Ông Kim Jong-il tới thăm nhà máy sản xuất nước khoáng khi còn sinh thời. Ảnh: KCNA |
"Với sự thương tiếc chủ tịch Kim Jong-il, người dân Triều Tiên nhìn lại chiếc áo gắn bó với cuộc đời ngài", phát thanh viên của Đài Tiếng nói Triều Tiên đọc trong phóng sự "Chiếc áo parka đi cùng sự dìu dắt của chủ tịch Kim Jong-il".
"Mỗi ngày chủ tịch Kim Jong-il đều mặc nó để chỉ đạo các quan chức cấp cao. Ông từng nói: 'Tôi bắt đầu mặc chiếc áp parka này từ sau khi Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời. Tôi vẫn mặc nó, không thể quên những ngày gian khó đã qua", giọng đọc của đài phát thanh lúc trầm lúc bổng, bày tỏ sự thương tiếc với nhà lãnh đạo quá cố.
Như vậy là ông Kim Jong-il đã mặc chiếc áo trong hơn 10 năm, từ năm 1994 đến năm 2011, đủ lâu để khiến nó trở nên "cũ kỹ và bạc màu". Phát thanh viên đọc thêm: "Chiếc parka của người cha vĩ đại, che chở cho tất cả các con trên đất nước này khỏi gió mưa, bão tuyết và giá lạnh". Chiếc áo cũng được coi như một nhân chứng lịch sử, và là biểu tượng của chế độ tiên quân mà Triều Tiên theo đuổi.
Ngoài đài Tiếng nói Triều Tiên, hãng thông tấn KCNA cũng đăng bài ca ngợi các công lao của ông với tựa đề "Kim Jong-il bất tử như mặt trời", trong đó tôn vinh ông là "anh hùng kiệt xuất có một không hai của nhân loại, có lòng nhân đạo, hào hiệp và có trách nhiệm".
Tuần này Triều Tiên đang chú ý đến chiếc áo parka của nhà lãnh đạo quá cố, nhưng có thể tuần sau truyền thông Triều Tiên sẽ tập trung vào cuộc phóng tên lửa Kwangmyongsong. Đây là lần thứ hai trong năm nước này phóng tên lửa sau vụ phóng thất bại hồi tháng 4.
Cuộc phóng tên lửa diễn ra vào thời điểm một năm ngày mất của ông Kim Jong-il, cũng là dịp kỷ niệm một năm ngày con trai ông, Kim Jong-un, lên nắm quyền. Vụ phóng tên lửa gặp phải sự phản đối của Mỹ và các nước láng giềng như Hàn Quốc, Nga và Nhật Bản. Trung Quốc cũng lên tiếng lo ngại vụ phóng tên lửa của Triều Tiên có thể gây căng thẳng trong khu vực.
Vũ Hà (Theo NBC)