Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, 63 tuổi, ngày 21/3 chính thức bị điều tra với cáo buộc nhận tiền phi pháp từ cố tổng thống Libya Muammar Gadhafi để phục vụ cho chiến dịch tranh cử năm 2007. Ông Sarkozy đã bác bỏ cáo buộc này.
Asharq al-Awsat, tờ báo tiếng Arab có trụ sở tại Anh, trích dẫn lời kể từ phụ tá thân cận của Saif A-Islam, con trai Gaddafi, kể rằng ông là người có mặt trong các cuộc gặp kín giữa Sarkozy và Gadhafi ngay từ năm 2005.
"Ông Sarkozy khi ấy là Bộ trưởng Nội vụ Pháp. Ông ấy đã đến Libya, nghe theo lời cố vấn từ trợ lý của mình là Claude Gueant và Takieddine", nguồn tin cho hay, nhắc đến Claude Gueant, chánh văn phòng của Sarkozy và trùm buôn vũ khí Ziad Takieddine.
Takieddine là một thương gia giàu có chuyên môi giới các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Pháp với nhiều quốc gia Trung Đông, gồm Libya, Arab Saudi, Pakistan và Syria. Ông này cũng đã đứng ra làm trung gian đàm phán để Libya phóng thích 5 y tá người Bulgaria bị kết án vì làm lây nhiễm HIV cho hơn 400 trẻ em ở Benghazi năm 1998.
Với các mối quan hệ của mình, Takieddine trở thành cầu nối quan trọng giữa Gaddafi, lãnh đạo quốc gia giàu có nhưng đang bị phương Tây cô lập, với Sarkozy, chính trị gia đầy tham vọng đang cần nguồn hỗ trợ tài chính lớn cho chiến dịch tranh cử của mình.
Cố vấn của con trai Gaddafi nói rằng trong cuộc gặp bí mật, bộ trưởng Sarkozy đã hứa hẹn sẽ cải thiện quan hệ giữa Pháp và Libya để đổi lấy việc Gaddafi tài trợ cho chiến dịch tranh cử của mình.
Lời đề nghị rất hấp dẫn đối với Gaddafi vì kể từ năm 2003, lãnh đạo này đã nỗ lực rất nhiều để Libya tái hòa nhập cộng đồng quốc tế, sau nhiều năm bị cấm vận và cô lập với cáo buộc là nước tài trợ khủng bố và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nguồn tin cho biết thêm rằng Gaddafi khi ấy rất chú tâm đến việc hỗ trợ tài chính cho ứng viên tranh cử ở các nước khác, với mục tiêu xây dựng mối quan hệ tốt với các lãnh đạo quốc tế tương lai để họ sau này ủng hộ Libya. Ngoài Sarkozy, Gaddafi được cho là còn chuyển 5 triệu USD cho chiến dịch của một ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2004. Một ứng viên tranh cử tổng thống Ukraine năm 2010 cũng bị cáo buộc nhận 4 triệu EUR từ nhà lãnh đạo này.
Ngoài mong muốn cải thiện quan hệ với Pháp, Gaddafi còn muốn Sarkozy tác động để Pháp ngừng truy cứu vụ đánh bom chuyến bay số hiệu 772 của hãng hàng không UTA, trong đó em rể của Gaddafi, Abdullah Al Senussi, bị coi là người có liên quan.
Máy bay 772 chở 170 người rơi tại sa mạc Tenere vì một quả bom phát nổ trên khoang vào tháng 9/1989 khi đang trong hành trình từ Congo đến Pháp. Pháp buộc tội 6 người Libya đứng sau vụ việc, trong đó có Senussi, người lúc đó giữ chức phó giám đốc cơ quan tình báo Libya. Tòa án ở Paris đã xét xử vắng mặt và kết án 6 người này, dù Gaddafi từ chối dẫn độ họ sang Pháp.
Những người này được cho là thực hiện vụ đánh bom máy bay 772 để trả thù việc Pháp hỗ trợ Chad chống lại Libya trong cuộc xung đột quân sự vào thập niên 1980.
Nhằm gây dựng lại hình ảnh, tháng 1/2004, Gaddafi chấp nhận bồi thường cho mỗi gia đình nạn nhân vụ máy bay rơi một triệu USD. Đến tháng 5/2007, truyền thông đưa tin rằng 95% khoản tiền bồi thường này đã được chuyển đến tay người nhận.
Sarkozy là người nổi tiếng có tài ăn nói và dường như ông đã gây được ấn tượng tốt với Gaddafi dù khi đó không có gì đảm bảo rằng ông sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007. "Khi nói chuyện với ông ấy, chúng tôi thấy được rằng tham vọng trở thành tổng thống Pháp của ông ấy rất lớn", cố vấn của con trai Gaddafi nói.
Sarkozy sau đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2007. Sau khi lên nắm quyền, Sarkozy ban đầu có những động thái củng cố quan hệ với Gaddafi như mời nhà lãnh đạo Libya đến Paris vào năm 2007 trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, bất chấp sự phản đối của một số lãnh đạo châu Âu và chính trị gia đối lập trong nước. Sarkozy lúc đó khẳng định Gaddafi "không phải một nhà độc tài trong cảm nhận của thế giới Arab".
Tuy nhiên, đến năm 2011, Sarkozy lại là nhà lãnh đạo ủng hộ tích cực nhất cho chiến dịch quân sự can thiệp vào Libya để lật đổ Gaddafi với lý do "bảo vệ dân thường" trước các cuộc "tàn sát" của ông này. Một số nhà ngoại giao Mỹ thậm chí còn gọi chiến dịch quân sự của liên minh quốc tế tại Libya là "cuộc chiến của Sarkozy". Gaddafi bị phe nổi dậy do liên minh quốc tế hậu thuẫn lật đổ và sát hại vào cuối năm 2011.
Saif al-Islam, con trai của Gaddafi, đã bày tỏ sự phẫn nộ trước động thái này của Sarkozy. "Điều đầu tiên chúng tôi yêu cầu Sarkozy làm là ông ta trả lại tiền cho người dân Libya. Chúng tôi đã giúp ông ta trở thành tổng thống để giúp người Libya nhưng ông ta đã làm chúng tôi thất vọng", Saif al-Islam nói.
Phương Vũ