Khoảng 200 thành viên Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hồi tháng 1 tham dự phiên họp toàn thể lần thứ hai tại Bắc Kinh để bàn về một vấn đề chính trị hệ trọng: xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch, điều có thể giúp nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nắm được quyền lực tuyệt đối, theo NYTimes.
Tuy nhiên, thông cáo được công bố sau phiên họp kín kéo dài hai ngày này không đề cập đến quyết định đó, mà chỉ nói rằng Ủy ban Trung ương CPC đã thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp, trong đó khẳng định Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh đạo hạt nhân của CPC. Đề xuất sửa đổi hiến pháp để xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch được giữ bí mật suốt hơn 5 tuần tiếp theo.
Quyết định trên chỉ được thông báo một cách bất ngờ hồi cuối tháng 2, vài ngày trước khi phiên họp thường niên của quốc hội Trung Quốc diễn ra. Bình luận viên Chris Buckley cho rằng sự trì hoãn này là một nỗ lực của ông Tập nhằm ngăn chặn mọi sự phản đối trước khi gần 300 thành viên quốc hội chính thức phê chuẩn quyết định thay đổi hiến pháp. Nó cũng cho thấy những tính toán về đường đi nước bước rất cặn kẽ mà ông Tập sử dụng để vươn tới quyền lực tuyệt đối của mình một cách âm thầm và nhanh chóng.
Nếu được quốc hội bỏ phiếu thông qua vào ngày 11/3, đề xuất sửa đổi hiến pháp này sẽ bãi bỏ quy định giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch vốn đã được áp dụng suốt 35 năm qua ở Trung Quốc. Giới phân tích nhận định đề xuất sẽ dễ dàng hội đủ 2/3 số phiếu tại quốc hội để được đưa vào hiến pháp.
Giới phân tích tỏ ra ngạc nhiên trước mức độ chóng vánh trong các bước đi của ông Tập để có thể tiếp tục nắm quyền sau năm 2023, thời điểm nhiệm kỳ hai của ông kết thúc.
"Tôi từng cho rằng ông Tập sẽ tìm cách nắm quyền trong ba hoặc bốn nhiệm kỳ, thậm chí có thể đưa ra một hệ thống bầu chủ tịch mới khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Nhưng tôi không bao giờ ngờ được hiến pháp có thể được sửa đổi nhanh đến vậy", Wu Wei, từng là cố vấn của cựu tổng bí thư Triệu Tử Dương, cho biết.
"Với việc thay đổi điều khoản quan trọng như vậy trong hiến pháp, lẽ ra ý kiến toàn dân cần được tham khảo rộng rãi hơn", ông Wu nói.
Theo tài liệu chính thức được phát tại kỳ họp quốc hội, ông Tập chính thức đề xuất sửa đổi hiến pháp vào ngày 29/9 tại một phiên họp của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao nghỉ hưu cho biết trong đề xuất này, ông Tập không ngay lập tức nhắc tới việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ.
Để tránh bị coi là áp đặt, ông Tập đã để các lãnh đạo cấp tỉnh thành là ủy viên Bộ Chính trị thay mình đưa ra ý tưởng bãi bỏ nhiệm kỳ chủ tịch quy định trong hiến pháp, cựu quan chức giấu tên nói.
Cũng trong kỳ họp này, Bộ Chính trị Trung Quốc quyết định điều tra Tôn Chính Tài, người từng được coi là ứng viên sáng giá kế nhiệm ông Tập, vì cáo buộc tham nhũng. Đây được coi như một đòn cảnh cáo của ông Tập đối với các quan chức khác.
Nỗ lực xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch bắt đầu tăng tốc từ tháng 11/2017, khi CPC bí mật nghiên cứu các đề xuất sửa đổi hiến pháp. Các đồng minh của ông Tập bắt đầu chiến dịch ủng hộ đề xuất này và nhanh chóng phát huy hiệu quả, khi tài liệu của CPC khẳng định "có sự ủng hộ vững chắc với việc đưa ra các quy định mới về nhiệm kỳ chủ tịch".
Giới phân tích cho rằng với các bước đi này, ông Tập đã bỏ qua những hội nghị hiệp thương quan trọng mà các lãnh đạo trước đây từng tổ chức mỗi khi thay đổi hiến pháp. Những lần thay đổi hiến pháp trước đây của Trung Quốc cũng thường diễn ra lâu hơn và ít nhất cũng có các hoạt động thảo luận công khai.
Cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đưa ra đề xuất thay đổi hiến pháp 15 tháng trước khi nó được áp dụng, trong đó có nhiều cuộc tranh luận công khai đã diễn ra, bao gồm các diễn đàn do các học giả tự do tổ chức. Bản thảo về hiến pháp sửa đổi được công bố ba tháng trước khi quốc hội Trung Quốc phê chuẩn vào tháng 3/2004.
Trong khi đó, ông Tập chỉ thông báo rằng ông muốn thay đổi hiến pháp vào tháng 12/2017 mà không nói rõ sẽ thay đổi điều gì. Bản thảo hiến pháp sửa đổi, trong đó có điều khoản xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của ông, chỉ được công bố 8 ngày trước khi khai mạc kỳ họp quốc hội.
Ông Tập cũng kiểm soát rất chặt chẽ quá trình này. Sau phiên họp Bộ Chính trị tháng 9 năm ngoái, ông giao nhiệm vụ xem xét sửa đổi hiến pháp cho một nhóm chỉ gồm ba quan chức: Chủ tịch quốc hội Trương Đức Giang và hai đồng minh thân cận là Lật Chiến Thư và Vương Hỗ Ninh, những người vừa được bầu vào Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị năm ngoái.
Vương Hỗ Ninh là người luôn ủng hộ quan điểm cho rằng Trung Quốc cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để duy trì trật tự xã hội khi thực thi các chính sách quyết liệt, chẳng hạn như đóng cửa các xí nghiệp hoạt động không hiệu quả. "Nếu không có quyền lực trung ương hoặc quyền lực trung ương suy giảm, quốc gia sẽ rơi vào tình trạng tan rã và hỗn loạn", ông Vương nói trong cuộc phỏng vấn năm 1995.
Ông Tập cũng đưa ra quan điểm tương tự trong các bài phát biểu gần đây, khi cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức và cơ hội chưa từng có. "Đảng chúng ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong tình cảnh hiểm nguy", ông nói với các quan chức cấp cao trong phiên họp tháng 12/2017.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Tập vẫn cần được thông qua trong phiên họp toàn thể Ủy ban Trung ương CPC hồi tháng 1. Các nguồn tin của NYTimes, gồm hai cựu quan chức, một biên tập viên báo đảng và một doanh nhân có quan hệ họ hàng với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, cho biết ông Tập đã thắng thế trong phiên họp này, dù chưa đạt được sự đồng thuận tuyệt đối.
Những nguồn tin này cho biết các ủy viên Ủy ban Trung ương CPC, sau khi chứng kiến chiến dịch đả hổ diệt ruồi quyết liệt của ông Tập, đã không đưa ra ý kiến phản đối nào tại phiên họp.
Ông Tập về cơ bản đã thu được sự ủng hộ của Ủy ban Trung ương đối với việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch chỉ ba tháng sau khi đắc cử nhiệm kỳ hai. "Điều này cho thấy tham vọng phá vỡ quy tắc của ông Tập", Christopher K. Johnson, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói. "Quá trình diễn ra một cách từ từ, từ từ và khi không ai để ý, ông ấy quay ngoắt lại và làm điều đại sự".
Hôm thứ hai, các đại biểu quốc hội Trung Quốc đồng loạt vỗ tay hai lần khi đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch được đọc trước toàn thể nghị trường.
"Tôi nghĩ chúng ta cần cho ông Tập 20 năm để hoàn thành giấc mơ Trung Hoa và đưa Trung Quốc hùng mạnh trở lại", Jiao Yun, đại biểu quốc hội đến từ vùng đông bắc Trung Quốc, đồng thời là chủ tịch một công ty chế biến than, nói. "Giới hạn nhiệm kỳ 10 năm trước đây không phù hợp với sự phát triển dài hạn của Trung Quốc".
Trí Dũng