Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 4 trong một nhiệm vụ bí mật lúc ông còn giữ chức giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) nhằm chuẩn bị các bước đầu tiên cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Giờ đây, ông Pompeo tiếp tục lên đường một lần nữa với nhiệm vụ thống nhất các chi tiết cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh sắp tới và mang ba công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ trở về nước.
Đồn đoán về chuyến đi dấy lên ở Washington sau khi các nhà ngoại giao châu Âu muốn gặp Ngoại trưởng Pompeo để thảo luận về việc Tổng thống Mỹ muốn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, song nhận được thông báo rằng ông sắp có chuyến công tác nước ngoài liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ không đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào.
Chiều muộn ngày 7/5, hai phóng viên Mỹ được báo họ sẽ khởi hành từ trụ sở Bộ Ngoại giao ở Foggy Bottom vào 19h45. Họ sẽ bay xuyên đêm và dừng chân ở Alaska và Nhật Bản để tiếp nhiên liệu trước khi đặt chân đến Triều Tiên. Hành trình có thể kéo dài tới 24 tiếng.
Hai phóng viên rời trụ sở trên đoàn xe chở phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert, một phiên dịch viên và các cố vấn khác của Ngoại trưởng Pompeo. Cả đoàn tới căn cứ không quân Andrews bên ngoài Washington.
Họ di chuyển trên chiếc phi cơ mang mã số C-32 của không quân Mỹ được cải biến từ mẫu Boeing 757 với số đuôi 80001. Chuyến đi 4 ngày bắt đầu mà không có lịch trình cụ thể ở Triều Tiên, không có xác nhận về việc thả tù nhân Mỹ hay tiến trình hội nghị thượng đỉnh.
Khi phi cơ đáp xuống căn cứ không quân Mỹ ở Yokota, Nhật Bản để tiếp liệu lần hai, Tổng thống Trump thông báo một nhà ngoại giao hàng đầu chính quyền Mỹ đang trên đường tới Bình Nhưỡng.
Máy bay đáp xuống sân bay Bình Nhưỡng rạng sáng ngày 9/5. Mọi liên lạc thông thường đều bị cắt. Các nhân viên tháp tùng Ngoại trưởng Pompeo phải sử dụng những chiếc máy nhắn tin và điện thoại vệ tinh trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoại trưởng Pompeo được các quan chức Triều Tiên đón và đưa đi trên chiếc limousine Mercedes. Hai phóng viên di chuyển trên chiếc xe van Chevy. Người lái xe giữ im lặng, không giao tiếp.
Trong lúc Pompeo dùng bữa trưa với các quan chức Triều Tiên và có cuộc gặp kín với lãnh đạo Kim Jong-un, phóng viên Lee và đồng nghiệp từ Washington Post phải "giết thời gian" trong 13 tiếng tại các nhà sách, cửa hàng, quán cà phê và nhà hàng đồ ăn truyền thống Triều Tiên.
Khi Ngoại trưởng Pompeo trở về từ cuộc họp 90 phút với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, gặp hai phóng viên Mỹ, ông ra dấu hiệu "không trả lời" trước câu hỏi về việc liệu các tù nhân Mỹ có được trao trả tự do hay không. Khoảng 10 phút sau, một sứ giả Triều Tiên tới, mang theo tin tốt lành: Họ sẽ trao trả các tù nhân Mỹ.
Một nhóm nhỏ các nhân viên y tế và quan chức được cử đi đón ba tù nhân Mỹ. Những người còn lại, bao gồm cả Ngoại trưởng Pompeo, lái xe ra sân bay để lên đường trở về Washington.
Lúc các tù nhân tới, các phóng viên chỉ kịp nhìn thoáng qua họ ra khỏi xe và bước lên bậc thang máy bay. Không giống Otto Warmbier, người được chuyển về Mỹ hồi năm ngoái trong tình trạng hôn mê và qua đời không lâu sau đó, ba tù nhân dường như tinh thần khá tốt. Họ ngồi tách biệt ở phần giữa khoang máy bay với rèm phủ kín xung quanh.
Đến Nhật Bản, ba người được chuyển tới một máy bay chính phủ khác nhỏ hơn để trở về Mỹ. Tổng thống Trump và phu nhân đích thân đón đoàn tại sân bay. Song hai phóng viên Mỹ chỉ có thể theo dõi qua mạng bằng điện thoại di động bởi máy bay của họ được giữ cách xa nơi diễn ra lễ đón.
Phóng viên Washington Post kể về chuyến đi giải thoát tù nhân ở Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ.
Vũ Hoàng