộ máy chính quyền, ông Flynn càng có những hành xử đáng báo động hơn.
Vào cuối năm 2015, Flynn dự một buổi tiệc tối chào mừng ngày thành lập kênh truyền hình RT vốn bị chính phủ Mỹ xem là cỗ máy tuyên tuyền của Điện Kremlin. Các hình ảnh cho thấy tại buổi tiệc đó, Flynn ngồi sát Tổng thống Nga Putin. Hình ảnh này gây chú ý vào thời điểm Nga đang bị phương Tây lên án vì cho rằng nước này can thiệp cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Một phần vì hình ảnh tai tiếng này mà Flynn không được mời vào làm việc ở các doanh nghiệp lớn hoặc không thể trở thành chuyên gia tư vấn được trả thù lao cao sau khi về hưu như nhiều cựu lãnh đạo tình báo khác. Thay vào đó, ông điều hành một cửa hiệu nhỏ và trở thành một trong những cựu lãnh đạo quân sự đầu tiên và cao cấp nhất ủng hộ ông Trump tranh cử tổng thống.
Tại đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ở Cleveland, bang Ohio vào tháng 7/2016, Flynn đã lên sân khấu, say sưa phát biểu phản đối ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton và khởi xướng đám đông đồng thanh hét to: "Tống bà ta vào tù!".
Lời khuyến cáo của Obama
Sau khi Trump đắc cử tổng thống, Flynn được kỳ vọng sẽ ngồi vào chức vụ cố vấn an ninh quốc gia, một trong những chiếc ghế nhạy cảm nhất trong chính phủ Mỹ. Hai ngày sau cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Barack Obama gặp Trump ở Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Obama cảnh báo Trump không nên tuyển dụng Flynn, các cựu quan chức Mỹ nắm rõ nội dung cuộc gặp cho biết. Flynn là người trung thành của Trump duy nhất bị Obama chỉ trích riêng.
Các quan chức tham gia quá trình chuyển gia quyền lực cho biết Flynn nói nhiều về các cuộc thảo luận của ông với các quan chức Nga đến mức một số người lo ngại ông có thể quá thân thiện với họ.
Tháng 12/2016, trước khi Trump nhậm chức, Flynn có những cuộc điện đàm với Sergey Kislyak, đại sứ Nga tại Washington và điều này đã làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Các cuộc điện đàm đó bị nghe lén bởi các nhân viên FBI phụ trách giám sát trao đổi thông tin của các đại sứ nước ngoài. Hai người đã nói về các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga, cũng như các cuộc đàm phán tại Liên Hợp Quốc.
Khi bị FBI thẩm vấn vào ngày 24/1, Flynn đã phủ nhận bàn luận với đại sứ Nga về những nội dung đó. Tuy nhiên, ngày 9/2, tình báo Mỹ đưa ra bằng chứng chứng minh cáo buộc. Ngày 13/2, Flynn từ chức cố vấn an ninh quốc gia, sau khi mới giữ chức 24 ngày.
Hôm 1/12, Flynn thừa nhận đã khai gian với FBI. Khi Flynn rời khỏi tòa án, đám đông chờ đợi ở bên ngoài đã đồng thanh hô: "Tống ông ta vào tù!".
Hồng Vân