Trong khi đó những người tiền nhiệm thuộc đảng Bảo thủ như John Major và Margaret Thatcher lại được mời dự đám cưới hoàng gia. "Người đàn bà thép" Thatcher từ chối góp mặt vì lý do sức khỏe, nhưng cựu thủ tướng Major xác nhận sẽ tới dự. Sau khi công nương Diana qua đời năm 1997, ông Major được chỉ định là người giám hộ cho các Hoàng tử William và Harry. Vì thế, việc ông nhận được thiếp mời được lý giải là vì "lý do rất cụ thể".
Hai cựu thủ tướng Brown (trái) và Blair không được mời dự "đám cưới thế kỷ". Ảnh: Telegraph |
Phát ngôn viên hoàng gia Anh giải thích rằng hai cựu thủ tướng của Công đảng không nhận được lời mời là vì họ đều chưa được nhận tước hiệu Hiệp sĩ Garter, trong khi ông Major và bà Thatcher cùng có vinh dự này. Quan chức trên cũng cho biết thêm rằng đây không phải là một "sự kiện mang tính nhà nước".
Hiệp sĩ Garter là cấp cao nhất trong hệ thống phong hiệp sĩ của Anh, dành cho những cống hiến đặc biệt đối với đất nước và được đích thân Nữ hoàng Elizabeth II tấn phong. Cựu thủ tướng Thatcher nhận tước hiệu Hiệp sĩ Garter năm 1995, đúng 5 năm sau khi rời nhiệm sở. Trong khi đó, ông John Major nhận được vinh dự tương tự vào năm 2005.
Trong đám cưới của Thái tử Charles và Công nương Diana tại nhà thờ St Paul’s hồi năm 1981, tất cả những cựu thủ tướng Anh còn sống lúc bấy giờ như Harold Macmillan, Alec Douglas-Home, Harold Wilson, Edward Heath và James Callaghan đều là những khách mời danh dự. Trong đó, Macmillan và Douglas-Home không có tước hiệu Hiệp sĩ Garter, còn Heath và Callaghan chỉ nhận vinh dự này nhiều năm sau đó.
Do đó các nghị sĩ Công đảng tuyên bố họ cảm thấy bất ngờ và kỳ lạ khi bộ đôi cựu thủ tướng Blair và Brown không được hiện diện trong một dịp trọng đại hiếm có của nước Anh. Nhiều người hoài nghi về một lý do khác ngoài chuyện tước hiệu Hiệp sĩ Garter dẫn đến việc bộ đôi kế nhiệm nhau này không được mời cưới.
Mối quan hệ giữa hoàng gia và cựu thủ tướng Blair được đánh dấu bằng những sự kiện căng thẳng. Bà Cherie, vợ của ông Blair, luôn từ chối nhún đầu gối cúi chào các thành viên hoàng gia Anh. Trong khi đó, cựu thủ tướng 57 tuổi cũng từng là tâm điểm chỉ trích xung quanh cáo buộc can thiệp vào việc tổ chức đám tang cho mẹ của Nữ hoàng Elizabeth II năm 2002, điều mà ông luôn phủ nhận.
Trong khi đó, cựu thủ tướng Brown và hoàng gia ít có căng thẳng hơn. Ông được cho là luôn có cách xử lý không thể hoàn hảo hơn khi giải quyết những vấn đề liên quan tới Điện Buckingham. Tuy vậy ông vẫn không nhận được thiếp mới dự "đám cưới thế kỷ" lần này.
Ông Blair (giữa) trong đám tang mẹ của Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Telegraph |
Trong danh sách khách mời cưới có nhiều lãnh đạo các vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh như John Cranfield và phu nhân Vilma đến từ đảo St Helena, thuộc vùng nam Đại Tây Dương. Bên cạnh đó là đại diện của Bermuda, St Vincent và Grenadines, St Lucia, Quần đảo Cayman và Montserrat cũng đều góp mặt. Khách mời Australia là Thủ tướng Julia Gillard và bạn trai Tim Mathieson, một nhà tạo mẫu tóc nay làm nghề môi giới bất động sản.
Thành phần khách mời thuộc giới chính trị gia của Anh còn có đương kim thủ tướng David Cameron, thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband, phó Thủ tướng Nick Clegg, Bộ trưởng Tài chính George Osborne, Bộ trưởng Ngoại giao William Hague, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Văn hóa Jeremy Hunt.
Bên cạnh đó, 40 thành viên của các hoàng gia nước ngoài, 60 vị toàn quyền và thủ tướng ngoại quốc, cùng nhiều nhân vật nổi tiếng của nước Anh như ca sỹ Elton John hay vợ chồng David Beckham đều được mời.
Danh sách khoảng gần 2.000 khách mời cưới cũng đa dạng các thành phần bên cạnh giới chính trị gia. Thậm chí, người đưa thư, ông chủ quán rượu và cả người bán thịt từ ngôi làng Bucklebury nơi cô dâu Kate sinh ra đều có tên trong danh sách gửi thiếp mời. Ngay cả người phục vụ quán rượu tại hòn đảo Mustique ở biển Caribbe mà gia đình cô dâu hay đi nghỉ cũng được nhận thiệp mời.
Phan Lê