Trung Quốc vừa phát động một chiến dịch chống mafia toàn quốc chưa từng có tiền lệ, nhằm loại bỏ vấn nạn tham nhũng đang tràn lan trong các quan chức cấp cơ sở cấu kết với xã hội đen, vốn bị coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), theo SCMP.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết chiến dịch này được phát động sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tổ chức họp kín với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, trong đó ông cảnh báo rằng bất cứ sự thông đồng nào giữa quan chức chính quyền với mafia sẽ không được dung thứ.
Chiến dịch chống mafia dưới sự lãnh đạo của ông Tập và gần 30 cơ quan, tổ chức đảng, nhà nước nhằm mục đích củng cố tính chính danh của CPC và khôi phục lại niềm tin của người dân vốn đã bị xói mòn đối với sự lãnh đạo của đảng.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập đã phát động chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" quy mô lớn, trong đó "hổ" là các quan chức cấp cao ở trung ương, còn "ruồi" là các cán bộ cấp cơ sở ở địa phương. Chiến dịch này nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dư luận sau khi "hạ bệ" các quan chức cấp cao như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang cùng nhiều tướng lĩnh quân đội.
Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập mới chỉ tập trung "đả hổ", trong khi những "con ruồi" ở các huyện, xã xa xôi gần như chưa bị động đến. Tình trạng tham nhũng ở cấp huyện, xã được cho là đang ở mức nghiêm trọng, nhất là khi các cán bộ cơ sở này cấu kết với băng đảng xã hội đen địa phương để làm giàu bất chính, đe dọa đến mục tiêu đưa toàn bộ người dân Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo vào năm 2020 của ông Tập.
Chiến dịch chống mafia lần này cho thấy quyết tâm của ông Tập và CPC trong việc loại bỏ những quan chức chống lưng cho các tổ chức tội phạm. Sự thành công của chiến dịch sẽ củng cố đáng kể quyền lực của ông Tập, đặc biệt là ở cấp cơ sở, nơi thực thi chủ yếu các quyết sách của ông.
Nạn băng đảng cấu kết với quan chức chính quyền đã tồn tại từ lâu trong lịch sử Trung Quốc. Thời nhà Thanh, tổ chức tội phạm Lục Hội nổi lên và hoành hành ở Thượng Hải suốt nhiều năm nhờ sự chống lưng của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Các băng đảng này bị phá tan sau khi CPC lên nắm quyền, nhưng tàn dư của chúng vẫn sót lại và tiếp tục duy trì ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là ở các vùng nông thôn Trung Quốc, theo Nikkei.
Năm 2009, bí thư thành ủy Trùng Khánh khi đó là Bạc Hy Lai cũng đã phát động một chiến dịch chống xã hội đen quy mô lớn, bắt giữ khoảng 50.000 thành viên băng đảng. Chiến dịch này đã giúp Bạc Hy Lai trở thành một "ngôi sao sáng" trong chính trường Trung Quốc thời kỳ đó, nhưng nhiều người cáo buộc ông này lạm quyền và lợi dụng hoạt động trấn áp để đe dọa các đối thủ chính trị và kinh doanh. Bạc Hy Lai sau này bị kết án chung thân vì tham nhũng và lạm quyền.
Giờ đây, ông Tập và chính phủ Trung Quốc cho rằng chiến dịch chống mafia toàn quốc sẽ là công cụ hiệu quả để "đập ruồi", đồng thời giúp kéo giảm các vụ phạm tội nghiêm trọng trên cả nước.
"Cuộc chiến quốc gia loại trừ băng đảng sẽ có vai trò then chốt trong đảm bảo sự ổn định của đất nước, quyết định đến việc người dân sẽ ủng hộ hay phản đối đảng và chính phủ, cũng như củng cố quyền lực chính trị cấp cơ sở", tuyên bố chung giữa Ủy ban Trung ương CPC và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc có đoạn.
Tuyên bố này nói rõ lực lượng thực thi chiến dịch sẽ không được phép sử dụng các biện pháp tra tấn, ép cung đối với nghi phạm và mọi vụ việc đều phải có chứng cứ vững chắc.
Quách Thanh Côn, bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương CPC, tuần trước tuyên bố mục tiêu chính của chiến dịch là các hoạt động tội phạm liên quan đến cờ bạc, văn hóa phẩm đồi trụy, ma túy, bán hàng đa cấp, bắt cóc và buôn người.
Theo ông Quách, mọi mầm mống để băng đảng mafia có thể nảy nở ở địa phương cần phải bị loại trừ, bởi hoạt động xã hội đen này sẽ trở thành chiếc ô bảo kê cho hành vi tham nhũng cấp cơ sở.
Xinhua cho biết chiến dịch sẽ nhắm đến các băng đảng mafia đang lợi dụng kẽ hở pháp lý và sự kiểm soát lỏng lẻo của chính quyền địa phương để đăng ký hoạt động cho các công ty bình phong hợp pháp rồi xâm nhập vào lĩnh vực vận tải, kho vận. Các công ty cho vay nặng lãi cũng sẽ bị nhắm đến trong chiến dịch.
Theo People’s Daily, chiến dịch chống mafia toàn quốc hiện nay thực ra đã được bắt đầu từ tháng 1 năm ngoái, khi Viện Kiểm sát Tối cao ra nghị quyết truy quét các băng đảng và tội phạm tham nhũng cấp phường xã, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Tây, hơn 1.200 người đã bị truy tố trong năm qua vì liên quan đến hoạt động băng đảng, mafia địa phương.
Cố Túc, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Phúc Đán, cho rằng Ủy ban Giám sát Quốc gia đầy quyền lực sắp được thành lập sẽ đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch chống mafia này.
"Chiến dịch rõ ràng được thiết kế về mặt chính trị để củng cố quyền lực của ông Tập và khả năng lãnh đạo tuyệt đối ở mọi cấp của đảng", ông Cố nói.
Gây tranh cãi
Thông báo về chiến dịch chống mafia toàn quốc lập tức làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong giới học giả quốc tế và Trung Quốc về mục đích cũng như tính khả thi của hoạt động này.
Nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về việc chiến dịch chống mafia của ông Tập có thể đạt được thành công lâu dài trong việc kiểm soát các hoạt động băng đảng và đảm bảo sự ủng hộ của các cán bộ cấp cơ sở đối với quyết tâm của đảng, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc vẫn chưa có một cơ chế độc lập và công khai để giám sát các hoạt động hành pháp.
Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS ở London, cho rằng chiến dịch chống tội phạm mang động cơ chính trị như vậy sẽ không thể tránh khỏi việc ảnh hưởng đến thượng tôn pháp luật.
Theo Tsang, chiến dịch chống mafia của ông Tập và cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức của Bạc Hy Lai sẽ có rất nhiều điểm giống nhau. Khi nhắm đến một tổ chức nào đó bị tình nghi, chắc chắn các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc sẽ tìm mọi biện pháp, phương cách để đạt được mục tiêu của mình, không loại trừ các chiến thuật như bức cung, nhục hình.
Hạ Vệ Phương, giáo sư luật tại Đại học Peking, cho rằng những ngôn từ ít nhiều mơ hồ trong bản tuyên bố chung giữa CPC và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc về chiến dịch cho thấy đây chỉ đơn thuần là một đợt truy quét tội phạm mang tính định kỳ.
"Những chiến dịch chính trị quy mô lớn như vậy, trong đó có chiến dịch chống băng đảng của Bạc Hy Lai, đã giáng đòn mạnh vào hệ thống tư pháp của Trung Quốc và gieo đau thương cho nhiều người vô tội cũng như gia đình họ khi không có sự giám sát độc lập", giáo sư Hạ nói.
Tuy nhiên, Lý Thường, một luật sư Trùng Khánh từng ngồi tù hai năm sau khi bào chữa cho các nghi phạm bị coi là trùm mafia trong chiến dịch của Bạc Hy Lai, cho rằng cuộc chiến chống băng đảng lần này của ông Tập rất khác. Theo Lý, chiến dịch của Bạc Hy Lai chỉ nhằm thanh trừng các đối thủ chính trị và tư lợi cho bản thân ông ta, chứ không nhằm vào các tổ chức tội phạm.
Một nguồn tin thân cận với chiến dịch cho biết ông Tập rất coi trọng nỗ lực này. "Đó không chỉ là một chiến dịch bình thường, nó đã được coi là trận chiến mà đảng phải giành thắng lợi", người này nói.
Trí Dũng