Buổi họp báo đầu tiên của đội Lợn Hoang sau khi giải cứu khỏi hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai, Thái Lan, trong một chiến dịch giải cứu đầy kịch tính, thu hút sự quan tâm của toàn cầu là giây phút được cả thế giới chờ đợi.
Gương mặt những cậu bé 11 - 16 tuổi vẫn còn chút dấu vết của thử thách đầy chông gai, khi họ mắc kẹt hơn hai tuần trong hang động mà không có thức ăn, ánh sáng và bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Sự việc nghiêm trọng tới mức chính quyền Thái Lan phải huy động hơn 1.000 binh sĩ cùng các chuyên gia, thợ lặn nước ngoài và đông đảo tình nguyện viên đến hỗ trợ giải cứu, theo Guardian.
Huấn luyện viên 25 tuổi Ekapol Chantawong xác nhận nhóm thiếu niên muốn đi tu để tưởng nhớ cựu đặc nhiệm Saman Kunan thiệt mạng trong chiến dịch giải cứu. Anh cũng tiết lộ họ đã đào các hố sâu tới 4 m nhằm cố tìm đường ra ngoài trước khi được tìm thấy. "Chúng tôi đào hố bởi nghĩ rằng không thể chỉ ngồi chờ chính quyền tới", anh nói.
Buổi họp báo diễn ra trong không khí vui vẻ. Các cậu bé mặc đồng phục đội Lợn Hoang rê bóng vào hội trường trong tiếng hò reo cổ vũ. Họ tươi cười với hàng trăm khán giả tập trung tại đây để nghe câu chuyện đầy kịch tính trong những ngày mắc kẹt.
Các thiếu niên đội Lợn Hoang tâng bóng điệu nghệ trong buổi họp báo.
Video được phát đầu buổi họp báo cho thấy nhóm thiếu niên vừa khóc vừa cảm ơn các nhân viên y tế tại bệnh viện đã giúp họ hồi phục suốt tuần qua. "Mọi người đều lo lắng cho chúng cháu. Cháu không thể nói nên lời", cậu bé 14 tuổi Adul Samon nói.
Huấn luyện viên Ekapol cho biết họ quyết định vào hang Tham Luang tham quan hôm 23/6 bởi chưa ai từng vào bên trong. Cả nhóm đạp xe tới đó sau khi tập bóng và dự định dành một giờ để khám phá hang động. Tuy nhiên, khi tới ngã ba trên đường ra ngoài, họ thấy nước đã dâng cao.
Khác với thông tin trước đó, Ekapol nói rằng hầu hết thiếu niên đều biết bơi. Họ thậm chí lặn xuống nước để kiểm tra độ sâu và đánh giá liệu có thể bơi ra ngoài hay không. Tuy nhiên, huấn luyện viên cho biết khi hang trở nên tối hơn, anh nhận ra rất khó rời khỏi đây nên đã đưa 12 thiếu niên đi sâu hơn để tìm nơi nghỉ qua đêm, hy vọng nước rút vào sáng hôm sau. Trước khi ngủ trong hang động ẩm ướt vào đêm đầu tiên, họ cùng nhau cầu nguyện.
Khi nhiều ngày trôi qua mà nước vẫn tiếp tục dâng lên, các thiếu niên dần kiệt sức vì không có thức ăn, chỉ có thể uống nước từ thạch nhũ. "Chúng cháu uống nước nhỏ xuống từ đá. Ngày đầu tiên thì ổn, nhưng sau hai ngày chúng cháu bắt đầu cảm thấy mệt mỏi", cậu bé 16 tuổi Pornchai Kamluang cho biết.
"Cháu không còn sức lực. Cháu cố không nghĩ về đồ ăn để không cảm thấy đói hơn", Chanin Wiboonrungrueng, thành viên nhỏ tuổi nhất, nói thêm. Trong khi cả nhóm cố xua đi ý nghĩ về đồ ăn, cậu bé 13 tuổi Panumas Saeangdee lại nói về một món cháo của Thái Lan trong giấc ngủ. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết 13 người hiện đều khỏe mạnh về thể chất và tinh thần sau khi hồi phục trong bệnh viện.
Khi nhiều thiếu niên gần như không còn hy vọng về việc được tìm thấy, hai thợ lặn người Anh cuối cùng cũng tới mô đất cao trong hang, nơi họ trú ẩn suốt 9 ngày. Adul là thành viên duy nhất trong nhóm nói tiếng Anh. Cậu bé mô tả giây phút các thợ lặn xuất hiện trong bóng tối và cất tiếng gọi họ là "khoảnh khắc kỳ diệu", dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ sẽ được giải cứu.
"Chúng cháu nghe thấy tiếng gọi khi đang đào đá trên mô đất và không chắc điều này có thật hay không. Vì vậy chúng cháu dừng lại và lắng nghe. Khi biết đây là sự thật, cháu đã bị sốc", Adul chia sẻ.
Adul rất ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng Anh thay vì tiếng Thái. Cậu bé 14 tuổi kể lại rằng các thợ lặn đã hỏi: "Cháu thế nào rồi?". Sau đó em đáp lại "chúng cháu khỏe" và xác nhận 13 người đều an toàn, rồi thợ lặn nói "tuyệt vời". Khoảnh khắc này được ghi lại trong đoạn video nổi tiếng khắp thế giới.
Một trong những câu hỏi đầu tiên các thiếu niên nói với thợ lặn là họ đã ở đây bao nhiêu ngày, bởi họ không còn nhận thức được về thời gian. "Não của chúng cháu rất chậm. Mọi người đã quên hết về các con số", Adul nói.
Đội bóng nhí cũng tiết lộ rằng quyết định ai rời hang trước không dựa trên tình trạng sức khỏe mà do các cậu bé tự bàn bạc. "Những cậu bé có nhà ở xa hơn được chọn trước để các em có thể nói với mọi người rằng chúng tôi vẫn khỏe", Ekapol cho biết.
Hầu hết đội bóng nhí thừa nhận họ không nói với phụ huynh rằng mình đi đâu sau khi tập bóng và đều bày tỏ sự hối hận vì khiến cha mẹ buồn lòng. Chanin cho biết khi còn ở trong hang cậu luôn lo sợ sẽ bị cha mẹ phạt vì không nghe lời.
Những tiếng reo hò vang lên khi tới phần giới thiệu các đặc nhiệm SEAL Thái Lan tham gia chiến dịch giải cứu. Tuy nhiên những người này chỉ giới thiệu họ của mình, thậm chí đội mũ và đeo kính râm để giữ kín danh tính.
Các cậu bé bày tỏ tình cảm chân thành tới đội đặc nhiệm đồng hành cùng họ suốt chiến dịch, những người mang thức ăn và chơi cờ với họ tới khi cậu bé cuối cùng được đưa ra.
Các cậu bé mô tả đặc nhiệm SEAL giống như gia đình bởi họ "ăn ngủ cùng nhau". Có cậu bé còn coi một đặc nhiệm "như cha mình". Vài thiếu niên nói rằng các em muốn trở thành hải quân SEAL khi lớn lên.
Đội bóng nhí còn tiết lộ câu chuyện vui nhộn về một đặc nhiệm SEAL khi người này "hy sinh" quần áo của mình để giữ ấm cho các em nên phần lớn thời gian trong hang anh chỉ mặc đồ lót.
"Nhóm thiếu niên đã khỏe mạnh trở lại. Dù phải đối mặt với khủng hoảng, các em thực sự rất mạnh mẽ. Hiện nay thể chất của cả nhóm đều tốt và sẵn sàng trở về với cuộc sống bình thường", một bác sĩ tại bệnh viện cho biết.
Với 12 thiếu niên và huấn luyện viên Ekapol, những ngày mắc kẹt đã thay đổi họ mãi mãi. "Em út" Chanin là một trong số những cậu bé vừa muốn làm cầu thủ chuyên nghiệp, vừa muốn làm đặc nhiệm SEAL khi lớn lên. "Trải nghiệm này dạy cháu cách trân trọng cuộc sống và mạnh mẽ hơn", cậu bé 11 tuổi nói.
Cuộc họp báo được kiểm soát chặt chẽ. Các câu hỏi được gửi đến trước và lựa chọn kỹ lưỡng, bởi chuyên gia cảnh báo nhóm thiếu niên có thể bị kiệt sức sau hơn hai tuần mắc kẹt trong hang động ngập nước chật hẹp. Công chúng thế giới dành sự quan tâm lớn đến đội bóng nhí và các hãng phim đã bắt đầu xem xét làm phim về sự việc. Tối qua, các cậu bé được phép về nhà. Bác sĩ khuyên gia đình họ nên tránh tiếp xúc với báo chí ít nhất một tháng.
Ánh Ngọc