Khi căng thẳng thương mại với Washington gia tăng, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã sử dụng một cuộc họp với các doanh nhân Mỹ hồi tháng 5 để bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về các chính sách công nghiệp của Bắc Kinh. Ông nói rằng Mỹ thiếu hiểu biết về lịch sử Trung Quốc, theo WSJ.
Vương Kỳ Sơn phàn nàn rằng Mỹ không trân trọng nỗ lực thoát nghèo của Trung Quốc và gợi ý rằng người Mỹ sẽ thông cảm hơn nếu họ hiểu hơn về đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính sách của họ. Ông nhấn mạnh binh pháp của Tôn Tử: "Biết người biết ta, trăm trận không nguy".
Kinh nghiệm
Vương Kỳ Sơn là quan chức đã phụ trách chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" quyết liệt do Tập Cận Bình khởi xướng. Ông Vương đã nghỉ hưu trong thời gian ngắn trước khi được bổ nhiệm chức phó chủ tịch nước hồi tháng ba.
Giới quan sát đánh giá ông là người truyền đạt thông điệp của Trung Quốc đến Mỹ, thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc theo đuổi con đường phát triển riêng bất kể áp lực bên ngoài.
Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn quen nhau từ khi họ thuộc đội thanh niên tri thức thành thị được điều đến lao động ở tỉnh Thiểm Tây nghèo khó trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa 1966 - 1976. Ông Vương, lớn hơn ông Tập 5 tuổi, rời Thiểm Tây trước ông Tập để theo học đại học và sau đó tham gia nghiên cứu lịch sử Trung Quốc thế kỷ 19 và 20 tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Ông Vương từng giữ chức phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông, bí thư tỉnh ủy Hải Nam, thị trưởng Bắc Kinh, phó thủ tướng và bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vương Kỳ Sơn được nhiều lãnh đạo phương Tây biết đến vì là người đại diện cho Trung Quốc tại các cuộc họp về kinh tế cũng như quan hệ kinh tế Mỹ - Trung. Henry Paulson, cựu bộ trưởng Tài chính Mỹ, mô tả ông Vương là quyết đoán, có khiếu hài hước.
Vào những 1990, ông Vương, với tư cách là người đứng đầu ngân hàng nhà nước Trung Quốc, đã thương lượng với ngân hàng Mỹ Morgan Stanley để thành lập China International Capital Corp., ngân hàng đầu tư liên doanh đầu tiên ở nước này. Tại buổi khai trương CICC năm 1995, một cổ đông tặng ông Vương một bộ gậy golf đắt tiền.
"Đạo đức công vụ và phép lịch sự đã khiến cho món quà này trở thành thứ nhận không được mà từ chối cũng không xong", Harrison Young, từng là giám đốc điều hành của CICC năm 1995 - 1997, nhận xét. Vì vậy, ông Vương trưng bày bộ gậy golf ở góc văn phòng làm việc và nói với các nhân viên rằng chúng không bao giờ được động đến.
Sau khi thôi nắm giữ mọi vị trí then chốt trong đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái, cuộc trở lại chính trường của ông Vương hồi tháng ba đã thể hiện rõ cách ông Tập tái cơ cấu hệ thống chính trị trong nửa năm qua. Ông thể hiện mình như một nhà hoạch định chính sách được bao quanh bởi các đồng minh và thân tín. Cả hai lãnh đạo đều có thể tại vị vô thời hạn, sau khi quốc hội Trung Quốc hồi tháng ba bãi bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ chủ tịch và phó chủ tịch nước.
Ông Tập và ông Vương "quen nhau từ thời trẻ, có những trải nghiệm giống nhau và làm việc cùng nhau trong một thời gian", nhà kinh tế học Huang Jiangnan, đánh giá. "Họ có mối quan hệ chặt chẽ, hiểu suy nghĩ của nhau và có chung mục tiêu chính trị".
Đối phó với Mỹ
Vài ngày sau khi Washington leo thang căng thẳng thương mại bằng cách áp đặt thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 6/7, ông Vương đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel và Giám đốc điều hành Telsa Elon Musk ở Bắc Kinh.
Là người đề nghị tổ chức cuộc gặp với Thị trưởng Chicago, ông Vương nói với Emanuel rằng trong khi Bắc Kinh không muốn tình trạng quan hệ với Washington diễn ra như hiện giờ, người Trung Quốc "sẽ không để bị ngăn cản thực hiện tầm nhìn" củng cố nền kinh tế.
Tỷ phú Musk, người đến Trung Quốc để công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải, nói trên Twitter rằng ông đã có "một cuộc thảo luận sâu sắc, thú vị về lịch sử, triết học và vận may với ông Vương".
Trong các cuộc gặp với giới chức nước ngoài, ông Vương miêu tả Trung Quốc là một cường quốc hiền hòa tìm kiếm vị trí xứng đáng trong các vấn đề toàn cầu. Là một người từng học chuyên ngành sử, ông Vương thường xuyên điểm xuyết những ám chỉ về lịch sử Trung Quốc và toàn cầu trong các bình luận của mình.
"Mỗi quốc gia đều có thực tế riêng, cũng như lịch sử và văn hóa riêng", ông Vương phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hồi tháng 5. Tất cả quốc gia "nên theo đuổi những con đường phát triển phù hợp với chính họ".
Tại cuộc họp hồi tháng 5 với các doanh nhân Mỹ tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh, ông Vương bác bỏ mình là người giữ nhiệm vụ xử lý quan hệ với Mỹ. Thay vào đó, ông nói rằng công việc của mình với vị trí phó chủ tịch nước là làm bất cứ điều gì Tập Cận Bình muốn.
Các nhà quan sát chính trị Trung Quốc đánh giá rằng đối với ông Tập, việc bổ nhiệm ông Vương làm phó chủ tịch đồng nghĩa với việc giữ lại một người giỏi giải quyết vấn đề và có cái nhìn sâu sắc về Mỹ.
Trong nỗ lực giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, một số quan chức và giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ đã hỏi các quan chức Trung Quốc cần làm gì để khiến ông Vương đến Washington đàm phán. Yun Sun, chuyên gia quan hệ Mỹ - Trung, cũng nói rằng nhiều nhà quan sát chú ý đến việc Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra "lá bài vua" - ám chỉ việc cử Vương Kỳ Sơn đến Mỹ.
Một số người cho rằng Vương Kỳ Sơn sẽ chỉ làm vậy nếu có bước đột phá căng thẳng. "Ông Vương sẽ không lên máy bay cho đến khi có nhiều bảo đảm hơn rằng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận và thỏa thuận sẽ được duy trì", Scott Kennedy, chuyên gia Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, nói.