Từ Tài Hậu sinh năm 1943, trong một gia đình nhiều đời làm nghề nông tại đảo Trường Hưng, thuộc thị trấn Ngõa Phòng Điếm, tỉnh Liêu Ninh. Theo gia phả, cho đến đời của Từ, gia tộc này có năm thế hệ sinh sống tại đây.
Tuy xuất thân bần hàn, ông nội của Từ là cụ Từ Duy Lương lại rất chú ý đến việc học hành của con cái, với hy vọng hậu thế có thể vinh danh dòng họ. Cha của Từ là ông Từ Cao Hiền thoát ly gia đình từ sớm, làm nhân viên tại một cửa hàng tạp hóa ở thành phố Đại Liên.
Theo lời kể của họ hàng ở quê, Từ Tài Hậu thuở nhỏ rất ngoan, chịu khó học hành. "Hồi bé, Tài Hậu rất chăm đọc sách. Ngay cả khi mẹ cho đi chơi, vẫn không chịu mà còn nói rằng phải học xong bài mới chịu", Phoenix Weekly dẫn lời một người chị họ của Từ cho biết.
Năm 1955, ông Từ Cao Hiền đón Từ, khi đó mới 12 tuổi, lên Đại Liên để thuận lợi cho việc học của người con trai duy nhất. Năm 1960, Từ thi đỗ vào trường cấp ba số 8, một trong những trường trung học trọng điểm của thành phố.
Bén duyên với quân đội
Theo lời kể của bạn học cũ, Từ khi đó rất thật thà, chăm học, nên đến năm 1963 đã thi đỗ vào Học viện Công trình Quân sự Cáp Nhĩ Tân, một trong những trường kỹ thuật trọng điểm của quân đội Trung Quốc. Cả thành phố Đại Liên khi đó chỉ có 14 học sinh đỗ vào trường này.
"Thời sinh viên, Từ Tài Hậu không có có tài năng gì đặc biệt, kết quả học tập cũng không phải quá xuất sắc, duy chỉ có sở trường âm nhạc, thường xuyên làm nhiệm vụ chỉ huy nhạc cho các tiết mục của lớp", ông Đằng Húc Duyện, bạn thân của Từ Tài Hậu thời sinh viên nhớ lại.
Cũng chính vì vậy, Từ không được chọn kết nạp đảng trong suốt thời gian học đại học. "Tài Hậu từng hỏi tôi làm thế nào để vào được đảng, cậu ấy có vẻ rất buồn vì không được chọn", ông Đằng nói.
Năm 1968, Từ Tài Hậu tốt nghiệp đại học, đúng vào thời kỳ đầu của Đại Cách mạng Văn hóa. Theo quy định mới, khóa sinh viên năm đó không được bố trí công việc mà bị điều về các nông trường để "giáo dục lại". Ngoài ra, trường của Từ cũng bị chuyển khỏi ngạch quân sự, sinh viên cũng bởi vậy mà không còn quân tịch.
Từ Tài Hậu và Đằng Húc Duyện đều được phái về nông trường Hạc Lập thuộc Quân đoàn 39. Trong thời gian ba năm lao động tại đây, Từ để lại ấn tượng rất tốt trong mắt đồng đội.
"Từ có biểu hiện rất tốt, chịu khó chịu khổ, việc gì cũng làm, có hai lần tham gia cứu cháy", người đội trưởng của Từ năm đó kể lại. "Có lần tôi cứu cháy bị thương, chính ông ấy đã giúp kéo tôi dậy".
Năm 1970, cơ hội lại mở ra với Từ Tài Hậu khi lãnh đạo quân đội khi đó quyết định trọng dụng lại các cựu sinh viên của trường quân sự Cáp Nhĩ Tân. Năm đó, Đại quân khu Thẩm Dương cử người về nông trường Hạc Lập điều tra nhân sự, chọn đi 20 cựu sinh viên, trong đó có Từ.
Tuy được quay trở lại quân đội, nhưng đường thăng tiến của Từ vẫn rất chậm. Trong 10 năm từ 1972 đến 1982, Từ mới chỉ làm đến phó phòng cán bộ thuộc ban chính trị quân khu.
Theo lời kể của ông Đằng Húc Duyện, Từ từng có lúc nghĩ đến việc chuyển ngành. "Ông ấy tự nhận thấy chức vụ chỉ đến đây là hết mức, không còn cơ hội thăng tiến nữa", ông Đằng nói.
Hoạn lộ thênh thang
Tuy nhiên, cơ hội một lần nữa lại mở ra với Từ, bởi chính sách trẻ hóa, trí thức hóa quân đội của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Với lý lịch từng tốt nghiệp tại trường quân sự trọng điểm, năm 1980, Từ Tài Hậu nhận quyết định đi bồi dưỡng tại Học viện Chính trị Quân đội tại Bắc Kinh.
Sau hai năm bồi dưỡng tại thủ đô, Từ thăng tiến nhanh chóng trong hệ thống cơ quan chính trị của quân đội. Năm 1983, Từ được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm chính trị Quân khu Cát Lâm. Hai năm sau, Từ được thăng lên chủ nhiệm chính trị Tập đoàn quân 16, rồi thăng lên chính ủy.
Năm 1992 được cho là bước ngoặt quan trọng trong đời quân ngũ của Từ Tài Hậu. Năm đó, Từ nhận được lệnh điều về Bắc Kinh làm trợ lý chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cơ quan phụ trách công tác chính trị tuyên truyền và nhân sự trong toàn quân đội Trung Quốc.
Theo lời kể của bạn cũ, Từ Tài Hậu rất cẩn thận khi mới được bổ nhiệm vào chức vụ mới trên. Trước khi vào kinh, Từ thậm chí còn tâm sự với đồng nghiệp rằng chuyến đi lần này "có lẽ sẽ không có đường về".
Ông Lưu Tô Dân, một người bạn của Từ đang làm ăn ở Hong Kong, kể lại mùa hè năm đó khi ông đến thăm Từ, thấy cả nhà chỉ có đúng một chiếc quạt điện. "Tôi ngỏ ý muốn tặng ông ấy một chiếc điều hòa, nhưng Từ lập tức từ chối ngay và còn nói là đến nhà chủ nhiệm tổng cục còn chẳng có điều hòa thì làm sao mà dám", ông Lưu cho biết.
Hai năm sau, năm 1994, Từ Tài Hậu được đề bạt vào chức phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Từ năm 1996 đến 1999, Từ được điều về làm chính ủy Đại quân khu Tế Nam.
Năm 1999, Từ quay lại Tổng cục Chính trị và được đưa vào Quân ủy Trung ương, cơ quan chỉ huy tối cao của quân đội Trung Quốc. Sau Đại hội 16 của đảng Cộng sản Trung Quốc, Từ vào Ban bí thư và đảm nhiệm chức chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Tại Đại hội 17 năm 2007, Từ Tài Hậu được bầu vào Bộ Chính trị, thăng phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Từ chính thức trở thành tướng lĩnh có quyền lực nhất quân đội.
Dính chàm tham nhũng
Với nhiều năm làm công tác chính trị trong quân đội, đặc biệt sau khi trở thành lãnh đạo Tổng cục Chính trị, Từ Tài Hậu nắm chặt quyền quyết định đến đường thăng tiến của các chức vụ chủ chốt trong quân đội.
Trong hệ thống quân đội Trung Quốc, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có tiếng nói quyết định trong công tác cán bộ toàn quân. Theo quy định, chỉ chủ tịch Quân ủy Trung ương mới có quyền bổ nhiệm các cấp sư trưởng, tư lệnh tập đoàn quân, tư lệnh quân khu và thành viên quân ủy, nhưng quyết định này thông thường được căn cứ trên sự giới thiệu của Tổng cục Chính trị.
"Đề bạt cán bộ đều có quy trình nghiêm chỉnh, nhưng lãnh đạo có thể lật ngược kết quả thẩm tra", Thiếu tướng Vu Bản Thành, nguyên phó chính ủy Tổng cục Trang bị, cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với Ifeng, Thiếu tướng Dương Xuân Trường, người từng có thời gian làm việc dưới quyền Từ Tài Hậu, cho biết Từ có ba nguyên tắc dùng người: một là xem đưa bao nhiêu tiền, hai là xem quan hệ xa hay gần và ba là xem tình cảm đến đâu. Ông Dương từng là cục phó Cục Giáo dục Lý luận thuộc Tổng cục Chính trị.
"Quyền lực lớn lắm. Chức tư lệnh quân khu, có người đưa 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD), mà có người khác đưa 20 triệu, thì ông ấy không cần ngay người đưa10 triệu", tướng Dương nói.
Thiếu tướng Dương cũng cho hay, công tác chống tham nhũng trong quân đội trước đây không hiệu quả cũng bởi do những lãnh đạo cấp cao nhất như Từ Tài Hậu ngăn trở.
South China Morning Post từng dẫn lời nguồn tin giấu tên cho biết, Cốc Tuấn Sơn, nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu Cần, khai báo với nhân viên điều tra việc từng hối lộ Từ 40 triệu nhân dân tệ (hơn 6 triệu USD) để chạy tội. Cốc bị bắt vào năm 2012.
Cuối năm 2012, sau Đại hội 18, Thượng tướng Từ Tài Hậu về hưu theo quy định. Tháng 2/2013, Từ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang. Cùng với chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình không ngừng được mở rộng, ngày 15/3/2014, Bắc Kinh công bố quyết định điều tra Từ.
Ngay sau đó, căn biệt thự rộng hơn 2000 mét vuông của viên tướng quyền thế một thời này tại trung tâm Bắc Kinh bị khám xét. Tại đây, các nhân viên điều tra phát hiện kho để tiền tại tầng hầm nhà Từ, với hơn một tấn tiền mặt, gồm nhân dân tệ, USD và Euro, cùng rất nhiều vàng bạc, đồ trang sức đắt tiền.
Đúng một năm sau, ngày 15/3, Xinhua ra thông báo cho biết Từ Tài Hậu qua đời trong quá trình thẩm tra chuẩn bị khởi tố, do bệnh ung thư bàng quang giai đoạn cuối. Căn cứ theo luật, Viện kiểm soát Quân sự quyết định không khởi tố Từ, nhưng tài sản tham ô sẽ được xử lý theo luật định.
Đức Dương