Một biệt thự ven biển từng là nơi nghỉ dưỡng cho gia đình dòng họ Kim, một tàu ngầm gián điệp bị thu giữ, một đài quan sát cho phép người tham quan nhìn thấy một phần bức tranh đồi núi phía sau khu phi quân sự (DMZ) giăng đầy mìn, tất cả đều là những dấu vết gợi nhớ về 7 thập kỷ chia rẽ trên bán đảo Triều Tiên tại tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, theo AP.
Tỉnh Gangwon cũng chính là nơi đang diễn ra các màn thi đấu kịch tính trong khuôn khổ Thế vận hội Mùa đông 2018, thu hút sự quan tâm lớn của truyền thông quốc tế.
Biệt thự Kim Nhật Thành
Chỉ cách khu DMZ vài km, biệt thự Kim Nhật Thành nằm ngay bên bãi biển Hwajinpo. Đây là nơi cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành, ông nội nhà lãnh đạo Kim Jong-un, từng ghé qua nghỉ dưỡng.
Biệt thự từng có tên khác là "Lâu đài Hwajinpo". Nó nằm trên lãnh thổ Triều Tiên trước thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh liên Triều 1950 - 1953. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, đường biên giới được vẽ lại, khu biệt thự thuộc về phần lãnh thổ Hàn Quốc.
Một bức ảnh đen trắng trưng bày bên trong biệt thự cho thấy cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha ông Kim Jong-un, lúc còn nhỏ đang ngồi trên các bậc thang bằng đá. Một bức ảnh khác ghi lại cảnh cậu bé Kim Jong-il 6 tuổi ngồi cạnh em gái Kim Kyonh-hui cùng một người bạn Liên Xô và hai người bạn Triều Tiên không rõ danh tính.
Hàn Quốc ban đầu dùng biệt thự Kim Nhật Thành làm nơi nghỉ dưỡng cho các tướng lĩnh quân đội nhưng vào năm 1999, chính quyền quyết định biến nơi này thành địa điểm du lịch. Biệt thự thu hút khoảng 5.000 lượt khách tới tham quan mỗi ngày vào mùa hè và 500 lượt vào mùa đông. Song nhờ Olympic, số khách tới thăm đã tăng vọt, hướng dẫn viên tại biệt thự cho hay.
"Nhìn vào căn biệt thự, tôi nghĩ tới ước vọng thống nhất Hàn Quốc - Triều Tiên của chúng tôi và thấy vô cùng xúc động", ông Keum Hyo-kil, 77 tuổi, chia sẻ trong lúc tới thăm khu biệt thự cùng gia đình sau khi theo dõi màn thi đấu đua xe trên băng tại Olympic. "Tôi hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể từ bỏ hoàn toàn tham vọng hạt nhân sau Olympic Pyeongchang".
Rất nhiều khách tham quan cho rằng Hàn Quốc nên bảo tồn khu biệt thư như một di tích lịch sử. Nhưng trong quá khứ, các nhóm hoạt động chống Bình Nhưỡng từng đe dọa cho nổ tung biệt thự Kim Nhật Thành. Một số người còn dọa phá nát chân dung ông Kim Jong-il treo trên bức tường gần các bậc đá.
Năm 2000, khi Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Park Jie-won tới Triều Tiên, ông đã trao cho nhà lãnh đạo Kim Jong-il một album ảnh từ khu biệt thự. Ông Park, hiện là một chính trị gia đối lập, kể lúc bấy giờ, ông Kim Jong-il ban đầu vờ như không nhận ra mình nhưng sau đó đã hồi tưởng lại quãng thời gian vui chơi tại biệt thự thời thơ ấu.
Tàu ngầm Triều Tiên
Tại thành phố Gangneung, nơi tổ chức các môn thi đấu trượt băng, khúc côn cầu trên băng và bi đá trên băng trong khuôn khổ Olympic, nhà chức trách vẫn lưu giữ xác một con tàu ngầm Triều Tiên tại Công viên Thống nhất ven biển.
Con tàu ngầm dài 35 mét này năm 1996 bị mắc cạn trong lúc thực hiện một nhiệm vụ gián điệp. Sau khi xác định thiệt hại quá nghiêm trọng và khó lòng sửa chữa, 26 thành viên thủy thủ đoàn đã bỏ lại con tàu và tìm đường trở về Triều Tiên qua những dãy núi cao gồ ghề gần đó.
Nhưng một tài xế taxi đã sớm phát hiện ra con tàu ngầm mắc cạn và báo cáo với chính phủ Hàn Quốc. Một cuộc truy lùng các binh sĩ Triều Tiên kéo dài 49 ngày diễn ra. Cuối cùng, 24 người Triều Tiên bị bắn chết hoặc được tìm thấy đã chết, một người bị bắt và người thứ 26 mất tích. Cuộc truy đuổi cũng khiến 17 binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng.
Theo miêu tả của các khách tham quan, bên trong tàu khá ẩm thấp và chật chội. "Tôi không hiểu họ sống thế nào ở đây nữa", ông Hong Sun-kee, 47 tuổi, người trông coi khu lưu giữ tàu ngầm Triều Tiên, nói.
Công viên Thống nhất Hàn Quốc hiện cũng giữ một con thuyền bằng gỗ mà 11 người Triều Tiên dùng để vượt biển vào Hàn Quốc hồi năm 2009 cùng một chiến hạm Triều Tiên nặng 3.471 tấn.
Đài quan sát thống nhất
Nằm ở phía nam khu DMZ, đài quan sát thống nhất là điểm cực bắc của Hàn Quốc, nơi người dân có thể đến để nhìn sang Triều Tiên. Từ đây, khách tham quan sẽ nhìn chiêm ngưỡng được một phần núi Kim cương của Triều Tiên, nơi Seoul và Bình Nhưỡng từng điều hành một dự án du lịch chung nhưng bị hủy bỏ sau khi binh sĩ Triều Tiên bắn chết một du khách Hàn Quốc hồi năm 2008.
Tại đài quan sát hôm 19/2, nhiều khách tham quan hào hứng chụp ảnh với núi Kim cương phía sau. Trước khi lên đến đây, họ đã buộc hàng loạt dải ruy băng nhiều màu trên các thanh lan can, ghi những thông điệp tích cực như kêu gọi hòa bình cho bán đảo, chúc một kỳ Olympic thành công hay cầu chúc sức khỏe cho người thân, gia đình.
"Thật buồn khi chúng tôi không thể tới Triều Tiên dù nó ở ngay kia", Ha Go-eun, sinh viên, 18 tuổi, tới Gangwon để xem Olympic cùng bạn bè, chia sẻ. "Tôi mong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tốt lên sau Thế vận hội này. Tôi thực sự, thực sự muốn tới và ngắm nhìn núi Kim cương".
Gần đó, một vũ công đang biểu diễn điệu nhảy mô phỏng một con chim bị mắc vào những dải ruy băng sặc sỡ và lưới ngụy trang.
"Tôi muốn thể hiện hình ảnh một chú chim khao khát bay tới bất cứ nơi đâu nó thích mà không gặp phải bất kỳ giới hạn nào", Doyu, 48 tuổi, cho biết. "Tại sao chúng ta không thể đi bộ tới núi Kim Cương? Tôi đoán chỉ mất khoảng 5 phút lái xe thôi. Tình cảnh này thật quá mỉa mai phải không?".
Vũ Hoàng