Charles Hobert McDaniel Jr, mục sư quân đội đã nghỉ hưu, hít sâu trước khi nói về thẻ tên của cha mình. Chiếc thẻ có hai lỗ thủng và một phần bị mẻ được thu về từ chiến trường gần Unsan ở Triều Tiên, nơi cha của ông, trung sĩ Charles Hobert McDaniel Sr., tử trận năm 1950, theo Washington Post.
Charles, 71 tuổi, và em trai ông, Larry, 70 tuổi, có ít ký ức về bố mình. Vì vậy, mẩu kim loại nhỏ khắc chữ "McDANIEL, CHARLES H." là di vật rất quý giá với họ.
Chiếc thẻ là một trong những vật đi kèm với 55 bộ hài cốt mà Triều Tiên bàn giao cho Mỹ vào tháng trước. Nó là thứ duy nhất có thể ngay lập tức xác định liên quan đến một người lính cụ thể.
"Chúng tôi không nghĩ được sẽ có ngày này", Charles nói.
McDaniel Sr. là con của một nông dân tại Indiana, gia nhập quân đội trước Thế chiến II và từng chiến đấu ở châu Âu. Sau Thế chiến II, ông nằm trong số những binh sĩ Mỹ đóng quân tại Nhật. Gia đình McDaniel Sr. sống ở đó cho đến khi ông được điều đến bán đảo Triều Tiên khi chiến tranh nổ ra.
Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 là cuộc chiến giữa một bên là Hàn Quốc được lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu hậu thuẫn với bên kia là Triều Tiên được Chí nguyện quân của Trung Quốc hỗ trợ. Lầu Năm Góc ước tính khoảng 5.300 lính Mỹ tử trận trên đất Triều Tiên.
Theo Cơ quan tìm kiếm tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA) của Mỹ, đơn vị của McDaniel Sr. bị quân Trung Quốc phục kích vào tháng 11/1950. Quân viện trợ đến giải cứu nhưng tiếp tục lâm vào cảnh yếu thế. Cuối cùng, 600 lính Mỹ chết hoặc mất tích trong trận tại Usan. Lầu Năm Góc cho biết có nhân chứng kể rằng đã trông thấy McDaniel tử trận.
Charles, khi đó ba tuổi, chỉ có ký ức về lần lên tàu rời khỏi Nhật Bản. "Bởi vì cuộc chiến có nhiều thương vong nên họ đưa góa phụ và các gia đình trở lại Hawaii", ông nói. "Gia đình tôi trở về miền nam Indiana. Tôi chỉ nhớ được như vậy".
Mặc dù vậy, "khi được gọi điện báo tin đến nhận di vật của bố, tôi đã ngồi khóc một lúc", ông kể.
Mỹ chưa thể xác định được hài cốt trong 55 hộp mà Triều Tiên bàn giao thuộc về bao nhiêu binh sĩ vì chúng được để lẫn lộn. Các mẫu DNA thu được từ hài cốt tháng này sẽ được gửi tới các phòng thí nghiệm tại căn cứ không quân Dover ở Delaware để bắt đầu quá trình xác định danh tính, kết hợp với cơ sở dữ liệu DNA thu từ thân nhân binh sĩ.
Charles cho rằng ông và em mình là những người may mắn nhất trong số hàng nghìn gia đình hy vọng có cơ hội chào đón người thân "về nhà". "Chúng tôi không biết liệu hài cốt của bố tôi có nằm trong số được chuyển về hay không, nhưng ít nhất, chúng tôi có cái này", ông nói khi giơ thẻ tên lên.