Tỷ phú Nga Boris Berezovsky vừa bị tòa án Anh tuyên thua trong một vụ kiện kếch xù đòi 5, 6 tỷ USD chống người đồng hương, tỷ phú Roman Abramovich. Phiên tòa kéo dài nhiều chục tháng kết thúc với tuyên bố của thẩm phán rằng bà không tin những lời của Berezovsky.
Berezovsky cũng như đối thủ Roman Abramovich đều là những nhà tài phiệt rất nổi tiếng, được báo chí phương Tây xếp vào nhóm các oligarch, đầu sỏ chính trị, đầy thế lực cả về kinh tế lẫn chính trị ở Nga. Trong những năm 1990, Berezovsky từ một nhà khoa học đã trở thành trùm tài chính, nghị sĩ, thân thiết với cố tổng thống Yeltsin, ủng hộ rồi quay ra chỉ trích Putin.
Berezovsky từng bị kết án vắng mặt vì các tội phạm kinh tế. Hiện ông này sống lâu dài tại Anh - nơi được cho là có "câu lạc bộ các tỷ phú lưu vong" của Nga. Moscow đã yêu cầu Anh dẫn độ nhưng không thành.
Năm 1997, tạo chí Forbes ước tính tài sản của Berezovsky là 3 tỷ USD. Ông ta đã khởi tạo khối tài sản khổng lồ của mình như thế nào?
Trùm tài phiệt Boris Berezovsky. Ảnh: AFP |
Năm 1983, ở tuổi 37, Berezovsky lần lượt có được bằng phó tiến sĩ rồi tiếp đó là tiến sĩ ở một đại học danh giá bậc nhất Liên Xô bấy giờ. Ông ta làm việc 25 năm cho Viện khoa học Liên Xô và trong ngành tự động hóa. Rồi sau đó, Berezovsky quyết định bước chân vào lĩnh vực kinh doanh bằng một hành trình độc nhất vô nhị.
Theo một nghiên cứu của giáo sư Thayer Watkin, đại học San Jose, Mỹ, trong thời gian còn làm việc tại Viện Khoa học, Berezovsky đã tạo dựng được mối quan hệ khá tốt với Avtovaz, một doanh nghiệp quốc doanh chuyên sản xuất ôtô cho thị trường nội địa Liên Xô. Dưới sự hỗ trợ của chính phủ, công ty này đã liên kết với hãng xe Fiat của Italy để xây dựng một nhà máy sản xuất xe hơi, nằm cách thủ đô Moscow 700 dặm về phía đông.
Để thể hiện tình hữu nghị giữa hai đất nước, thành phố nơi nhà máy được xây dựng sau đó còn được đặt theo tên của Togliatti, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italy.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng và bóng bẩy, nhà máy này thực chất lại là một sản phẩm thất bại bởi nó chứa đầy những máy móc thiết bị lỗi thời và lạc hậu. Nhà máy có quá nhiều công nhân, năng suất sản xuất tại đây chỉ bằng 1/30 so với những nhà máy chế tạo ôtô cùng thời ở Mỹ và Nhật Bản.
Bằng vốn kiến thức sâu rộng, Berezovsky đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng làm giàu từ Avtovaz. Ông đề xuất với ban lãnh đạo công ty này về chương trình hiện đại hóa nhà máy thông qua hệ thống điều khiển tự động. Ý đồ của Berezovsky là thành lập một công ty có trụ sở ở Thụy Sĩ nhằm liên doanh với Avtovaz.
Bản thân chính phủ Liên bang Xô Viết khi đó cũng đang rất có nhu cầu trong việc thúc đẩy dòng đầu tư từ nước ngoài. Do đó, hành động này của Berezovsky đã đánh trúng tâm lý của lãnh đạo Avtovaz và khiến ông nhận được rất nhiều quyền lợi từ chính phủ Liên Xô. Một trong những điểm đặc biệt của liên doanh là đối tác nước ngoài có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Khi cơ chế pháp lý cho đối tác nước ngoài Italy là Logovaz đã dựng xong xuôi, Berezovsky tham gia điều hành một đại lý xe hơi, bán các xe Lada do Autovaz sản xuất. Đại lý xe hơi là một nghề kiếm bẫm, và cũng là mục tiêu của các tay xã hội đen muốn nhảy vào kiếm tiền bảo kê. Berezovsky không chi cho bảo kê, mà tự thành lập đội bảo an của riêng mình bằng các tay súng người Chechnya. Một cuộc chiến ngầm nổ ra.
Khoảng 5 giờ chiều ngày 7/6/1994, Berezovsky đã trở thành mục tiêu cho một âm mưu đánh bom ám sát, khi chiếc Mercedes chở nhà tài phiệt đột ngột phát nổ, khiến viên tài xế mất đầu và tay vệ sĩ bị thương nặng. Bản thân Berezovsky, dù may mắn thoát chết, nhưng đã bị bỏng nghiêm trọng và phải trải qua thời gian điều trị kéo dài. Việc liên kết với những doanh nghiệp nhà nước giúp các đại lý xe hơi Logovaz kiếm được không ít món hời, một phần nhờ vào quá trình mà Berezovsky vẫn gọi là "tư nhân hóa lợi nhuận" của các công ty quốc doanh. Avtovaz sản xuất dòng xe Lada với chi phí trung bình khoảng 4.800 USD một chiếc, nhưng bán chúng cho các đại lý của Berezovsky với giá thực tế chỉ khoảng 3.500 USD. Phần định dưới giá thành đó được cho là chi phí quản lý.
Logovaz sau đó lại bán chúng ra thị trường với giá gấp đôi, 7.000 USD. Như vậy Berezovsky đã chuyển lợi nhuận tiềm năng của công ty quốc doanh ra ngoài và đưa sang túi của doang nghiệp tư nhân - chính là hãng đại lý ôtô.
Khi một công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ và mất giá trên thị trường, điều đó đồng nghĩa với việc nó sẽ nhanh chóng được nhượng quyền sở hữu với mức giá rẻ và rơi vào tay những tài phiệt giàu có như Berezovsky.
Hồi năm 1996, Berezovsky nói với nhà báo Paul Klebnikov, tác giả cuốn sách "Bố già ở Điện Kremlin", rằng "quá trình tư nhân hóa ở Nga sẽ phải đi qua ba giai đoạn". Giai đoạn đầu tiên là tư nhân hóa lợi nhuận. Giai đoạn thứ hai là tư nhân hóa tài sản. Và giai đoạn cuối cùng chính là tư nhân hóa các khoản nợ.
Ông ta bỏ qua giai đoạn số không cực kỳ quan trọng, đó là giành quyền kiểm soát. Có hoành thành giai đoạn này mới thực hiện được phần tiếp theo. Như ở trường hợp Autovaz, việc định giá bán cho đại lý dưới giá thành giúp ông ta chuyển lợi nhuận ra ngoài công ty quốc doanh. Lợi nhuận cũng có thể trôi khỏi tay doanh nghiệp thông qua việc gia tăng giá vật tư đầu vào.
Trong giai đoạn từ năm 1995 tới 1997, thông qua việc bán các khoản cho vay cá nhân gây tranh cãi, Berezovsky cùng với hai đối tác là Patarkatsishvili và Roman Abramovich đã giành được quyền kiểm soát Sibneft, công ty dầu mỏ lớn thứ 6 của Nga.
Mặc dù đã có được quyền sở hữu Avtovaz và Sibneft nhờ những mánh khóe làm ăn khéo léo, Berezovsky vẫn bị hấp dẫn bởi rất nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có Aeroflot, hãng hàng không phục vụ cho Liên Xô rộng lớn và từng là công ty hàng không quốc tế lớn nhất thời bấy giờ.
Aeroflot hồi những năm 90 được hoạt động dưới sự điều hành của Vladimir Tikhonov. Tikhonov là một nhà quản lý tài năng, đã góp phần cải thiện Aeroflot thông qua việc nhập mới trang thiết bị từ Mỹ và châu Âu. Từ năm 1994, Aeroflot được đăng ký lại thành công ty cổ phần và chính phủ Nga đã bán 49% cổ phần của họ cho các nhân viên, nhà nước nắm giữ 51%.
Bản thân Berezovsky không quan tâm tới việc thu mua cổ phiếu, thay vào đó, ông ta muốn kiểm soát hoạt động của công ty để tư nhân hóa các khoản lợi nhuận. Bằng sức ảnh hưởng tới giới chính trị, nhà tài phiệt đã buộc Vladimir Tikhonov phải rời khỏi vị trí lãnh đạo và lấp chỗ trống của ông bằng một thống soái Không quân Xô Viết.
Vị Thống soái này, mặc dù từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực không quân, không hề có hiểu biết và kiến thức về việc điều hành một hãng hàng không thương mại. Với những người điều hành Aeroflot, điều này báo trước một tương lai mà toàn bộ lợi nhuận của Aeroflot sẽ rơi vào tay nhà tài phiệt nổi tiếng hung hăng và vẫn được giới mafia ở Nga mệnh danh là "Bố già", Boris Berezovsky.
Berezovsky đưa người của Logovaz vào làm trong ban quản lý Aeroflot. Ông thống soái kia không thể địch lại người của Logovaz. Khi họ nắm quyền quản lý, chẳng bao lâu sau lợi nhuận của Aeroflot lại tìm đường chảy vào túi của Berezovsky.
Trong những năm 1995 đến 1997, thông qua cơ chế cho vay để đổi lấy cổ phần, Berezovsky được cho là đã hỗ trợ Abramovich mua được quyền kiểm soát công ty Sibnef, hãng dầu mỏ lớn thứ sáu của Nga. Thương vụ này giúp làm khối tài sản của ông ta phình ra đáng kể.
Năm 2006, sau nhiều thăng trầm trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, Berezovky bán toàn bộ tài sản ở Nga và cư trú chính trị ở Anh. Tài sản khổng lồ của tài phiệt được cho là bị bốc hơi khá nhiều do cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới năm 2008. Danh sách những người giàu có do Sunday Times công bố năm 2011 cho hay Berezovsky khi đó chỉ còn khoảng 900 triệu USD.
Quỳnh Hoa (tổng hợp)